Ngày 6/2, BQL khu di sản Hoàng Thành Thăng Long cho biết, đã mở cửa trở lại đón khách tham quan từ 8 giờ sáng ngày 6/2, sau khi phun thuốc khử trùng và chuẩn bị khẩu trang cho khách chống virus Corona.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cũng xác nhận, từ 15h chiều 4/2, trung tâm tạm dừng đón khách tham quan theo tinh thần công văn mới nhất từ Hà Nội.
Đến 8 giờ sáng ngày 6/2, Văn Miếu Quốc Tử Giám đã mở cửa đón khách du lịch trở lại. “So với mọi năm, lượng khách du lịch không quá đông nhưng cũng đã có tín hiệu tích cực, khả quan hơn so với những ngày đầu năm mới 2020”, ông Kiêu đánh giá.
Xung quanh chỉ đạo “tạm dừng mọi hoạt động khách tham quan và tổ chức các hoạt động văn hóa tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (trừ trường hợp theo nhiệm vụ phân công) để tránh tập trung đông người”, ông Tô Văn Động Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho rằng, văn bản của Hà Nội không hề nhắc chuyện “đóng cửa”.
“Các điểm tham quan ở thủ đô chỉ tạm dừng để tiến hành vệ sinh và phun thuốc khử trùng. Sau khi công việc hoàn thành, các điểm đã đi vào hoạt động bình thường", ông Động nói.
Trước đó, công văn hỏa tốc số 269 gửi UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trên địa bàn, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo dừng tổ chức tất cả các lễ hội theo đúng chỉ đạo tại công điện số 396 của Bộ VHTTDL và công văn số 343 của UBND TP Hà Nội cho đến khi có thông báo mới.
Đặc biệt, tạm dừng đón khách tham quan và các hoạt động văn hoá tại các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh (trừ trường hợp theo nhiệm vụ phân công) để tránh tập trung đông người.
Ngay sau đó, đại diện các doanh nghiệp du lịch lên cũng đồng loạt tiếng cho rằng điều này là chưa cần thiết và có thể gây ra tâm lý hoang mang cho du khách, khi thực tế tình hình dịch bệnh ở Việt Nam vẫn đang được kiểm soát tốt.
“Các di tích, đền chùa ở Hà Nội đóng cửa đồng nghĩa với việc chúng tôi phải thay đổi lịch trình tour, khổ sở tìm các điểm đến thay thế. Ngoài ra, việc đóng cửa này còn khiến các du khách đang chuẩn bị có kế hoạch du lịch ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thay đổi, có thể hủy tour tham quan”, ông Nguyễn Công Hoan Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chia sẻ với Dân trí.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - tổng giám đốc Công ty Du lịch AZA, Hà Nội cũng cho rằng nếu đóng cửa các di tích, đền chùa ở Hà Nội thì coi như hoạt động du lịch Thủ đô cũng bị "đóng băng".
"Những ngày qua ảnh hưởng từ virus corona đã khiến cho các công ty du lịch lữ hành gặp thiệt hại nặng nề. Nếu các di tích ở Hà Nội tạm dừng đón khách, thì lượng khách có thể sẽ giảm 90%", ông Đạt nói.
Nguồn: dantri.vn