Tận dụng lợi thế để phát triển du lịch
Bình Phước là cửa ngõ kết nối giữa Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ; có 01 cửa khẩu quốc tế (Hoa Lư) và 02 cửa khẩu quốc gia (Hoàng Diệu, Lộc Thịnh) kết nối với Campuchia. Bình Phước hiện sở hữu nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch. Bình Phước cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 100 km, có hệ thống giao thông đường bộ thuận lợi kết nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ với Tây Nguyên. Đặc biệt tỉnh có tuyến quốc lộ 13 kết nối với Campuchia - Lào - Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; có 02 tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành và Chơn Thành - Đắk Nông đang triển khai xây dựng. Hệ thống giao thông kết nối nội vùng trong tỉnh tương đối hoàn chỉnh và thuận lợi đến tất cả các xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh đó, Bình Phước có diện tích đất rộng, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với quy mô lớn để đầu tư các khu điểm du lịch, đầu tư sân golf, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí; có hệ thống rừng nguyên sinh được bảo vệ khá nghiêm ngặt với nhiều thác nước và hồ nước ngọt tự nhiên tuyệt đẹp, với quần thể động, thực vật phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái rừng; là thủ phủ của cả nước về cao su và điều rất phù hợp cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm; có hệ thống danh lam thắng cảnh tương đối dồi dào với phong cảnh thiên nhiên còn hoang sơ, mang nét đặc thù riêng, nổi bật có các địa danh như Trảng cỏ Bù Lạch, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, núi Bà Rá - thác Mơ, hồ Suối Giai…
Bình Phước có truyền thống lịch sử đấu tranh oai hùng, hiện trên địa bàn tỉnh có 42 di tích lịch sử đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, trong đó có những địa danh rất nổi tiếng, quen thuộc với du khách trong cả nước và quốc tế như: Tà Thiết, nhà giao tế, sóc Bom Bo, Phú Riềng Đỏ... Bình Phước cũng là nơi hội tụ sinh sống của 41 dân tộc anh em đã tạo thành nền văn hóa có sự giao thoa hài hòa, đa dạng nhưng vẫn giữ được bản sắc đặc trưng riêng của từng dân tộc, thể hiện qua các lễ hội như lễ lập làng mới, đặt tên con, lễ quay đầu trâu, cúng lúa, cầu mưa... đặc biệt là hệ thống di chỉ thành đất đắp dạng tròn của người Việt cổ được phát hiện bảo tồn trên địa bàn Bình Phước rất độc đáo và có giá trị đặc biệt về khảo cổ. Bên cạnh đó ẩm thực Bình Phước cũng có những món ăn rất riêng, đặc sắc của đồng bào dân tộc S’tiêng như cơm ống, canh thụt, lá nhíp đọt mây nướng, rượu cần, các sản phẩm được chế biến từ điều... hứa hẹn làm du khách hài lòng.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng trong thời gian qua Du lịch Bình Phước chưa thực sự phát triển do chưa được đầu tư bài bản, chưa có các sản phẩm đặc trưng, khác biệt, có sức cạnh tranh cao để thu hút khách du lịch cũng như chưa có những chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp lớn tạo sức hút và sự lan tỏa trong đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch... Do vậy, lượng khách du lịch đến Bình Phước chưa nhiều, thời gian lưu trú ngắn, doanh thu du lịch thấp so với khu vực và cả nước.
Gỡ “nút thắt” để phát triển du lịch
Hiểu rõ tầm quan trọng của việc khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển các loại hình du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch tâm linh - nghỉ dưỡng, du lịch tìm hiểu văn hóa - lịch sử nhằm thu hút các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, thời gian gần đây, các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã quan tâm hơn tới công tác quản lý và phát triển du lịch. Đến nay, Bình Phước đã và đang từng bước định hình được một số sản phẩm du lịch chủ lực và tăng cường liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong vùng. Nhằm phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của tỉnh, đồng thời tăng cường liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong vùng và khu vực, hướng tới mục tiêu xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Bình Phước, Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được nghiên cứu xây dựng.
Theo dự thảo Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030, Bình Phước sẽ tập trung nguồn lực xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm du lịch tìm hiểu lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm…; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, xã hội hóa phát triển 5 dự án trọng điểm về du lịch, 2 dự án đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, 2 dự án sân golf và các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao; đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, hình thành tour, tuyến, khu, điểm du lịch. Tỉnh đặt mục tiêu thu hút khoảng 1,7 triệu lượt khách vào năm 2025 và 4 triệu lượt khách vào năm 2030, góp phần tăng thu ngân sách tỉnh và giải quyết việc làm cho khoảng 13.000 lao động.
Để thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch trên một cách hiệu quả, Bình Phước sẽ tổ chức quy hoạch lại ngành Du lịch theo hướng ưu tiên dành quỹ đất, các vị trí thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư có năng lực, uy tín, kinh nghiệm đầu tư vào các dự án lớn. Ngoài việc tập trung kêu gọi và khuyến khích đầu tư các sản phẩm du lịch, từng bước tạo các điểm nhấn nhằm thu hút khách du lịch, Bình Phước huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn kết chặt chẽ với quy hoạch và phát triển dịch vụ du lịch; tăng cường đầu tư xây dựng nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên nhằm rút ngắn thời gian tham gia giao thông từ các địa phương đến Bình Phước; ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối các khu, điểm du lịch khi triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nội tỉnh.
Bên cạnh nhiệm vụ phát triển nền tảng hạ tầng kết nối, hạ tầng điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng, những giải pháp căn cơ cũng đã được Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Phước quan tâm chỉ đạo thực hiện nhằm đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi cho các dự án như: xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch; hỗ trợ đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, tăng cường liên kết phát triển du lịch; hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch… Tất cả hướng tới mục tiêu làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, để Bình Phước trở thành mảnh ghép đồng bộ, không thể thiếu trong bức tranh tổng thể du lịch vùng Đông Nam Bộ.
Song song với đó, Bình Phước tạo động lực cho các nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, góp phần tăng doanh thu cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động địa phương.
Với khát vọng chuyển mình mạnh mẽ, Bình Phước luôn đề cao vai trò của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong chuỗi các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Bởi thế, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện, tạo môi trường thuận lợi nhất để các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư tích cực tham gia phát triển du lịch Bình Phước.
THS. NGUYỄN VĂN OAI