
Du lịch chữa bệnh tại châu Á
Đi tiên phong trong việc phát triển loại hình du lịch chữa bệnh khoảng 5 năm trở lại đây, Singapore và Thái Lan có sự cạnh tranh gay gắt trong việc trở thành điểm đến du lịch hàng đầu về chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh của khu vực và họ đã làm được điều đó. Không chỉ có khách du lịch trong khu vực mà còn rất nhiều khách du lịch từ Mỹ, châu Âu đã lựa chọn hai nước này bởi trình độ, tay nghề của các bác sỹ tại đây đều rất tốt. Họ được đào tạo bài bản từ các quốc gia tiên tiến như Mỹ và trở về lập nghiệp tại đất nước mình. Thêm vào đó, họ còn cung cấp chất lượng dịch vụ tuyệt vời với dịch vụ tư vấn sức khỏe toàn diện, bệnh nhân được chăm sóc và điều trị trong một môi trường thân thiện và chuyên nghiệp.
Singapore hiện có hệ thống y tế vào loại tốt nhất trên thế giới với đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại, tiên tiến. Tuy nhiên, dân số Singapore chỉ có khoảng hơn 4 triệu người nên số lượng bệnh nhân trong nước không đáp ứng đủ hệ thống y tế mới. Chính vì vậy, các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế Singapore đã tìm cách mở rộng thị trường của mình ra bên ngoài, thu hút bệnh nhân quốc tế đến chữa bệnh nhằm tăng thu nhập, tạo việc làm, đồng thời giúp đội ngũ giáo sư, bác sĩ nước này liên tục trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn.
Tháng 10/2003, Cục Du lịch Singapore đã phối hợp với Cục Phát triển kinh tế và Cục Đầu tư nước ngoài Singapore đưa ra sáng kiến liên ngành thành lập cơ quan “Singapore – Medicine”. Mục đích hoạt động của cơ quan này là thu hút du khách quốc tế đến chữa bệnh tại Singapore nhằm phát triển nước này thành trung tâm chữa bệnh hàng đầu tại châu Á. Còn Thái Lan được coi là lựa chọn đáng tin cậy cho những người muốn làm phẫu thuật thẩm mỹ, chuyển đổi giới tính và những năm gần đây là điều trị vô sinh hiếm muộn. Dịch vụ y tế của nước này hoàn toàn không thua kém Singapore mà chỉ là do tiếp thị sau mà thôi.
Thậm chí Philippines, nước được coi là mới trong giai đoạn “dò dẫm” với dịch vụ này, thì trong năm 2006 cũng đã phát động cả một chiến dịch lớn mang tên “Philippines - điểm đến của du lịch chữa bệnh” với tham vọng thu hàng tỉ USD doanh thu mỗi năm.
Qua tìm hiểu thông tin từ một số văn phòng đại diện của một số bệnh viện quốc tế có văn phòng đại diện đặt tại Việt Nam và một số người đã từng đi chữa bệnh tại nước ngoài, những lý do chính khiến người Việt Nam thích đi ra nước ngoài chữa bệnh là: tin tưởng trình độ, tay nghề của đội ngũ bác sỹ, y tá; cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại; dịch vụ hoàn hảo xứng đáng với đồng tiền bỏ ra; được đối xử như những thượng đế.
Lý do cực kỳ quan trọng mà bệnh nhân Việt Nam quyết định lựa chọn đi ra nước ngoài chữa bệnh đó là vấn đề y đức của bác sỹ. Các bác sỹ nước ngoài luôn khuyên bệnh nhân chỉ làm những gì thực sự cần thiết, vì họ luôn đặt y đức, uy tín nghề nghiệp của họ lên hàng đầu.
Du lịch chữa bệnh ở Việt Nam - Tại sao không?
Theo nhận định chung của các hãng lữ hành cũng như chuyên gia trong ngành Du lịch, Việt Nam có một nền y học cổ truyền lâu đời với nhiều bác sỹ giỏi. Trong đó, liệu pháp chữa bệnh không dùng thuốc (châm cứu, khí công, yoga) hay chữa bệnh bằng thuốc nam đang dần được du khách trong và ngoài nước biết đến. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển tinh hoa này của dân tộc trở thành loại hình du lịch kết hợp chữa bệnh rất cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, của các cấp, các ngành.
Trong số các loại hình chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền, châm cứu là một trong những thế mạnh của nền y học dân tộc Việt Nam và được nhiều du khách biết đến nhất tính đến thời điểm hiện tại. Việt Nam đã có các trung tâm châm cứu lớn như Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương (đều ở Hà Nội), Viện Y dược học Dân tộc TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh việc mở những tour du lịch khám chữa bệnh bằng đông y như châm cứu, luyện khí công thì Việt Nam cũng có điều kiện để khai thác và thực hiện những tour du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh rất lớn tại những khu du lịch nước khoáng nóng trải dài từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, thời gian du khách lưu trú tại những điểm nghỉ dưỡng này lại rất thấp, thường họ chỉ lưu lại một vài giờ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Theo như lời chia sẻ của giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội chuyên kinh doanh loại tour du lịch chữa bệnh tại nước ngoài: “Du lịch chữa bệnh của Việt Nam hiện nay còn yếu so với các nước trong khu vực. Các bác sỹ nước ngoài ai cũng nói được tiếng Anh trôi chảy, tư vấn tận tình, luôn đặt y đức lên hàng đầu. Nhân viên phục vụ rất chuyên nghiệp. Các địa chỉ khám chữa bệnh hiện đại, lịch sự. Còn ở Việt Nam hiện thiếu tất cả các điều trên” .
