Ông Nguyễn Tuấn Linh cho biết, đầu năm 2023, lượng khách quốc tế vào Việt Nam đã có những tín hiệu đáng mừng hơn so với thời điểm năm 2022. Trong tháng 2, tháng 3/2023, số khách đoàn đặt tour qua Mr Linh’s Adventures tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy sự chú ý đến Du lịch Việt Nam của khách quốc tế.
Công ty cũng đã có trên 10 đoàn khách Âu đặt kế hoạch đi du lịch Việt Nam vào quý 3/2023. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn có thể bị thay đổi bởi nhiều nguyên nhân, như kinh tế suy thoái, bất ổn ở nhiều nước…, nên khách hàng sẽ thận trọng, cân nhắc khi đi du lịch ra nước ngoài… “Tâm lý chung của khách là sẽ đến những đất nước ổn định về chính trị và an toàn, trong đó Việt Nam không chỉ được đánh giá cao bởi những yếu tố trên, mà còn nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, bản sắc văn hóa đa dạng và ẩm thực rất tuyệt. Do đó, thực sự rất cần ‘focus’ vào những điểm nhấn ấy… ”, ông Linh nói.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành quốc tế, ông có nhận xét gì về sự thay đổi của các thị trường gửi khách đến Việt Nam sau đại dịch Covid-19?
Thị trường truyền thống của Du lịch Việt Nam là Đông Bắc á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), trong đó khách từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tuy nhiên hiện Trung Quốc chưa mở visa du lịch cho các công ty lữ hành đưa khách đến Việt Nam; thị trường Nga do tình hình chiến tranh Nga – Ucraina nên khách đi du lịch chưa nhiều. Theo thống kê, trong những tháng đầu năm 2023, khách Hàn Quốc đến Việt Nam vẫn chiếm số lượng đông nhất.
Năm 2022, Hội chợ du lịch thế giới - World Travel Market (WTM) 2022 được tổ chức lại (tại London, Anh quốc) sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch, thì Du lịch Việt Nam đã có sự hiện diện tại đây để triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá. Theo nhìn nhận của doanh nghiệp, rất cần đẩy mạnh công tác xúc tiến hơn, đặc biệt là ở những thị trường mục tiêu. Xúc tiến của ta đang thua các nước khác rất nhiều, nhất là ở các thị trường cạnh tranh, cụ thể là Thái Lan. Tại WTM, khi chúng tôi giới thiệu với đối tác chương trình du lịch liên vùng Đông Dương thì họ quan tâm đến Thái Lan rất nhiều, bởi không những hình ảnh du lịch Thái Lan xuất hiện với tần suất dày đặc, mà họ liên tục có những chính sách cởi mở, thu hút du khách.
Bởi vậy, việc xuất hiện thường xuyên của Du lịch Việt Nam là hết sức cần thiết để thu hút sự chú ý của du khách.
Theo ông, Du lịch Việt Nam cần nhấn mạnh những điểm gì trong xúc tiến, quảng bá?
Hiện ngành Du lịch đang muốn đẩy mạnh giới thiệu, lan tỏa văn hóa Việt Nam đến du khách, bạn bè quốc tế. Văn hóa là chất liệu đặc biệt quan trọng của Du lịch, đây là giá trị cốt lõi không gì có thể thay thế được.
Những nét đặc sắc trong văn hóa Việt Nam khi được lan tỏa rộng rãi, du khách sẽ cảm nhận được những giá trị của điểm đến, về sự khác biệt mà họ sẽ trải nghiệm.
Từ yếu tố này, tôi cho rằng, cần chú trọng nhiều hơn đến những thị trường lưu trú dài ngày, chi tiêu cao, và có lẽ đã đến lúc không nhất thiết phải hướng vào số lượng khách nữa, mà cần tập trung cho chất lượng, như vậy mới hiệu quả. Số lượng khách không nói lên điều gì cả, nếu như chỉ là khách lưu trú ngắn ngày và mức chi tiêu thấp.
