Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương nhấn mạnh: Hải Phòng đã từng là trung tâm kinh tế - du lịch của cả nước. Thời gian qua, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, Du lịch Hải Phòng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Trong thời gian tới, Hải Phòng cần có liên kết giữa các địa phương, đặc biệt là khu vực duyên hải Đông Bắc nhằm phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường, thu hút các nhà đầu tư du lịch...
Hải Phòng là thành phố ven biển, nằm phía Đông miền duyên hải Bắc Bộ, hội tụ đầy đủ các lợi thế về đường biển, đường sắt, đường bộ và đường hàng không; thuận lợi đón và phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Hải Phòng được xác định là một trong những trọng điểm du lịch quốc gia về du lịch sinh thái, du lịch biển – đảo, du lịch MICE và văn hóa lịch sử lễ hội.
Từ năm 2010 – 2016, Hải Phòng thu hút 57 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, chủ yếu là các khu du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, sân golf… 9 tháng đầu năm 2016, Du lịch Hải Phòng đón hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng 7,08% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 81,04% so với kế hoạch năm 2016; trong đó khách quốc tế đạt 565.579 lượt, tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2015, doanh thu ước đạt 1.750,901 tỷ đồng, tăng 110,08% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 76,13% so với kế hoạch năm 2016.
Tại hội thảo, các chuyên gia du lịch và các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề về sự phát triển Du lịch Hải Phòng trong thời gian tới: giải pháp để biến tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh, khai thác tài nguyên du lịch sinh thái và văn hóa trở thành sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu Du lịch Hải Phòng để quảng bá tới du khách trong nước và quốc tế, chiến lược xây dựng sản phẩm Du lịch Hải Phòng bền vững và có tính cạnh tranh cao…
Anh Minh