Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt trên 283.000 lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 1,7 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 3,73 triệu lượt khách, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 535 nghìn lượt khách; khách du lịch nội địa ước đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 2/2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt khoảng 56,2%, giảm 0,5% so với tháng 01/2023 và tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng; trong đó có 602 khách sạn đã được xếp hạng từ 1-5 sao với 25.432 phòng, chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,2% tổng số phòng. Tính đến tháng 2/2023 trên địa bàn Hà Nội hiện có 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 06 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 01 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Để đạt được những kết quả trên, trong thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh các mặt công tác quản lý nhà nước; xây dựng sản phẩm du lịch; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch Hà Nội trong và ngoài nước; hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường; đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực.
Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội tăng cường triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, ở khu vực phía Bắc, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung - Tây Nguyên... qua đó xây dựng các chương trình du lịch liên kết thu hút khách du lịch đến với Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.
Nhằm thông tin, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô tới thị trường thế giới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đón các đoàn famtrip, presstrip gồm phóng viên báo chí và doanh nghiệp lữ hành quốc tế đến Hà Nội khảo sát sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, Sở tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đêm như làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; triển khai tuyến đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây và khu đô thị Nam vành đai 3 (quận Hoàng Mai); không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang - Công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng)… Phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến du lịch, đặc biệt là các điểm đến di tích, di sản xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các giá trị truyền thống.
Song song đó, Sở Du lịch Hà Nội xây dựng đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, trang website, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok,...) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”; tiếp tục sản xuất clip, thực hiện biên tập, dịch bài thuyết minh các điểm đến du lịch trên địa bàn Thành phố đã được chuẩn hóa sang 5 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; tổ chức thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng, bộ nhận diện du lịch, ấn phẩm du lịch Hà Nội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa Thủ đô, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm tham quan du lịch.
Lan Phương