Việc chạy theo số lượng như trước đây đã bộc lộ nhiều bất cập, chẳng hạn khách đi đường bộ qua cửa khẩu với thời gian chỉ 2 hoặc 3 ngày (thậm chí trong ngày), nhiều đoàn khách chỉ tập trung vào ăn nhậu, không lắng đọng được điều gì về điểm đến bởi họ không dành thời gian để thẩm thấu văn hóa. Từ đó hiệu quả của du lịch sẽ không được như mong muốn, ngược lại khách lưu trú dài ngày họ sẽ trải nghiệm nhiều hơn, thẩm thấu nhiều hơn; với khách du lịch am hiểu về cảnh điểm, sự cảm nhận sẽ thực sự sâu sắc, thế thì họ mới có câu chuyện để kể với bạn bè, đó là sự kết nối hiệu quả. Chúng ta cũng cần quan tâm hơn tới cách “marketing dài hạn” như vậy, còn nếu chỉ chú trọng đến ngắn hạn, đến số lượng khách thì sự phát triển có tính chất cạnh tranh với các nước trong khu vực sẽ ngày càng khó.
Mr Linh’s Adventures đã có sự “chuyển hướng” ra sao, thưa ông?
Để thu hút khách từ những thị trường chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, chúng tôi tập trung phát triển thêm sản phẩm mới, ví dụ những sản phẩm thiên về tính trải nghiệm cao rồi những sản phẩm về văn hóa. Sau đại dịch, hầu như tất cả các sản phẩm được thiết kế mới, khác biệt nhiều so với sản phẩm truyền thống trước đây. Chẳng hạn, trước đây chỉ đưa khách đến những điểm lớn (Hạ Long, Sapa, Bản Giốc, Ba Bể…), thì bây giờ là sự đan xen giữa điểm lớn và điểm nhỏ trong bất kỳ chương trình nào, đồng thời khai thác những điểm đến mới, lạ.
Trong tháng 3 này, Công ty đưa một đoàn khách Âu lên Du Già (Hà Giang), thực ra điểm này không phải là mới, nhưng ít được các đơn vị lữ hành khai thác, mà họ quan tâm nhiều đến Đồng Văn, Mèo Vạc, Mã Pí Lèng…, thì hiện tại chúng tôi khai thác sâu điểm này, bằng cách tổ chức cho khách đi bộ, trekking trong rừng, vào các bản còn nguyên sơ chất bản địa. Rồi các làng của Cao Bằng, ngày xưa chỉ đến làng rèn, nhưng bây giờ đến nhiều làng nghề truyền thống khác (làng làm nhang, làm ngói âm dương…) để khách thấy sự đa sắc màu trong cuộc sống đồng bào các dân tộc vùng cao. Cùng với đó là những sản phẩm hướng về thiên nhiên, như vườn quốc gia Cúc Phương, trước đây chủ yếu khách đến Cúc Phương tham quan, sau dịch Covid xu hướng khách hướng về thiên nhiên nhiều hơn, muốn hòa mình vào môi trường thiên nhiên nhiều hơn, rồi tìm hiểu về động vật hoang dã, trekking để nâng cao sức khỏe…, thì Công ty tập trung theo hướng đó, phát triển nhiều sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Trước đây cũng đã có nhưng chỉ tập trung ở Ba Bể, hiện nay phát triển ở nhiều nơi. Ở Cúc Phương chúng tôi tổ chức vào sâu trong rừng, những nơi hoang sơ, không có điện, không internet và dựng lều ngủ trong đó, trải nghiệm khung cảnh hoang sơ đó, buổi sáng thức giấc chỉ nghe tiếng động vật, tiếng chim hót, tiếng lá rừng xào xạc…, đó là sự khác biệt rất đáng kể mà chúng tôi tạo ra, mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho khách. Thay vì chỉ có đi thăm thắng cảnh, đi chơi thì giờ là trải nghiệm và cảm nhận. Được du khách đánh giá rất cao. Mr Linh’s sẽ tiếp tục đi sâu vào dòng sản phẩm này.
