(VTR) Ngày 14/2, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Du lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh". Đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và đông đảo các nhà quản lý, nghiên cứu và các chuyên gia đến từ trong nước và nước ngoài như CHLB Đức, Hoa Kỳ, Indonesia, Singapore, Sri Lanka, Nhật Bản, Hàn Quốc... tham dự.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Những năm qua, đặc biệt từ sau khi UNESCO công nhận quần thể di tích cố đô Huế là Di sản Văn hóa thế giới, Thừa Thiên - Huế đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong việc thu hút khách tham quan; đồng thời, hướng đến phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, xây dựng Thừa Thiên - Huế thành một điển hình của du lịch xanh Việt Nam. Tỉnh ưu tiên đầu tư vào các dự án bảo tồn đa dạng sinh học và tái sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái bảo tồn môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, hướng đến loại hình du lịch trải nghiệm bền vững. Dù tiềm năng có nhiều nhưng nếu vẫn phát triển theo lối cũ mà không xác định được hướng ưu tiên thì Huế sẽ đánh mất cơ hội. Đây là một thách thức của tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay.
Toàn cảnh hội thảo
Một số chuyên gia còn đưa ra thông điệp "Khám phá Huế, một vùng đất hạnh phúc, nơi trời và đất giao hòa, chầm chậm cho cuộc sống dài hơn"... Ông Lal Kurukulasuriya (Sri Lanka) cố vấn cao cấp của Chương trình Liên hiệp quốc về Môi trường (chuyên về Biến đổi khí hậu, Kinh tế Xanh, Luật pháp và Chính sách Môi trường) đưa ra 10 thông điệp cốt lõi từ Huế để phát triển du lịch xanh. Trong đó khuyến cáo đầu tư vào việc xanh hóa nền du lịch có thể giúp giảm chi phí năng lượng, nước, chất thải và nâng cao giá trị của đa dạng sinh học, hệ sinh thái và di sản thế giới. Huế cần tập trung phát huy mô hình du lịch xanh mới, chẳng hạn du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch sinh thái... với tất cả các giải pháp sáng tạo và thân thiện với môi trường... Theo Ts. Hà Bích Liên (Đại học Sư phạm TP.HCM) thì Huế đang là một điểm đến xanh tự nhiên, đầy ấn tượng với du khách. Bản thân Huế cũng là nơi con người sống hài hoà với tự nhiên; trong đó rừng quốc gia Bạch Mã, hệ đầm phá Tam Giang, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, còn ẩn chứa những vẻ đẹp nguyên thủy. Vịnh Lăng Cô được công nhận là một trong những vịnh đẹp thế giới; ngay cả sông Hương được xem là dòng sông sạch nhất của Việt Nam chảy trong thành phố... Vì lẽ đó, Huế phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là cần thiết; trọng tâm là bảo tồn di sản thiên nhiên và di sản văn hoá. Mặt khác, du lịch trong thời kỳ biến đổi khí hậu - du khách đang ngày càng thích thú với công tác bảo vệ môi trường, ngày càng quan tâm đến chất lượng môi trường và chất lượng dịch vụ để trở thành điểm đến của họ.
Quốc Việt