Trang trại Toucheng Leisure, trang trại Flying Cow Ranch của Đài Loan, hay trang trại DownUnder của Australia nuôi bò sữa, bê, thỏ,… Điều đặc biệt là tại đây, khách du lịch có thể lưu lại qua đêm và cùng tham gia các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cấy.
Chia sẻ về kỳ nghỉ lý thú của gia đình trên trang mạng xã hội, chị Susan – du khách Singapore cho biết: Ban đầu, họ có cảm giác ái ngại về nơi ăn ở và thiếu an tâm khi lưu lại qua đêm tại trang trại nhưng sau kỳ nghỉ cùng gia đình họ đều cảm nhận rất tuyệt vời.
Khi xem thông tin hình ảnh mà chị Susan chia sẻ, người bạn của chị đã quyết định hứa hẹn kỳ nghỉ tiếp theo sẽ đến trải nghiệm ở trang trại.
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy hiện nay loại hình du lịch farm stay đang ngày càng phát triển.
Có thể nhận thấy, loại hình du lịch farm stay thường xuất hiện ở vùng quê hoặc vùng đồi núi do cần có diện tích đất rộng, thuận lợi về điều kiện tự nhiên và khách du lịch có thể dễ dàng tiếp cận. Người chủ trang trại thường là người dân ở địa phương và khách du lịch có thể tham gia vào các hoạt động trong cuộc sống đời thường tại trang trại như: canh tác, nuôi trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả hay rau màu.
Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú nên có nhiều loại hình dịch vụ du lịch nhưng loại hình du lịch farm stay chưa được phát triển ở Việt Nam theo đúng nghĩa. Phát triển loại hình sản phẩm dịch vụ du lịch mới sẽ tạo thêm sự phong phú để thu hút khách hoặc thêm trải nghiệm cho khách là việc làm quan trọng. Làm sao để phát triển loại hình farm stay thành công ở Việt Nam? Dưới đây là định hướng để phát triển loại hình du lịch theo mô hình farm stay:
Thứ nhất, xác định phân khúc thị trường du khách có nhu cầu ở farm stay là ai, họ ở đâu, nhu cầu, mong muốn trải nghiệm của đối tượng khách này khi đi du lịch farm stay là gì, họ có khả năng chi trả như thế nào.
Đối tượng du khách trong nước và quốc tế có thể là học sinh, sinh viên, các gia đình có con đang sinh sống ở các thành phố, những người có thời gian và có nhu cầu tham quan, sinh sống gần gũi với cộng đồng địa phương, trải nghiệm với với cuộc sống thôn quê. Các đối tượng khách này đều có khả năng chi trả cao.
Thứ hai, lập quy hoạch và xây dựng chính sách phát triển sản phẩm dịch vụ đối với farm stay theo thị trường mục tiêu.
Lập quy hoạch phát triển mô hình farm stay theo vùng miền: miền Bắc có thể phát triển ở khu vực Ba Vì (Hà Nội), Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình hay Bắc Ninh; miền Trung có thể ở Quảng Bình (hiện đã có ở Đồng Hới), Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt và ở miền Nam có thể ở các tỉnh như Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ…
Những khu vực này không xa các tỉnh, thành hay điểm đến du lịch, thời gian di chuyển không xa, khả năng tiếp cận tốt, dễ dàng phát triển trang trại. Các trang trại góp phần giãn mật độ khách tập trung quá tải về các khu du lịch đồng thời kéo dài thời gian lưu trú và phát triển kinh tế địa phương.
Về mặt chính sách, cần xây dựng các chính sách giúp phát triển mô hình farm stay đảm bảo phát triển bền vững. Các chính sách cần đề cập rõ đến các giá trị cốt lõi và các giá trị thêm vào để đáp ứng tốt hơn sự mong đợi của khách hàng. Do đó, tiêu chuẩn xây dựng và phát triển mô hình này cần có chính sách hỗ trợ cộng đồng địa phương như hướng dẫn đầu tư khai thác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; chính sách hỗ trợ việc tiêu bao sản phẩm thu hoạch được từ trang trại để có nguồn thực phẩm sạch và tươi góp phần bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dung (trong đó có du khách); chính sách về bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa; chính sách về cơ chế giám sát, kiểm soát sự phát triển mô hình farm stay theo quy hoạch vùng miền, không để phát triển tràn lan.
Thứ ba, tổ chức hệ thống cung cấp sản phẩm dịch vụ của loại hình farm stay trong đó đề cao yếu tố con người và các công cụ hỗ trợ như quy trình tiêu chuẩn, sách hướng dẫn, chế độ chính sách...
Các bên liên quan cần được tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của việc mình làm nhằm đạt được các giá trị đã đề ra và đáp ứng sự mong đợi của khách du lịch. Sử dụng những người trong trang trại, người địa phương làm lực lượng lao động chính…, thực hiện các quy trình tiêu chuẩn về sản xuất xanh, sạch, an toàn an ninh cho khách và trẻ em, hướng dẫn các kỹ năng mềm trong giao tiếp và đón tiếp phục vụ khách….
Thứ tư, xây dựng và quảng bá hình ảnh của loại hình du lịch farm stay đối với phân khúc thị trường mục tiêu bằng các thông điệp mang tính lan tỏa, nhân rộng nhưng phải truyền tải và thể hiện được văn hóa thâm canh, canh tác, nuôi trồng của người Việt Nam một cách chân thật nhất. Thông qua website, các trang mạng xã hội như facebook, twister, tạp chí, thông qua chính du khách để quảng bá cho loại hình này.
Kinh tế - xã hội phát triển kéo theo nhu cầu xã hội ngày càng tăng và đa dạng, nông thôn và trang trại ngày càng bị thu hẹp hoặc đô thị hóa chính vì vậy các giá trị từ loại hình du lịch farm stay thuần túy sẽ rất tiềm năng và là lợi thế để thu hút khách du lịch. Loại hình du lịch farm stay không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển triển kinh tế địa phương, hỗ trợ cộng đồng trong việc khai thác và bán các sản phẩm từ trang trại cho khách du lịch và thị trường. Đây chính là cách làm để phát triển kinh tế địa phương theo định hướng phát triển bền vững. Ngoài ra, du lịch farm stay sẽ kéo dài thời gian khách lưu trú đồng thời giảm tải sức chứa đối với một số điểm đến đang quá tải vào các mùa cao điểm. Phát triển loại hình du lịch farm stay sẽ là hướng đi mới trong đầu tư và phát triển du lịch bền vững.
Trần Xuân Mới
(Tạp chí Du lịch)