Gần gũi với thiên nhiên
Theo đó, khu du lịch xây dựng theo mô hình Ecolodge phải tách biệt với khu dân cư thành thị, ưu tiên địa điểm có địa hình tốt, địa thế cao, không gian trước mặt thoáng giáp cánh đồng rộng hay bờ sông. Không gian Ecolodge được bao bọc bởi môi trường thiên nhiên, tránh xa các cơ sở nhân tạo khác. Kiến trúc phải hòa thành một tổng thể tôn lên vẻ đẹp của Ecolodge, cũng như bổ trợ cho vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa sẵn có của khu vực cảnh quan địa phương.
Khu du lịch này thường ưu tiên sử dụng vật liệu tự nhiên, gia công thủ công, nhưng phải đảm bảo yếu tố tinh tế, thể hiện tính sang trọng của quy chuẩn dịch vụ. Trong trang trí nội ngoại thất phải kết hợp, lồng ghép các vật dụng sinh hoạt và biểu trưng văn hóa địa phương.
Bảo vệ môi trường
Nhà đầu tư nên tận dụng tối đa các đồ dùng thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng sạch như: năng lượng mặt trời, đèn tiết kiệm điện và thực hiện quy trình tiết kiệm năng lượng tổng thể từ giai đoạn đầu tư đến vận hành, nắm rõ tối đa quy trình xử lý chất thải hàng ngày. Đào tạo về hoạt động bảo vệ môi trường cho cán bộ nhân viên cũng như bà con tại cộng đồng địa phương như: dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh tại Ecolodge và cho cộng đồng, hoặc đầu tư các tài sản công cộng để bảo vệ môi trường… cũng là hoạt động cần thiết mà các khu du lịch ecolodge nên thực hiện.
Tôn vinh văn hóa bản địa
Yếu tố này được thể hiện qua việc cố gắng kết hợp các món ăn địa phương vào thực đơn hay tổ chức các sự kiện văn hóa bản địa trong khuôn viên của Lodges như: ngày ẩm thực địa phương, biểu diễn văn nghệ truyền thống…
Bên cạnh đó, đồng phục của nhân viên cũng có thể lồng ghép họa tiết hay nét đặc trưng trong trang phục của người dân bản địa. Nhiều khu Ecolodge còn đầu tư xây dựng một không gian văn hóa bản địa riêng và hợp tác với một số cơ sở nghề địa phương, hỗ trợ bán phi lợi nhuận sản phẩm của người dân, để du khách ở tại Ecolodge mua sắm ủng hộ các cơ sở nghề thủ công này.
Du lịch bền vững
Các khu Ecolodge cần sử dụng tối thiểu 90% cư dân bản địa trong quá trình cung cấp dịch vụ cho du khách, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho cư dân. Đồng thời, hỗ trợ tiêu thụ nông sản tươi được trồng tại khu vực và thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa với cộng đồng như: giúp đỡ học sinh khó khăn, xây đường dẫn ống nước sạch cho bà con tại bản.
Bên cạnh đó, các khu sinh thái xanh cần phối hợp cùng du khách và các chuyên gia, cơ quan Nhà nước để nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa tại Ecolodge.
Hiện ở Việt Nam có một số mô hình Ecolodge thu hút đông du khách như Mai Châu Ecolodge (thị trấn Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), Topas Ecolodge (Lào Cai), Hội An Ecolodge (Quảng Nam)…
Hiền Thanh