Bởi, nếu vẫn làm theo lối mòn cũ thì sẽ rất khó cạnh tranh, mà cạnh tranh ở đây không phải là cạnh tranh với các đơn vị lữ hành khác, mà với những đối thủ trong khu vực, chẳng hạn Thái Lan, Lào, Cambodia, phải tạo ra tính cạnh tranh khác biệt, mang tầm quốc tế.
Trước đây tôi chỉ sở hữu Công ty Mr Linh’s Adventures, trong đó làm tour là chủ đạo, nhưng hiện tại phát triển thêm Trusted DMC (Quản lý điểm đến) tại Việt Nam và Đông Dương cho các Hãng du lịch quốc tế, kết nối các dịch vụ lưu trú, vận tải, ăn uống, các mô hình về du lịch (văn hóa, nghỉ dưỡng, thể thao…), không đơn thuần là tổ chức nữa mà thuê các Supplier (nhà cung cấp dịch vụ), tập trung kết nối mang khách từ hội chợ về sau đó gửi tới các nhà cung cấp khác, đây là hướng tôi sẽ đẩy mạnh.
Để du lịch có thể nâng cao năng lực cạnh tranh như ông vừa đề cập, theo ông, cần “gỡ” những “rào cản” gì?
Cái đầu tiên là visa. Đây là vấn đề rất khó. Các công ty lữ hành rất nỗ lực khai thác thị trường mới, chứ tất cả tập trung vào một vài thị trường thì sự cạnh tranh lẫn nhau rất gay gắt. Nhưng cơ chế làm visa của ta rất chặt và chậm.
Chúng ta thấy nhiều nước mở cửa theo hướng thông thoáng, thuận tiện nhưng vẫn kiểm soát một cách trật tự; khi du khách đi du lịch nước ngoài đều có lịch sử di chuyển, nên căn cứ vào những thông tin này, tốt thì nên duyệt visa nhanh chóng, hoặc có những hướng làm thế nào để kéo du khách vào. Nhiều thị trường rất lớn, thì rất nên giữ chân họ ở lâu, lúc đó cả hệ thống cung ứng mới phát triển được, như hiện nay visa có 15 ngày là không hợp lý. Điểm nữa là thủ tục ở một số thị trường chưa được cấp E-visa cần cải tiến hơn.
Chúng tôi có một số đoàn đã nộp hồ sơ xin visa từ trước tết nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được xét duyệt. Nên doanh nghiệp cũng khá hoang mang. Khi tổ chức các đơn vị đều đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, phải đảm bảo an toàn mới đón.Chúng tôi rất mong có sự thay đổi về chính sách, tạo động lực và khuyến khích doanh nghiệp khai thác thị trường mới, có triển vọng; nhất là với những công ty đã có uy tín, đã khẳng định được uy tín trong nhiều năm liên tục về lữ hành quốc tế inbound.
Quan trọng nhất là làm thế nào để visa thông thoáng hơn, như hiện nay là chặt và chậm; mà trong du lịch chậm là mất khách, mất cơ hội. Thực tế cho thấy, sau đại dịch Covid chúng ta đã mở cửa du lịch sớm hơn 1 số nước nhưng lại về sau họ, một ph��n do những rào cản trong cơ chế, chính sách, khiến tự mình làm mất đi cơ hội.
Việt Nam bên cạnh phong cảnh thiên nhiên nổi tiếng, thì ẩm thực đã được du khách quốc tế xem như bếp ăn của thế giới, nên phải tôn cái thế mạnh của mình lên. Nhiều thị trường chi tiêu cao như Âu, Mỹ, Úc… đã coi du lịch là một phần tất yếu của cuộc sống, mỗi gia đình vẫn dành một phần ngân sách, một khoảng thời gian để đi du lịch nước ngoài, mà Việt Nam là điểm đến được lựa chọn, thế thì tại sao chúng ta không làm tốt hơn để thu hút họ đến? Du lịch đang rất cần sự tập trung cho trọng điểm thay vì làm dàn trải…
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Viễn Nguyệt (thực hiện)