Những “người nhện” trên đỉnh Fansipan
Nhiều năm trước, dọc theo con đường mòn dài hơn 11km dành cho dân “phượt” leo lên tới đỉnh Fansipan, qua các lán nghỉ 2.200m và 2.800m, là cơ man những vỏ chai nhựa, vỏ bánh kẹo, túi rác hay những chiếc áo mưa, ủng nilon rách bị bỏ lại.
Ấp ủ trong mình quyết tâm biến đỉnh thiêng thành “điểm xanh”, từ khi chính thức đi vào hoạt động năm 2016, khu du lịch Sun World Fansipan Legend đã đều đặn hàng tuần, thực hiện một công việc mà không ai bắt họ phải làm, đó là nhặt rác xung quanh khu vực đỉnh, làm sạch “Nóc nhà Đông Dương”. Công việc ấy, nói thì dễ, nhưng để làm, đó là cả một sự… liều.
Các kỹ sư bảo trì tuyến cáp công vụ ở Fansipan khi đó có thêm nhiệm vụ treo mình trên khắp các vách đá cheo leo, lần từng hốc đá, bụi cây âm thầm thu gom rác quanh đỉnh Fasipan, cho đến khi, từ đỉnh cao 3.143m, du khách chẳng còn thấy bóng rác ngập ngụa. Và rồi, đều đặn, hoạt động được duy trì mỗi tuần hai bận, để cách vách núi quanh khu vực đỉnh Fansipan lúc nào cũng sạch bóng rác. Ở khu du lịch này, người ta yêu mến gọi đội quân đu dây nhặt rác là đội “người nhện”.
Dọn rác đã vất vả, trồng cây xanh ở Fansipan còn khó khăn gấp bội. Đất nơi đỉnh cao nhất Đông Dương từ xưa đến nay, chỉ có giống trúc lùn với đỗ quyên là có thể sống. Vách đá dựng đứng, thời tiết lại sương giá, khắc nghiệt, thậm chí có băng tuyết mùa đông, nên nhiều loại cây được trồng thử nghiệm đều chết. Nhưng những người làm du lịch trên đỉnh Fansipan vẫn miệt mài gùi đất lên đỉnh, vừa trồng cây vừa tính cách ủ phân hữu cơ, thêm màu cải tạo đất. Cuối cùng, đất cũng phải chịu người, hoa đã nở trên đá. Đến Fansipan vào mùa xuân, đi giữa những thung lũng hoa hồng, đồi hoa tím hay giữa vườn đào, có lẽ ít ai hiểu, cái sự trồng hoa trên đá nó cơ cực cỡ nào.
Không chỉ trồng cây, dọn rác, khu du lịch Sun World Fansipan Legend cũng đã góp phần đáng kể trong việc bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cũng như phát hiện và xử lý vấn nạn khai thác rừng trái phép tại rừng Hoàng Liên. Tuyến cáp treo Fansipan trở thành phương tiện di chuyển đắc lực cho việc ứng phó, xử lý các tình huống chữa cháy rừng trên địa bàn. Những trụ cáp treo là nơi “mắt thần canh lửa” để từ đó phát hiện những dấu hiệu cháy rừng, giúp phối hợp với Vườn quốc gia xử lý kịp thời, giữ bình yên cho đại ngàn Hoàng Liên.
Lan tỏa thông điệp xanh từ những việc làm nhỏ nhất
Đầu tháng 10/2020, một giải chạy “Làm sạch núi Fansipan” với sự tham gia của 70 người chạy đến từ cộng đồng Run4self, Ban chấp hành Chi đoàn Vườn quốc gia Hoàng Liên, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend và hãng xe Interbus Lines đã diễn ra. Các thành viên đã có một trải nghiệm ý nghĩa khi vừa chạy bộ theo cung đường leo núi từ Fansipan đến Trạm Tôn, suối Vàng, thác Tình yêu, vừa dọn sạch rác dọc hai bên đường. Chỉ trong một buổi sáng, họ đã hoàn thành chặng đường dài hơn 16 km, thu gom được trên 15kg rác thải.
Anh Phạm Duy Cường, người sáng lập cộng đồng chạy bộ Run4Self cho biết anh rất ấn tượng khi ý tưởng về sự kiện chạy bộ nhặt rác trên Fansipan (hay còn gọi là Plogging) đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của chính quyền và doanh nghiệp. “Mặc dù đây là sự kiện rất nhỏ nhưng sự tham gia nhiệt tình của những người làm du lịch từ Sun World Fansipan Legend và Interbus Lines đã cho thấy các doanh nghiệp trong ngành tại Sa Pa đã rất ý thức về sự phát triển du lịch bền vững, thể hiện trách nhiệm xã hội với môi trường và thiên nhiên. Những hành động như vậy cần được nhân rộng và lan tỏa”, anh Cường nhận định.
Đây không phải là lần đầu tiên khu du lịch Sun World Fansipan Legend tham gia tổ chức các hoạt động cộng đồng ý nghĩa. Với mong muốn xây dựng một Sa Pa trở thành “Thành phố trên mây - Chỉ trồng cây, không xả rác”, tháng 8/2019, đơn vị đã phối hợp với UBND thị xã Sa Pa tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường và trồng cây nhằm hưởng ứng chiến dịch bảo vệ môi trường du lịch với chủ đề “Du lịch xanh” của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.
Chương trình đã thu hút hơn 300 tình nguyện viên đến từ khu du lịch và khách sạn Hotel De La Coupole cùng hàng trăm cư dân thị xã, chỉ sau hơn 1 giờ ra quân đã thu gom được 3,7 tấn rác thải. Có những “hố” rác sinh hoạt tự phát mà nhiều hộ dân chôn lấp lâu năm cũng được các tình nguyện viên “moi” lên, tập kết về đúng nơi quy định để tiến hành xử lý đúng quy trình, rồi trồng lại vào hố rác một khóm hoa rực rỡ . Các vị trí đọng rác trước cửa nhà dân cũng được di chuyển và thay thế bằng các gốc hồng cổ tặng lại cho bà con. Người dân Sa Pa giờ được thấy những gốc hồng bung hoa rực rỡ từ bãi rác bẩn thỉu, nhếch nhác ngày nào, dường như cũng ý thức hơn về trách nhiệm công dân của một thị xã du lịch.
Tại Sa Pa, “du lịch bền vững” không còn là những khái niệm n���m trên giấy hay trong các cuộc thảo luận không hồi kết mà đã trở thành những hành động âm thầm và bền bỉ được chính những doanh nghiệp làm du lịch vun trồng suốt nhiều năm qua. “Quả ngọt” mà họ muốn thu hoạch chính là một nền văn minh du lịch, là ý thức du lịch của cả cộng đồng. Đây cũng là điều mà Sa Pa đang nỗ lực hướng đến khi đặt mục tiêu đến năm 2025 “thành phố trên mây” được công nhận là “Đô thị du lịch sạch ASEAN”.
Nguồn: cand.com.vn