Tháng 11/2006, Chương trình du lịch châm cứu nâng cao sức khỏe và chữa bệnh đã trình làng đầu tiên trên thị trường du lịch. GS. Nguyễn Tài Thu đã lập đề án và trực tiếp triển khai. Đây là chương trình ứng dụng tinh hoa y dược học dân tộc, khai thác phong thủy và văn hóa Việt Nam trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe và chữa bệnh cho khách du lịch. Hiện nay, một số du khách nước ngoài chủ yếu đến từ Thụy Điển, Australia, Đức... mới chỉ biết đến tên tuổi thầy thuốc nhân dân Nguyễn Tài Thu, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực châm cứu chữa bệnh. Ông đã kết hợp với Tập đoàn Y học Quốc tế Du lịch, NTT Acupuncture Medical Tourism International Group (Thụy Điển), quảng bá, tổ chức các tour du lịch châm cứu kết hợp khí công để chữa bệnh tại Việt Nam khi du khách đến Việt Nam. Tuy nhiên, với số lượng vài trăm khách mỗi năm thì doanh thu từ loại hình du lịch chữa bệnh tại Việt Nam cũng không đáng kể.
Nằm ở thôn Trại Hồ (Sơn Tây, Hà Nội), khu du lịch chữa bệnh Bảo Long thuộc Tập đoàn Y Dược Bảo Long kết cấu theo mô hình du lịch kết hợp khám chữa bệnh rất được yêu thích hiện nay. Du khách được trực tiếp tham quan vườn trồng các cây thuốc quý hiếm, nơi bào chế thuốc, siêu thị thuốc chứa hàng ngàn sản phẩm Đông dược...
Bên cạnh việc thu hút khách du lịch tới Việt Nam kết hợp khám chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền, trong vài năm trở lại đây Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng một số bệnh viện lớn, trang bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế và kinh doanh theo mô hình của các bệnh viện trong khu vực để thu hút khách từ các nước lân cận như Lào, Campuchia...

Để thu hút du khách đến với du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh
Singapore, Thái Lan hay Malaysia đã đưa ra những quyết sách đúng đắn và bài bản để thúc đẩy sự phát triển mô hình du lịch kết hợp chữa bệnh. Họ chấp nhận chi ra những khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo tay nghề bác sỹ, thậm chí lôi kéo bác sỹ giỏi từ khắp nơi trên thế giới về làm việc tại đất nước họ, chi phí nghiên cứu dược phẩm sinh học... và đặc biệt là quảng cáo. Nhờ vậy, thị trường du lịch chữa bệnh của các nước này đã đạt mức tăng trưởng hàng tỷ đô la mỗi năm và có danh tiếng không chỉ ở trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Frost & Sullivan (một công ty tư vấn hàng đầu thế giới), giá trị của thị trường du lịch - chữa bệnh toàn cầu đã đạt xấp xỉ 78,5 tỉ USD vào năm 2010 và ở Đông Nam Á đạt khoảng 4,4 tỉ USD vào năm 2012. Trong khi đó, Việt Nam vẫn không mấy quan tâm đến loại hình du lịch này. Theo số liệu gần đây của Bộ Y tế, hằng năm có khoảng 40.000 người Việt ra nước ngoài để chữa bệnh - du lịch, tốn xấp xỉ 1 tỉ USD/năm.
Đến nay, các khâu quảng bá cho mô hình du lịch - chữa bệnh tại Việt Nam vẫn chưa có. Ở Singapore, các bệnh viện của họ đã mở hướng đầu tư sang nước ngoài, chẳng hạn bệnh viện Park Group đã thiết lập liên doanh để điều hành các bệnh viện và phòng khám ở Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, một số nước ở Trung Đông. Tập đoàn này đã thành lập 37 văn phòng tiếp thị trên toàn cầu. Bệnh viện Bumrungrad ở Bangkok, Thái Lan có 30 văn phòng đại diện tại 30 quốc gia, thậm chí còn đặt một văn phòng ở ngay sân bay Thái Lan để đón và hướng dẫn du khách đến nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh. Cách làm ấy rất đáng để ngành Y tế Việt Nam tham khảo.
Tại Việt Nam, hầu hết du khách trong và ngoài nước còn biết ít đến dịch vụ du lịch chữa bệnh. Trong thời gian tới, muốn thu hút được khách du lịch nước ngoài đến chữa bệnh, các cơ sở phải được đầu tư chuyên nghiệp từ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sỹ ý tá lành nghề nói được ít nhất là tiếng Anh, đội ngũ nhân viên phục vụ phải nhiệt tình, có ý thức phục vụ tốt mới có thể làm hài lòng những du khách đặc biệt này.
Cuối cùng, các cơ sở y tế cần liên kết chặt chẽ và thường xuyên với các công ty du lịch để giúp quảng bá và tạo ra nhưng sản phẩm du lịch chữa bệnh hấp dẫn cho người tiêu dùng.
Hiện nay, loại hình du lịch chữa bệnh ở Việt Nam vẫn đang nằm ở vạch xuất phát so với các nước lân cận nhưng ngành Y tế và Du lịch hoàn toàn có thể đẩy mạnh quảng bá và khai thác loại hình y học dân tộc cổ truyền cùng với việc chữa bệnh theo các chuyên khoa. Hy vọng trong tương lai không xa Việt Nam sẽ là điểm đến mới của du lịch chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh của du khách khu vực và quốc tế.
Du lịch chữa bệnh hay Du lịch chăm sóc sức khỏe (tiếng Anh: medical tourism hay medical travel) là một thuật ngữ thường được các hãng du lịch và phương tiện truyền thông dùng để nói về kỹ nghệ đưa khách đi du lịch đến một nước khác với mục đích chính là nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh.
|
ThS. Đoàn Hương Lan - ThS. Nguyễn Tư Lương
(Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội)
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 3/2013)