Miệt vườn đất vải
Từ quốc lộ số 5, đi theo cầu Phú Lương qua các xã Trường Thành, Vĩnh Lập, Thanh Bính, Thanh Hồng, Thanh Cường, Hợp Đức, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng bạt ngàn cây vải thiều được trồng trong vườn nhà, bên những cánh đồng xanh rì, bát ngát. Cứ khoảng đầu tháng 5, tháng 6, những vườn vải thiều của huyện Thanh Hà lại vào mùa chín rộ. Tới Thanh Hà vào dịp này, du khách sẽ được hòa mình vào cảm giác náo nức như ngày hội với nhịp lao động, thu hoạch quả hăng say và thưởng thức những quả vải chín mọng, ngọt mát. Lên thuyền, xuôi theo dòng sông Hương, du khách như lạc vào vùng miệt vườn với cơ man cây và quả; thỏa sức ngắm nhìn những cây vải trĩu quả như mâm xôi, sắc quả vàng tươi, pha nét đỏ hồng nổi bật trên nền lá xanh.
Vải thiều Thanh Hà được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đường vào những vườn trồng vải được trải nhựa rất khang trang. Các cây vải tán lá xòa xuống sát mặt đất, quả sai và to mọng. Đến đây, khách có thể vào tham quan, chụp ảnh trong vườn vải, tự tay hái những trái vải chín cây để thưởng thức và nghe người chủ vườn chia sẻ những kinh nghiệm về việc trồng vải – một công việc vất vả những cũng đầy thú vị. Người dân quê vải đón du khách như đón người thân với thái độ vô cùng thân thiện, cởi mở.
Tuy nhiên, đặc sắc nhất trong hành trình du lịch Thanh Hà là đến thăm cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà). Cây vải này được trồng cách đây đã hơn 200 năm, trải qua bao biến động của thời gian, thiên tai nhưng vẫn đầy sức sống. Gốc cây to, cành lá vươn xa rắn chắc, xanh tốt, tỏa bóng mát khắp khu vườn. Xung quanh cây vải tổ có tới 4 cây vải “con, cháu” với tuổi thọ 150 năm, năm nào cũng trĩu quả. Du khách tới đây đều ngạc nhiên, thích thú và muốn tự tay bứt hái trái trên cây vải tổ để được thưởng thức thứ quả như sinh ra từ huyền thoại.
Quả vải ở xã Thúy Lâm đã được người dân trong và ngoài vùng hết lời ca ngợi: “Mã ngoài như lụa hồng tơ tía, thịt vải như thuỷ tinh, như dáng tuyết, vị ngọt đậm, ăn vào thấy hương thơm, tưởng chừng như thứ rượu tiên trên trời”. Vải Thuý Lâm hạt nhỏ, cùi dày, ăn rất thơm và ngọt lịm như đường, ăn vải có tác dụng bồi bổ cơ thể suy nhược, theo Tuệ Tĩnh, vải giúp tinh thần thêm minh mẫn, hạt vải có tác dụng chữa lỵ, đậu mùa, sâu răng... Quả vải thuộc khu Thanh Sơn, Thanh Khê, Thanh Xá to hơn, có độ ngọt sắc hơn, cũng được nhiều du khách ưa thích.
Khu du lịch sinh thái sông Hương – Thanh Hà
Với mục tiêu đến năm 2020 phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch mang nét đặc thù riêng của tỉnh như: du lịch lễ hội, nghỉ dưỡng, làng nghề truyền thống, đặc biệt là du lịch văn hóa và sinh thái, tỉnh Hải Dương đã lập Quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái sông Hương – Thanh Hà như một điểm nhấn để tạo bước đột phá trong thời gian tới.
Trong vòng 5-15 năm tới (2020-2030), khu vực lập “Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch sinh thái sông Hương - Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương” sẽ phát triển thành một khu du lịch sinh thái hoàn chỉnh dựa trên nền tảng hiện có là tiềm năng sinh thái mặt nước (sông Hương), thực vật (vải Thanh Hà, ổi…), điểm di tích lịch sử văn hóa và tâm linh, đặc sản ẩm thực, sản phẩm du lịch đặc trưng là Khu bảo tàng, bảo tồn lúa nước, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có của thị trấn Thanh Hà và các xã Cẩm Chế, Liên Mạc, Thanh Xá, Thanh Xuân; các giá trị phi vật thể khác có liên quan đến mảnh đất con người Thanh Hà, truyền thống lâu đời về một vùng đất có nhiều bề dày về lịch sử văn hóa, những tiềm năng về nét đẹp tự nhiên của địa hình, địa mạo… Đặc biệt, phân khu bảo tồn lúa nước trong bảo tàng sẽ trở thành một mô hình đặc trưng đặc sắc của tỉnh Hải Dương trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, là một đại diện tiêu biểu cho quá trình sản xuất lúa nước tại nền văn minh sông Hồng từ ngàn đời nay, được phục dựng, lưu giữ và bảo tồn.
Với những sản phẩm đa dạng, hấp dẫn như: du lịch sinh thái dọc tuyến sông bằng thuyền chèo du lịch, tham quan các vườn cây trái, mua sắm trái cây và đặc sản địa phương, tham gia giải trí như xem biểu diễn văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian, kết hợp tham quan nơi lưu giữ bảo tồn nền văn minh lúa nước, tham gia câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê, cắm trại...; du lịch trải nghiệm để du khách có thể được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương, tham gia những hoạt động sản xuất, vui chơi thường ngày, khám phá những món ăn độc đáo, những nét đặc trưng truyền thống vùng miền; du lịch văn hóa lịch sử, di tích, du lịch tâm linh bằng các tuyến đường bộ kết nối với các bến thuyền; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với những khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu nghỉ dưỡng sinh thái dưới mô hình Làng quê Việt, đáp ứng nhu cầu nghỉ cuối tuần, nghỉ dài ngày của du khách… Khi được xây dựng hoàn thiện, khu du lịch sinh thái sông Hương – Thanh Hà hứa hẹn sẽ là điểm du lịch hấp dẫn của du khách khi đến với tỉnh Hải Dương.
PV
(Tạp chí Du lịch)