Khu vực chuỗi đảo từ Cồn Cỏ qua Lý Sơn đến Phú Quý có dòng hải lưu với những sinh vật biển đa dạng di cư, cung cấp sự sống cho các hệ sinh thái biển Trung Bộ và được tô điểm thêm với các bãi san hô, đá ngầm, các dãy núi, đường bờ biển rất hấp dẫn. Việc tạo lập hành lang du lịch sinh thái biển Trung Bộ sẽ tạo động lực phát triển mới cho kinh tế trong khu vực. |
Những năm qua, kinh tế biển ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị, góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho nông, ngư dân vùng biển. Vấn đề cần chú trọng hiện nay là tăng cường công tác quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn biển, bảo vệ môi trường, tài nguyên biển phát triển bền vững, nhất là các hệ sinh thái, giống loài, sinh cảnh biển đã và đang bị suy giảm, ô nhiễm cần được giám sát bảo vệ nghiêm ngặt. Thực tế, việc thành lập khu bảo tồn biển (KBTB) đang là phương thức hiệu quả và ít tốn kém để duy trì và quản lý nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ đa dạng sinh học và đáp ứng những nhu cầu sinh kế của con người. KBTB còn đóng vai trò như một nơi trú ẩn của nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao, các loài quý hiếm và tạo điều kiện cho chúng phát triển tốt.
Với vai trò, vị trí quan trọng của đảo Cồn Cỏ cùng với mục đích bảo tồn, phát triển và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển, Ngày 14/10/2009, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định 2090/QĐ-UBND về việc thành lập Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ là loại hình bảo tồn loài, sinh vật cảnh gồm: hệ sinh thái rạn san hô và các loài động, thực vật biển quý hiếm. Phạm vi diện tích bảo tồn là 4.532ha bao gồm 3 phân khu (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu phát triển), 1 vùng phát triển cộng đồng và vành đai Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ.
Kết quả sau một thời gian đi vào hoạt động là đã hoàn thiện kế hoạch quản lý KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2011-2015; không ngừng nâng cao năng lực quản lý, tăng cường công tác tuyên truyền , nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi biển và đa dạng sinh học theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, hiện nay KBTB đảo Cồn Cỏ đang phải chịu áp lực rất lớn từ việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản quá mức. Các hoạt động khai thác bẻ phá đối với rạn san hô, rùa biển, tôm hùm vẫn còn diễn ra, chủ yếu là do ngư dân từ xa đến. Đây cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sự phát triển của rạn san hô, các hệ sinh thái đặc trưng và nguồn lợi tài nguyên biển nói chung, đảo Cồn Cỏ nói riêng, đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ bảo tồn biển trong thời gian tới.
Ngay từ khi mới thành lập (tháng 4/2010) Ban Quản lý KBTB đảo Cồn Cỏ đã chú trọng đến công tác tuần tra và giám sát trong khu bảo tồn biển khi thành lập Đội tuần tra trên biển gồm 5 người trong đó có 2 người ở trực tiếp trên đảo với các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho quá trình tuần tra giám sát. Công tác tuần tra, giám sát của Ban Quản lý có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác quản lý KBTB đảo Cồn Cỏ góp phần duy trì và bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ nơi quần cư của các loài sinh vật, bảo vệ môi trường tiến đến phát triển kinh tế và du lịch sinh thái, duy trì và cải thiện sinh kế, quản lý và sử dụng bền vững nguồn lợi hải sản.
Hệ sinh thái rạn san hô có tầm quan trọng lớn đối với nguồn tài nguyên thủy sản và phát triển du lịch biển. Vì vậy, việc bảo vệ các rạn san hô có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển bền vững, hơn nữa rạn san hô biển Cồn Cỏ được đánh giá còn đang trong tình trạng tốt. Tuy nhiên, tình trạng khai thác thủy sản quá mức, ô nhiễm môi trường biển, biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến tài nguyên biển, nhất là rạn san hô vùng quanh đảo Cồn Cỏ đang có chiều hướng suy giảm. Vì vậy, việc tăng cường bảo tồn biển để duy trì được những rạn san hô ở đây cũng như nguồn lợi thủy sản và các loài động thực vật là một yêu cầu hết sức bức thiết.
Trước hết, cần thực hiện các hoạt động điều tra, nghiên cứu, giám sát đánh giá các hệ sinh thái, tài nguyên biển; tiếp tục phối hợp với các đối tác trong việc triển khai các đề tài khoa học, nghiên cứu, thử nghiệm nuôi cấy san hô, phục hồi nguồn lợi biển trong KBTB đảo Cồn Cỏ kịp thời và đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ “Nghiên cứu đa dạng sinh học và các chất có hoạt tính sinh học của hải mien (Porifera) tại đảo Cồn Cỏ - tỉnh Quảng Trị” của Viện hóa sinh biển – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Tự nhiên Huế; Ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi cấy san hô nhân tạo của Viện Nghiên cứu biển Hải Phòng; điều tra đánh giá nguồn lợi và đa dạng sinh học KBTB đảo Cồn Cỏ của Viện Hải dương học Nha Trang, điều tra khảo sát nguồn lợi đảo Cồn Cỏ của Viện Tài Nguyên môi trường biển…
Đồng thời, phát triển du lịch sinh thái biển cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển tài nguyên biển bên trong và xung quanh KBTB đảo Cồn Cỏ, tổ chức các lớp tập huấn; in ấn phẩm, áp phích, tờ rơi… góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về gìn giữ bảo vệ môi trường biển và đa dạng sinh học biển. Xây dựng mô hình đồng quản lý tài nguyên KBTB có sự tham gia của người dân và các bên liên quan như các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, đoàn thể, các nhà khoa học, các nhà môi trường, các chuyên gia sinh thái-môi trường, các chuyên gia biển đảo, các nhà đầu tư tiềm năng... Xúc tiến xây dựng văn phòng đại diện và trung tâm du khách tại đảo Cồn Cỏ; từng bước điều tra, lưu giữ mẫu vật trưng bày, ấn phẩm tờ rơi giới thiệu tuyên truyền về Khu BTB đảo Cồn Cỏ. Cần có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình nghiên cứu giám sát san hô và các hệ sinh thái biển hàng năm; bảo vệ các loài sinh vật biển quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như: rùa biển, cá hải quỳ... Nghiên cứu xây dựng thương hiệu riêng cho du lịch sinh thái biển đảo Cồn Cỏ, gắn với yếu tố lịch sử huy hoàng của hòn đảo tiền tiêu, của điểm đầu quan trọng đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.
Dư Văn Toán