Ngọ Môn - Huế
Thưa ông, với số lượng di sản rất lớn, bên cạnh một số di sản đã được bảo tồn đúng cách, chúng ta không thể phủ nhận một thực tế là nhiều di tích đang bị xuống cấp?
Đúng vậy, nhiều di tích xuống cấp là một thực tế. Trải qua thời gian, mưa nắng, chiến tranh... có rất nhiều yếu tố tác động vào làm cho di sản xuống cấp. Nhận thức được việc đó, trong thời gian qua, Nhà nước, trực tiếp là Bộ VHTTDL đã có nhiều chủ trương, chính sách và quyết tâm đầu tư để chống xuống cấp cho các di sản mà trực tiếp là các di tích lịch sử văn hóa. Trong chương trình phát triển văn hóa, có một mục tiêu là chống xuống cấp các di tích lịch sử văn hóa và hàng nghìn di tích đã được đầu tư kinh phí từ chương trình này. Điều quan trọng hơn là từ mục tiêu chống xuống cấp di tích này, chúng ta đã huy động được sự tham gia của đông đảo cộng đồng xã hội, bà con ở các địa phương, các doanh nghiệp, các lực lượng ở trong và ngoài nước tham gia vào sự nghiệp và phát huy giá trị di sản văn hóa. Chúng tôi ví rằng kinh phí từ chương trình mục tiêu như là một cú hích để chúng ta huy động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp này. Theo đó sự nghiệp xã hội hóa bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa được đẩy mạnh và di sản văn hóa hạn chế được nhiều sự xuống cấp.
Năm 2012 được Bộ VHTTDL xác định là Năm Du lịch Di sản. Chúng ta đã có những chuẩn bị gì cho hoạt động này, thưa ông?
Để Năm Du lịch Di sản 2012 được trở thành một phong trào rộng lớn bảo vệ và phát huy di sản, thì ngay dịp này Bộ VHTTDL đã chọn chủ đề của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam năm nay là Tuần Văn hóa Du lịch khu vực Bắc miền Trung và coi đó như là một khởi động cho Năm Du lịch Di sản 2012. Bộ VHTTDL cùng các địa phương đã và đang xây dựng chương trình cụ thể để biến mục đích của mình thành hiện thực trong Năm Du lịch Di sản trong năm tới và tin rằng Năm Du lịch Di sản 2012 sẽ thắng lợi.
Thưa ông, việc quảng bá giá trị của các di sản cần có một chiến lược lâu dài?.
Trong những năm qua, việc quảng bá giá trị của các di sản tới đông đảo công chúng trong nước và quốc tế đã được thực hiện bằng nhiều cách. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng để xây dựng và triển khai các chương trình tuyên truyền, giáo dục về giá trị di sản; tổ chức xuất bản các ấn phẩm ở hình thức, kích cỡ, nội dung khác nhau để phù hợp với đối tượng tuyên truyền. Đặc biệt hệ thống bảo tàng và Ban quản lý di tích ở các tỉnh, thành phố đang được củng cố để trực tiếp làm công tac tuyên truyền, giáo dục di sản ở các địa phương. Bộ VHTTDL đã cùng phối hợp với Đoàn Thanh niên và các ban, ngành khác cùng nhau triển khai xây dựng chương trình "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" và lấy ngày 23/11 là "Ngày về nguồn", nhằm thu hút giới trẻ tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản, chăm sóc di tích. Chính vì thế, tuổi trẻ học đường là lực lượng đông đảo, tích cực đã và đang đóng góp cho sự nghiệp này rất có hiệu quả.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.
MH (thực hiện)