Tại Hội thảo, ông Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch UBND Khánh Hòa cho biết, từ năm 2015 đến nay, du lịch Khánh Hòa luôn đạt mức tăng trưởng cao. Kết thúc năm 2017, tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn tỉnh đạt 5,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế trên 2 triệu lượt. Năm 2018, Du lịch Khánh Hòa tiếp tục đạt được những tín hiệu tích cực. Tính đến 6 tháng đầu năm 2018, ngành này đạt doanh thu hơn 12.000 tỉ đồng, tăng trưởng 34%, đón 3,2 triệu lượt khách lưu trú. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2017. Khánh Hòa được National Geographic tuyên bố là một trong 50 điểm đến quan trọng nhất trên thế giới.

Khánh Hòa phấn đấu đến 2020 ngành Du lịch đạt mục tiêu đón 8,5 triệu khách du lịch có lưu trú, với 3,5 triệu khách quốc tế. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng, hoạt động du lịch tại địa phương vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú; chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu, vừa yếu bên cạnh đó là vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy.
Theo TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, Khánh Hòa là một trong 10 tỉnh, thành phố thuộc khối liên kết vùng duyên hải miền Trung, định hướng phát triển mũi nhọn du lịch biển – đảo trên nền tảng du lịch nghỉ dưỡng. Địa phương này đứng thứ 3 về số lượng cơ sở lưu trú, nhưng là điểm đến có số lượt khách du lịch nhiều nhất trong vùng duyên hải miền Trung.
Ngoài ra, Khánh Hòa có vai trò nhất định trong triển khai liên kết nội vùng và liên vùng, ảnh hưởng rộng đến các chỉ báo phát triển, hình ảnh cả vùng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển bền vững du lịch Khánh Hòa cũng là tiền đề để liên kết toàn vùng phát triển. Nhìn chung hoạt động liên kết của Khánh Hòa với một số địa phương trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ còn mang nặng tính cam kết về hình thức. Chưa có được một kế hoạch liên kết với những mục tiêu và lộ trình thực hiện cụ thể. Hiệu quả của liên kết thể hiện trong sự phát triển du lịch của vùng còn chưa rõ và chưa được như kỳ vọng.
Để khắc phục hạn chế trên, ông Trần Du Lịch cho rằng, cần đẩy mạnh sự tham gia tích cực của Khánh Hòa vào liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đảm bảo tính hiệu quả và bền vững cần xem xét một số cơ chế chính sách và các mô hình tổ chức. Đặc biệt, cần thống nhất tạo sự đồng thuận mang tính tự nguyện của các địa phương trong vùng trên cơ sở “tầm nhìn” về những lợi ích dài hạn sẽ có được khi tham gia liên kết phát triển du lịch vùng.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh, Tập đoàn Crystal Bay cho biết, “Một kỳ nghỉ - Hai vùng di sản” khác hoàn toàn với các tour du lịch tuyến như kiểu “con đường di sản miền Trung”. Với các tour tuyến, đó là hành trình tham quan các di sản thiên nhiên và văn hoá trong một hành trình nhất định. Chúng tôi khuyến khích các nhà đầu tư, các công ty phát triển du lịch và lữ hành cùng tham gia phát triển các điểm đến, cùng tham gia hoạch định nên các hệ sinh thái cho mỗi điểm đến, và xa hơn nữa là thiết kế những sản phẩm liên kết các vùng du lịch như vậy.
Tin, ảnh; KHUÊ VIỆT TRƯỜNG