Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay
Theo Tổng cục Du lịch, cả nước hiện có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước; trong đó chỉ 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Điều này dẫn đến một thực tế là số lao động có chuyên môn, kỹ năng vừa thiếu vừa yếu nhưng lại dư thừa số lao động chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo dự báo, đến năm 2020 ngành Du lịch cả nước cần trên 2 triệu lao động trực tiếp làm việc cho các cơ sở dịch vụ du lịch; chưa kể một lượng lao động cung cấp cho du lịch tàu biển. Mỗi năm, các trường đào tạo chuyên ngành về du lịch chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của ngành, dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, cơ cấu trình độ nguồn nhân lực du lịch Việt Nam có sự chênh lệch rất lớn; trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng chiếm 51%, trình độ dưới sơ cấp chiếm 40%, trình độ đại học và sau đại học chiếm 9%.
Tỷ lệ 40% trình độ dưới sơ cấp là một thách thức rất lớn đối với ngành Du lịch Việt Nam. Đội ngũ trình độ dưới sơ cấp chưa được đào tạo bài bản, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng nghiệp vụ đặc biệt là thiếu về ngoại ngữ giao tiếp.
Nhu cầu về nhân lực của ngành Du lịch rất lớn, nhưng học sinh, sinh viên ra trường tìm được việc làm không dễ mà nguyên nhân chính vẫn là do kiến thức được trang bị trong thời gian đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Sở dĩ có tình trạng trên là do các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường đại học đều chú trọng đào tạo sinh viên theo diện rộng, để sinh viên sau khi ra trường dễ thích ứng với hoàn cảnh, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi ngành Du lịch đang là ngành mang tính cạnh tranh cao hơn so với các ngành dịch vụ khác.
Nhiều trường đại học và cao đẳng chưa trang bị được phòng thực hành, xưởng thực tập ngành nghề, nghiệp vụ nên sinh viên phải học lý thuyết quá nhiều, ít có cơ hội thực hành để vận dụng lý thuyết đã được học. Một số trường chưa có định hướng thực tập cuối khóa và thực tập môn học cho sinh viên một cách cụ thể, rõ ràng và chưa xác định được thời gian cần thiết cho công việc này.
Chương trình ngoại ngữ chưa tập trung vào chuyên ngành, chưa được nhấn mạnh các kỹ năng cần thiết cho sinh viên du lịch như nghe nói, giao tiếp... Do đó, phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp không có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ…
Những thực trạng trên, nếu không có các giải pháp kịp thời và phù hợp thì ngành Du lịch Việt Nam sẽ khó bắt kịp được xu thế phát triển “du lịch thông minh” trên thế giới. Bên cạnh đó, thị trường lao động du lịch Việt Nam còn bị cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà, bởi nguồn lao động du lịch có trình độ, năng lực và kỹ năng giỏi trong khối cộng đồng kinh tế ASEAN đã và đang tiếp cận, làm việc tại Việt Nam.
Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong các cơ sở đào tạo du lịch
Thống nhất năng lực tiếng Anh cho các cơ sở đào tạo
Tiếng Anh là phương tiện quan trọng đầu tiên giúp chúng ta tiếp cận hiệu quả hơn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, các cơ sở đạo tạo nguồn nhân lực du lịch hiện nay cần thực hiện nâng cao trình độ ngoại ngữ đầu vào và đầu ra cho sinh viên theo học ngành Du lịch theo đề xuất như sau:
Cần thống nhất lấy khung năng lực ngoại ngữ 5 bậc (từ sơ cấp đến đại học) dùng cho Việt Nam (sau đây gọi là Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam, viết tắt: KNLNNVN) áp dụng cho các chương trình đào tạo tại các trường, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Việt Nam.
KNLNNVN
|
Chứng chỉ
|
Quy định đầu vào
|
Quy định đầu ra
|
Bậc trình độ tiếng Anh
|
Bậc 1
|
TOICE 300
|
Đào tạo nghề
|
|
Bậc 2
|
TOICE 350
|
Trung cấp
|
Đào tạo nghề
|
Bậc 3
|
IELTS 3.5
|
Cao đẳng
|
Trung cấp
|
Bậc 4
|
IELTS 4.5
|
Đại học
|
Cao đẳng
|
Bậc 5
|
IELTS 5.5
|
|
Đại học
|
Để triển khai hiệu quả khung năng lực đề xuất trên, cần có sự phối hợp, thống nhất giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội có quy định bắt buộc các trường trực thuộc bộ mình quản lý thực hiện. Sự thống nhất này sẽ tạo ra sự đồng bộ, công bằng giữa các cơ sở đào tạo trong vấn đề tuyển sinh đầu vào đảm bảo chất lượng tiếng Anh đầu ra.
Xây dựng quy định về điều kiện cơ sở thực hành áp dụng cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Việt Nam
Các cơ sở đào tạo cần đồng bộ trong việc trang bị phòng thực hành cùng với các phần mền quản lý, ứng dụng công nghệ thông minh vào giảng dạy các môn chuyên ngành. Để thực hiện giải pháp này, mỗi phân ngành cần ký liên kết với các doanh nghiệp để được phép trang bị phần mền tương tự đối với doanh nghệp, giúp người học nhanh chóng bắt nhịp khi học tập thực tế, thực tập và làm việc khi ra trường.
Xây dựng quy định về chất lượng giảng viên áp dụng cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Việt Nam
Cần quy định các giảng viên tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch phải có chứng chỉ nghề du lịch Việt Nam, đặc biệt là các giảng viên tham gia giảng dạy các môn nghiệp vụ, hướng dẫn thực hành theo hai phân ngành Lưu trú và Lữ hành
Áp dụng thống nhất về đề cương, bài giảng theo bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch VTOS và bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Việt Nam
Xây dựng giờ học tại trường và giờ thực hành làm việc thực tế tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch song song với nhau là yếu tố rất quan trọng giúp sinh viên nắm chắc được kiến thức và kỹ năng làm việc thực tế được hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện nay hầu như toàn bộ các cơ sở đào tạo du lịch không quan tâm và không có tiêu chí để đánh giá được chất lượng sinh viên thực hiện giờ học thực tế.
Cần xây dựng ngay quy định cụ thể về việc đánh giá bằng điểm đối với giờ học thực tế của sinh viên trong tổng thể điểm hoàn thành môn học. Tức là quá trình đào tạo tại trường và quá trình sinh viên thực hiện giờ học thực tế cần thực hiện song song, chứ không phải như hiện nay kết thúc quá trình học mới cho sinh viên đi thực tập ngoài doanh nghiệp.
Gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp và các tổ chức, hiệp hội du lịch trong nước, khu vực và thế giới
Cần xây dựng cơ chế mới cho việc đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp kinh doanh về du lịch. Cụ thể là trong quá trình đào tạo, tới giai đoạn sinh viên học các môn chuyên ngành, đặc biệt là các môn nghiệp vụ các trường được phép đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp trong khuôn khổ bộ tiêu chuẩn VTOS. Đánh giá giá kết quả của sinh viên sẽ được tiến hành giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp ngay khi ký kết, và tiến hành ngay việc sinh viên học tại trường và học việc thực tế tại doanh nghiệp trong thời gian hoàn tất chương trình học.
Các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch cần tham gia vào các tổ chức, hiệp hội du lịch trong nước và quốc tế để nắm bắt được xu thế phát triển du lịch của khu vực và thế giới. Đây cũng là một trong những cơ sở để xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực du lịch phù hợp với từng giai đoạn phát triển, từng khu vực và trên thế giới.
ThS. Hoàng Ngọc Hiển
Tạp chí Du lịch 6/2018