Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón khách
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Du lịch Hà Nội đón khoảng 105 nghìn lượt khách. Đây là tín hiệu tích cực của Du lịch Thủ đô trước khi chính thức mở cửa đón khách quốc tế trong thời gian tới. Số lượng khách tăng cao cũng cho thấy tâm lý của người dân đã ổn định, sẵn sàng đi du lịch trong trạng thái bình thường mới, hứa hẹn Du lịch Hà Nội nói riêng và Du lịch cả nước nói chung sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trong dịp 30/4, 1/5 và mùa du lịch hè 2022.
Theo bà Đặng Hương Giang, trong bối cảnh cả nước nói chung và ngành Du lịch nói riêng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã chủ động ban hành và triển khai các nội dung nhằm sẵn sàng đón khách du lịch nội địa và quốc tế. Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch năm 2022 - 2023, trong đó tập trung phát triển thị trường khách nội địa; đồng thời, tổ chức, khai thác phục vụ du khách quốc tế theo lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế.
Trong công tác xây dựng sản phẩm, Hà Nội đã chủ động cơ cấu lại sản phẩm du lịch, khai thác thế mạnh của Thủ đô như: du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng…; đồng thời, xây dựng sản phẩm mới hấp dẫn du khách như: tour đi bộ thăm “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, trải nghiệm phố cổ bằng xe đạp… Bên cạnh đó, trong năm 2022, Hà Nội tiếp tục đưa ra các sản phẩm mới, độc đáo, hấp dẫn hơn nữa nhằm sẵn sàng phục vụ du khách ngay khi Hà Nội được chính thức đón khách quốc tế.
Để chuẩn bị các điều kiện đón khách quốc tế, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị sau một thời gian dài tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng tập trung công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kêu gọi sự trở lại của đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực du lịch, kịp thời hoàn chỉnh để sẵn sàng phục vụ khách du lịch trong thời gian tới.
“Sở Du lịch Hà Nội chỉ đạo các khu, điểm du lịch chủ động làm mới sản phẩm, nâng cấp chất lượng sản phẩm, tập trung ở những điểm đến được du khách quốc tế quan tâm như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, khu phố cổ Hà Nội, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Bên cạnh đó, tập trung, tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương và Hà Nội… để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Du lịch Thủ đô; thực hiện hệ thống số hóa điểm đến du lịch của các quận, huyện, thị xã trong hệ thống giới thiệu du lịch chung của Thủ đô bằng giao diện ảnh 360, 3D…” – bà Đặng Hương Giang chia sẻ.
Sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch Thủ đô
Sự khởi sắc của Du lịch Thủ đô khi có nhiều sản phẩm mới thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 được hình thành từ cuối năm 2021 và tiếp tục được duy trì từ đầu năm 2022. Theo Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, dù chỉ có 5% doanh nghiệp lữ hành còn hoạt động, nhưng các đơn vị đang chủ động xây dựng chương trình riêng, xây dựng sản phẩm mới an toàn, hấp dẫn, tạo tâm lý an tâm cho du khách trong trạng thái “bình thường mới”. Bên cạnh việc giới thiệu các tour Tết với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá từ 20-25%, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch còn tích cực xây dựng nhiều sản phẩm mới lạ, hấp dẫn, an toàn, chủ động tìm kiếm thị trường mới để sẵn sàng đón khách trong nước và quốc tế thời gian tới.
Để tạo sức hấp dẫn cho Du lịch Thủ đô, các công ty lữ hành tại Hà Nội có nhiều nỗ lực vượt khó, chủ động trong việc xây dựng, phát triển nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài các tour khám phá nội và ngoại thành Hà Nội, đến các địa phương gần Hà Nội như: Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa bằng xe đạp, Công ty Lữ hành VietFoot Travel tổ chức giới thiệu sản phẩm du lịch bất động sản, hướng tới đối tượng khách hạng sang, có khả năng chi trả cao. Bên cạnh đó, VietFoot Travel cũng chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng mở các tour đưa khách đi du lịch quốc tế. Công ty Lữ hành Fivestar Travel tập trung sản phẩm đặc thù là caraval (lái xe tự lái) kết hợp trekking (leo núi, đi bộ địa hình) dành cho du khách thích mạo hiểm, dự kiến xu hướng này sẽ bùng nổ vào năm 2022. Từ tháng 1/2022, Công ty Du lịch Pattours xây dựng gói sản phẩm đưa du khách trong nước đi du lịch quốc tế, trong đó hướng đến tour World Cup Quatar 2022.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế ITC Trịnh Thị Mỹ Nghệ cho biết, Công ty Du lịch quốc tế ITC sẽ phối hợp với một số công ty lữ hành xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa một ngày khám phá Thủ đô và mùa xuân Hà Nội. Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ (Vườn quốc gia Ba Vì) Nguyễn Phi Hùng chia sẻ, sau mùa hoa dã quỳ năm 2021 thu hút hơn 25.000 lượt khách, thời gian tới, công ty sẽ xây dựng sản phẩm mới “Mùa hoa sim” để thu hút khách du lịch vào mùa hè. Trong khi đó, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) Nguyễn Đặng Thạo cũng cho biết Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm đã có kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch theo từng chủ đề nhằm tăng tính trải nghiệm cho du khách.
Để chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng khởi động lại hoạt động du lịch, chuẩn bị đón khách quốc tế, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng nhận định, một trong những khó khăn lớn nhất lúc này là vấn đề nguồn nhân lực đang bị hao tổn khi các doanh nghiệp giảm nhân sự do dịch COVID-19. Do đó rất cần cơ quan quản lý có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch để lực lượng này kịp thời quay trở lại phục vụ khách khi các điểm đến mở cửa.
“Để mở cửa phát triển du lịch, ngoài việc cởi mở hơn chính sách visa, đơn giản hóa quy trình test COVID-19, thành phố Hà Nội cần “nới lỏng” thời gian phục vụ hệ thống cửa hàng ăn uống nhằm tạo thuận lợi cho lịch trình di chuyển của khách” - Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong Phùng Xuân Khánh đề xuất.
Để hướng tới mục tiêu năm 2022 Hà Nội đón và phục vụ từ 9 - 10 triệu lượt khách, trong đó có từ 1,2 - 2 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch dự kiến khoảng từ 27 - 35 nghìn tỷ đồng, công suất sử dụng phòng trung bình của khối khách sạn từ 40 - 45%, rất cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ của ngành Du lịch Thủ đô và các ngành liên quan; sự kết nối, liên kết của các doanh nghiệp du lịch với hàng không và điểm đến; đồng thời, từng bước tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, xây dựng sản phẩm mang tính đặc trưng Hà Nội, góp sức xây dựng Hà Nội thực sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với du khách gần xa.
Tuấn Hải