Biển Côn Đảo Ảnh: Lekima
Côn Đảo phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành cơ bản việc xây dựng kết cấu hạ tầng, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, để Côn Đảo trở thành đô thị du lịch biển, du lịch văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất vật chất là chủ yếu sang phát triển du lịch dịch vụ chất lượng cao; thu nhập nội địa tăng trung bình thời kỳ 2011 - 2020 vào khoảng 18 - 22%/năm, trong đó du lịch, dịch vụ tăng 27%/năm.
Di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo Ảnh: Lekima
Theo quy hoạch, trong 20 năm tới, Côn Đảo được định hướng là một đô thị phát triển bền vững với quy mô dân số vào khoảng 30.000 người, trong đó có khoảng 10.000 người quy đổi từ khách du lịch, phát triển hài hòa giữa kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ hệ sinh thái rừng - biển. Đến năm 2030, Côn Đảo phấn đấu là đô thị du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế, một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Dự báo đến năm 2030, có khoảng 250 - 300 ngàn lượt khách du lịch, trong đó khách du lịch quốc tế chiếm khoảng 15 - 20%.
Đối với hoạt động du lịch ngoài vườn quốc gia Côn Đảo, huyện sẽ đầu tư, xây dựng các cơ sở dịch vụ lưu trú (khách sạn cao cấp, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng), các dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ du khách tại các khu vực: bãi biển Đầm Tre, suối Ớt, bãi An Hải, Lò Vôi và phần lớn diện tích khu bến Đầm. Phát triển các tuyến, điểm tham quan du lịch tại khu di tích nhà tù, các di tích lịch sử khác và các khu cộng đồng dân cư. Đối với hoạt động du lịch bên trong vườn quốc gia Côn Đảo, chú trọng tổ chức các hoạt động du lịch tham quan, dã ngoại tại các khu vực: vịnh Đầm Tre, vịnh Ông Đụng và khu vực vườn quốc gia Côn Đảo quanh Bến Đầm.
Côn Đảo resort Ảnh: Lekima
Cùng với đó, Côn Đảo sẽ xây dựng siêu thị và mở rộng dịch vụ bán lẻ; hình thành một trung tâm thương mại hiện đại kết hợp với du lịch đi bộ tham quan, mua sắm tại khu vực Cỏ Ống và khu trung tâm; ngân hàng cung cấp các dịch vụ thanh toán trong giao dịch mua bán; dịch vụ đổi tiền cho khách du lịch.
PV