Tại Toạ đàm "Du lịch golf - Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế" do Tổng cục Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn FLC tổ chức tại FLC Hạ Long, Quảng Ninh ngày 23/11 nhằm phân tích tiềm năng của du lịch golf tại Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh tái mở cửa đón khách quốc tế; làm rõ lộ trình triển khai của các bên trong việc xây dựng tour golf và đón khách quốc tế đến chơi golf tại Quảng Ninh nói riêng, các điểm đến có sân golf đẹp tại Việt Nam nói chung.
Lĩnh vực nhiều tiềm năng
Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch golf, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, du lịch golf đã trở thành một thị trường mang lại doanh thu cao, tạo việc làm và cơ hội cho các điểm đến trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây chính là cơ hội tốt để du lịch Việt Nam quảng bá hình ảnh một điểm đến an toàn hấp dẫn sẵn sàng chào đón du khách trở lại trong bối cảnh bình thường mới. Việt Nam là một trong những nơi được đánh giá là có những sân golf đẹp nhất thế giới. Từ đó, có thể thấy rõ tiềm năng lớn về du lịch golf và đã được du khách quốc tế công nhận. Trước dịch, những người làm trong ngành du lịch đã nhìn thấy xu hướng du lịch golf, đã có bước chuẩn bị, đầu tư vào sân golf rất mạnh mẽ. Năm 2019, du lịch golf đóng góp to lớn vào thành công chung của du lịch Việt Nam. Sau dịch, du lịch golf sẽ vẫn thu hút khách hạng sang, đẳng cấp, thân thiện với môi trường. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh du lịch golf và phải đầu tư mạnh mẽ hơn, bởi đây được coi là loại hình du lịch an toàn, tránh tập trung đông người.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, Quảng Ninh sở hữu hệ thống sân golf tiêu chuẩn quốc tế như FLC Golf Club Halong; sân golf Tuần Châu… cùng nhiều tổ hợp, quần thể nghỉ dưỡng 5 sao quy mô lớn. Đây chắc chắn sẽ là một trong những lợi thế nổi bật để Quảng Ninh thu hút dòng khách quốc tế trở lại, đặc biệt từ những thị trường có nhu cầu du lịch golf cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc … Hoạt động golf ảnh hưởng xã hội sâu sắc, mang đến sản phẩm du lịch mới, nét đặc trưng riêng. Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh mong muốn cùng doanh nghiệp, hiệp hội du lịch golf cùng nhau mang lại sản phẩm nổi trội thu hút du khách đến Quảng Ninh.
Chia sẻ về tiềm năng, nhu cầu du lịch golf Việt Nam, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam khẳng định, Việt Nam có nhiều tiềm năng cho việc phát triển du lịch golf: vị trí địa lý thuận lợi; tiềm năng về văn hóa, con người; sự đa dạng của nền ẩm thực; tiềm năng về hạ tầng sân golf. Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của châu Á, nơi loại hình du lịch golf đang rất phát triển. Các sân golf của Việt Nam được thiết kế hiện đại, hạ tầng dịch vụ sang trọng, đẳng cấp, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách. Theo ông Nguyễn Văn Linh, so với vài năm trước đây, các golf thủ ở Việt Nam đã gia tăng lớn về số lượng. Với những tiềm năng và nhu cầu như hiện tại, Việt Nam cần có kế hoạch để phát triển và hoàn thiện sản phẩm dịch vụ này, từ đó đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về du lịch golf trên toàn thế giới.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Đề xuất giải pháp tạo sức hút cho du lịch golf, ông Nguyễn Hữu Thuỷ, Phó Chủ tịch Hội Golf Việt Nam, Chủ tịch Hội Golf Quảng Ninh cho biết, Việt Nam đang có lợi thế khi được bình chọn là điểm golf tốt nhất thế giới. Việt Nam hiện có 100.000 người chơi golf, 100 sân golf đang hoạt động. Để tạo sức hút cho ngành này, ông Thuỷ cho rằng mức giá của tour golf phải phù hợp, so với mặt bằng chung của Đông Nam Á; phải tăng thêm dịch vụ cho khách lựa chọn như chơi golf kết hợp du lịch tâm linh, khám phá; cần nâng cao chất lượng dịch vụ ở cơ sở hạ tầng, nhân viên thân thiện nhưng ngoại ngữ cũng phải tốt.
Nhà báo Nguyễn Nam Giang, Nhà sáng lập trang GolfEdit, BLV kênh On Golf/VTVcab cho biết trong bối cảnh đón khách quốc tế, tiềm năng du lịch golf là rất lớn. Nhà sáng lập trang GolfEdit mong trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn khi có các tour du lịch golf. Ông cho rằng giải đấu sẽ là một trong những hình thức thu hút được khách du lịch và các đơn vị lữ hành.
Ở góc độ quản lý nhà nước, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng khi được thí điểm mở cửa đón khách quốc tế, trong số 200 khách tới Phú Quốc, có đến 30 du khách tới để chơi golf là con số rất lớn, từ đó, cho thấy xu hướng du lịch golf.
Theo ông, các địa phương cần đa dạng sản phẩm, sân golf cần sẵn sàng để đón khách du lịch. Bài toán đề ra là tăng cường sự kết nối. Trong đó, chúng ta cần ứng dụng mạnh công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu câu lạc bộ golf. Những hoạt động của sân golf này kết nối với sân golf khác, địa bàn khác. Chính quyền cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp, lữ hành kết nối với nhau để mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm. Trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện nhanh, tự tin, thúc đẩy du lịch golf để thu hút du khách. Nếu không nắm bắt tốt các cơ hội, chúng ta sẽ để tuột mất và du khách có thể tìm tới những nơi khác.
Bàn về giải pháp phát huy tiềm năng du lịch golf, Giám đốc Công ty Du lịch Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cũng chia sẻ một số hạn chế như chưa có chính sách để tạo điều kiện phát triển golf chuyên nghiệp. Các tour golf sẽ là một trong những sản phẩm trọng yếu, cốt lõi cần xây dựng, phát triển để thúc đẩy dòng khách quốc tế từ các thị trường như Mỹ, Nhật, Hàn hay các quốc gia Đông Nam Á như Thái, Malaysia… “Chúng tôi đang bàn thảo để gói giá cạnh tranh và sớm có những chuyến bay charter để đón khách Nhật Bản, khi họ mở cửa trở lại", ông Nghĩa bày tỏ.
Về sự chuẩn bị sản phẩm golf, ông Đỗ Việt Hùng, Phó Tổng giám đốc FLC, Tổng giám đốc FLC Biscom chia sẻ về hạ tầng cơ sở của FLC. FLC Hạ Long là quần thể với quy mô hơn 200ha gồm hơn 30 hạng mục cao cấp tiêu chuẩn quốc tế, gần 700 phòng đáp ứng khoảng 1.500 khách với 300 biệt thự, sân golf tiêu chuẩn 5 sao 18 hố, phòng gym, du thuyền 5 sao trải nghiệm tại vịnh Hạ Long. Các golfer có thể chơi golf và trải nghiệm các dịch vụ đẳng cấp. Hơn 1.500 cán bộ nhân viên tại FLC Hạ Long đã được tiêm 2 mũi vaccine. Đơn vị cũng đã có kinh nghiệm đón các đoàn cách ly hơn 1 năm qua với quy trình khép kín khi đón khách từ sân bay về khách sạn. Hệ thống của tập đoàn hình thành hệ sinh thái khép kín. Đây là lợi thế lớn của FLC.
FLC đã đã ký hợp đồng với gần 30 charter bay từ Hàn Quốc, đón đoàn khách từ Hàn Quốc đến Hạ Long đánh golf. Với các đoàn khách này, FLC Hạ Long đã có các gói dịch vụ trải nghiệm toàn diện như combo 4 ngày 3 đêm hay dài nhất là 8 ngày 7 đêm với giá gói gọn khoảng 780 USD.
Bên cạnh thuận lợi, du lịch golf còn gặp những thách thức, theo ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam cho rằng, du lịch golf nên hướng tới khách nội địa, chứ không chỉ khách nước ngoài. Đây là phân khúc cực kỳ lớn mà dễ dàng tiếp cận nhất. Sắp tới, Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam dự kiến ký kết với Hiệp hội golf Hàn Quốc, Nhật Bản và chọn các công ty lữ hành để phối hợp với họ đưa khách du lịch vào Việt Nam; tổ chức một số giải golf tại Việt Nam; liên kết các sân golf để đa dạng sản phẩm.
Golf tour là một trong những sản phẩm cốt lõi, do đó nên sớm mở cửa để đón khách quốc tế tại các điểm đến tiềm năng, theo ông Đỗ Việt Hùng, Phó Tổng giám đốc FLC, Tổng giám đốc FLC Biscom.
Nhâm Hiền
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”