Ông Lê Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Mỹ Khánh (Làng du lịch Mỹ Khánh, huyện Phong Điền), chia sẻ rằng: Thành công của Làng du lịch Mỹ Khánh nhiều năm qua là nhờ chọn được hướng đi riêng: tái hiện một khu sinh thái miệt vườn ngay tại “thủ phủ miệt vườn” ĐBSCL. Thật ra trước đây, làng du lịch này từng “lạc hướng” khi xây dựng những ngôi nhà rông và rồi bây giờ định hình bản sắc riêng với không gian miệt vườn đặc sắc. Nhìn rộng ra, ông Lê Văn Sang nhận định: “Mình mà xây dựng nhà cao cửa rộng tráng lệ, nguy nga thì lại là một cuộc cạnh tranh không cân sức và không cần thiết với ngành du lịch các nước. Du khách nước ngoài tìm về miền Tây là tìm về không gian sông nước, cây trái, những ngôi nhà phong cách Nam bộ…”. Được biết, Làng du lịch Mỹ Khánh còn đang hình thành khu chợ nổi ngay trong khuôn viên của làng du lịch để đa dạng hóa sản phẩm.
Du lịch được xem là ngành kinh tế có tốc độ phát triển rất nhanh hiện nay của Cần Thơ, với mô hình du lịch thành công đó là bản sắc và sinh thái. Những thuật ngữ “du lịch xanh”, “du lịch bản địa” ngày càng được nhắc đến nhiều hơn và đang được vận dụng tại các khu du lịch đất Tây Đô. Hometravel Mekong Cần Thơ (tọa lạc tại Thường Thạnh, quận Cái Răng) là một điển hình như thế. Nơi đây được xem là một trong những homestay điện gió đầu tiên ở ĐBSCL. Không sang trọng, xa hoa mà đậm “chất” miền Tây: những căn phòng là mái nhà lá đơn sơ, dọc đường hoa dại níu chân người, có chuối đang trổ buồng, có cá vẫy vùng dưới ao đầy bông súng… Mở cửa phòng là con rạch với hàng bần rũ bóng… “Đô thị hóa” tưởng như từ chối chốn này, dù cách trung tâm thành phố chỉ chưa đầy chục cây số. Đặc biệt, mỗi căn phòng đều được bố trí một trụ điện gió nhỏ để tích điện đủ sử dụng trong một căn phòng. Du lịch xanh đã giúp điểm du lịch này đông khách thường xuyên. Chị Nguyễn Hà Kim, ngụ quận Ninh Kiều, vào chơi với những người bạn Pháp đang nghỉ tại Hometravel Mekong Cần Thơ, nói: “Các bạn muốn có một nơi nghỉ dưỡng yên tĩnh và tôi đã giới thiệu đến đây. Ai cũng rất hài lòng. Chiều chiều họ còn nhảy ùm xuống con rạch để tắm, rất thích thú”.
Một khu nghỉ dưỡng khác sang trọng nhưng cũng rất bản sắc là Cần Thơ Ecolodge, thuộc phường Ba Láng, quận Cái Răng. Điểm đặc biệt ở khu này là các tòa nhà được ốp bằng thân gỗ cây dừa, nội thất cũng làm từ thân dừa, nhìn rất độc đáo và đậm chất miền Tây. Với cách xây dựng dựa trên yếu tố văn hóa bản địa nên Cần Thơ Ecolodge là một trải nghiệm thú vị cho khách tham quan. Cần Thơ Ecolodge còn có hành trình dành cho du khách khám phá khu vườn ươm trồng rau hoa giống, làm kẹo dừa, trải nghiệm vườn trái cây, tham quan chợ nổi Cái Răng, thăm thú cuộc sống của bà con địa phương... Bà Suzanne, một du khách người Pháp, cho biết: “Thật kỳ công khi tòa nhà được làm bằng thân cây dừa. Không gian rất đậm miền quê nhưng lại rất tiện nghi. Điều này làm tôi rất hài lòng”.
Nhìn lại thành công của nhiều điểm du lịch ở Cần Thơ thời gian qua, có thể khẳng định giá trị văn hóa địa phương đang được khai thác, phát huy. Điều này cũng góp phần đa dạng hóa du lịch ĐBCSL, chữa được “bệnh na ná” - vấn đề mà hầu hết các hội nghị về phát triển du lịch ĐSBCL đều được nêu ra với đầy trăn trở. Tính đến cuối năm 2019, Cần Thơ có 13 điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố, 7 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL, với những thương hiệu quen thuộc như Làng Du lịch Mỹ Khánh, Vườn sinh thái Xẻo Nhum, Làng Du lịch Ông Đề, Khu Du lịch Lung Cột Cầu… Đây cũng là những điểm du lịch có bản sắc riêng của Cần Thơ.
Theo thống kê, năm 2019 ngành du lịch Cần Thơ đã đón gần 8,87 triệu khách; trong đó, số khách quốc tế lưu trú đạt gần 410.000 lượt khách, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018. Lữ hành quốc tế đón vào đạt trên 32.000 lượt khách quốc tế, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2018; đưa gần 25.000 lượt khách du lịch nước ngoài, tăng 10,3% so với năm 2018. Những con số này cho thấy sự tăng trưởng của du lịch Cần Thơ, riêng với phạm vi du lịch quốc tế. Du lịch Cần Thơ cũng đã xây dựng tour, tuyến mới đưa vào khai thác trên địa bàn TP Cần Thơ: Bến Ninh Kiều - Chợ nổi Cái Răng - trạm dừng chân Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ Ecolodge.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, qua việc định hình bản sắc riêng, sản phẩm du lịch đặc thù mà năm 2020, Cần Thơ thuận lợi hơn trong liên kết, xây dựng tour, tuyến du lịch mới, hấp dẫn với các tỉnh, thành phố đã ký kết hợp tác phát triển du lịch và với các tỉnh ĐBSCL. Năm 2020, ngành du lịch Cần Thơ cũng sẽ triển khai thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài phù hợp với du lịch tổng thể TP Cần Thơ. Những nỗ lực này sẽ mở rộng cánh cửa hội nhập cho du lịch đất Tây Đô.
Nguồn: baocantho.vn