Thu hoạch chè tuyết shan Suối Giàng
Đến nay, đồng bào Mông xã Suối Giàng vẫn giữ gìn nét văn hóa truyền thống đó là lễ cúng tôn vinh cây chè tổ. Ngay từ sáng sớm, tại gốc cây chè cổ thụ ở Bản Mới nhân dân trong bản đã bày mâm lễ vật cúng gồm rượu, hương, cơm nếp, giấy vàng, giấy đỏ và một con gà trống… để chuẩn bị làm lễ. Chủ lễ là già làng, nghệ nhân Giàng Nhà Lử thay mặt bà con nhân dân cúng tế.
Cây chè là nguồn sống, cũng là nét văn hóa gắn bó với đồng bào dân tộc Mông, là nơi để gửi gắm ước mơ, cảm tạ trời đất đã ban phước lành cho dân bản. Vì vậy, hàng năm cứ vào tháng 10 hoặc đầu xuân mới, theo nghi lễ truyền thống, người Mông Suối Giàng lại s���m lễ cúng cây chè tổ để cảm tạ trời đất, cảm tạ cây chè shan. Dưới gốc cây chè tổ, bà con dân bản dựng một đàn cúng nhỏ bầy các lễ vật. Thầy cúng đọc bài cúng thần thuốc để tạ ơn thần đã che chở, phù hộ cho bà con dân bản một năm mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, cầu thần cây tiếp tục phù hộ cho bà con dân bản năm mới sức khỏe, cho cây chè ra nhiều búp, được mùa lúa ngô… Kết thúc lễ cúng, tất cả những người tham dự cùng nhau thụ lộc, uống một ngụm rượu để lấy sức khỏe mà thần thuốc đã ban cho.
Lễ cúng cây chè tổ kết thúc, lễ hội xuân dân tộc Mông xã Suối Giàng chuyển sang phần tham quan và tìm hiểu về quy trình sản xuất chè tuyết shan cổ thụ theo phương pháp cổ truyền tại gia đình nghệ nhân Sổng Thị Phua bản Giàng B. Tại đây, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến nghệ nhân sao chè theo phương pháp cổ truyền. Theo nghệ nhân Sổng Thị Phua, một mẻ chè tuyết shan ngon, khi pha phải hơi có màu vàng sánh như mật ong rừng cộng với màu xanh tự nhiên của lá chè lúc còn tươi; khi uống vị ngọt đến từ từ, ngấm vào vị giác của người thưởng thức.
Vào vụ hái chè, khoảng 4h sáng, khi sương sớm còn đọng nguyên trên những búp chè non, là lúc người dân lên nương hái những búp chè non, hái nhẹ tay để búp chè không bị dập nát, rơi mất sương mai. Để làm ra loại chè đặc sản của Suối Giàng, phải hái loại búp 1 tôm 2 lá, nếu nhiều lá quá chè sẽ không ngon, nhiều vụn. Khi sao chè đảo thật đều tay, lúc đầu cho lửa to, sau khi chè héo thì giảm lửa, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của chè. Giai đoạn chế biến này người ta gọi là “xào chè”.
Sau khi tham quan quy trình xao chè tuyết shan theo phương pháp truyền thống, chúng tôi đã được thưởng thức hương vị thơm ngon của mẻ chè mới sao, cùng hòa mình vào chương trình văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian đặc sắc như múa khèn Mông, đàn môi, đẩy gậy, đánh con quay, bắn nỏ…
Lễ hội xuân dân tộc Mông xã Suối Giàng diễn ra trong một ngày giữa tiết trời dịu mát của núi rừng Văn Chấn như níu giữ chân du khách. Những điệu khèn réo rắt cứ dập dìu đắm say.
Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn