Đối với các nhà kinh doanh lữ hành, du lịch ảo là hoạt động quảng bá các sản phẩm, danh lam thắng cảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng tới quảng đại quần chúng để xác định và khai thác nguồn khách. Còn đối với khách, du lịch ảo là cách giải trí tại chỗ đơn thuần với những hình ảnh danh lam thắng cảnh, di sản nổi tiếng và những món ăn ngon… của các vùng, miền trong nước và các quốc gia khác nhau trên thế giới nhằm thỏa mãn trí tò mò, lòng ham hiểu biết. Và phương tiện của loại hình du lịch này chính là truyền hình, báo chí và internet. Tìm hiểu bản chất và vai trò của du lịch ảo cũng chính là cách để những người làm du lịch kết nối “tính liên vùng, liên ngành” và đề ra chiến lược kích thích cầu du lịch hiệu quả nhất.
Theo maketing du lịch, để tiếp thị khách hàng và biến hoạt động du lịch ảo của họ trở thành hành động đi du lịch thực tế cần phải tuân theo quy trình của công thức AIDA (A: Attention - thu hút sự chú ý; I: Interest - gây dựng mối quan tâm; D: Desire - tạo sự ham muốn; A: Action - dẫn đến hành động). Truyền hình, báo chí, Internet là các phương tiện vừa “thu hút sự chú ý” vừa “tạo mối quan tâm” và cuối cùng là “dẫn dắt” khách “hành động”. Món “khai vị” càng “ngon” bao nhiêu thì “món chính” càng hiệu quả bấy nhiêu, và du lịch ảo chính là món “khai vị” góp phần kích thích cầu du lịch.
“Gia vị” đầu tiên của món “du lịch ảo” xuất phát từ các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh. Những quốc gia như Italia, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc… với thế mạnh về hội họa và những bức tranh đáng giá hàng chục triệu USD trưng bày trong các bảo tàng nổi tiếng là những nước giàu “nguồn lực” để phát triển du lịch. Bằng cách du lịch ảo qua các phương tiện truyền thông, thậm chí những bức tranh “nhái”, mọi người khao khát được tận mắt nhìn ngắm “nàng Monalisa”, và tất nhiên phải du lịch thực tế nước Pháp. Thử hỏi, nếu như bảo tàng Louvre không có bức tranh của nàng Monalisa thì hàng năm có thu hút được hàng triệu khách tới tham quan không? Qua những bức tranh, bức ảnh đẹp về hoa tulip, cối xay gió, tháp nghiêng Pisa, Vạn lý Trường Thành… con người lại muốn khám đất nước Hà Lan, Italia, Trung Quốc. Ở Việt Nam, vẻ đẹp của vịnh Hạ Long được các nghệ sỹ tôn vinh qua nhiều tác phẩm nghệ thuật, truyền tải đến mọi người và thôi thúc du khách thực hiện cuộc hành trình khám phá vịnh Hạ Long. Những bức tranh dân gian Đông Hồ với vẻ đẹp truyền thống văn hóa từ lâu đã được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tìm tới tham quan và mua làm kỷ niệm. Bên cạnh những “slogan” (khẩu hiệu) độc đáo, ấn tượng thì những bức tranh, ảnh đẹp luôn được ngành du lịch của mỗi quốc gia, các doanh nghiệp du lịch chọn làm biểu tượng để quảng cáo, tiếp thị thu hút khách.
Các tác phẩm văn học cũng là một trong những món “gia vị” không thể thiếu đối với loại hình du lịch ảo. Văn học chính là cuộc đời, nó chứa đựng tiếng nói của lịch sử, giới thiệu truyền thống văn hóa, phong tục tập quán các vùng, miền, các quốc gia khác nhau trên thế giới. Xu hướng đi du lịch của con người là tới những nơi khác biệt với không gian sinh sống hàng ngày của mình để thỏa mãn sự hiểu biết. Qua những tác phẩm văn học nổi tiếng như “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), “Bình Ngô Đại cáo” (Nguyễn Trãi), “Đất rừng Phương Nam” (Đoàn Giỏi), “Hương rừng Cà Mau” (Sơn Nam)... người nước ngoài hiểu hơn về truyền thống văn hóa, tinh thần yêu nước, vẻ đẹp con người và thiên nhiên Việt Nam nên họ lựa chọn tới du lịch Việt Nam.
Hiện nay, Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Đài truyền hình TP.Hồ Chí Minh (HTV) và nhiều đài khác trong nước đã và đang xây dựng những chương trình truyền hình, phim tài liệu mang nội dung du lịch sâu sắc như: “Du lịch qua màn ảnh nhỏ”, “Mê Kông ký sự”, “Ký sự hỏa xa”… Được sự đồng ý của Chính phủ, hình ảnh và vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam đã được ngành Du lịch quảng bá trên một trong những kênh truyền hình lớn của thế giới CNN (Mỹ). Đó được xem là một trong những hình thức du lịch ảo được khán giả đón nhận nồng nhiệt, góp phần thúc đẩy nhu cầu và lay chuyển bước chân của khách du lịch.
Ngoài việc kết hợp các “gia vị” một cách hiệu quả, người làm du lịch cần có cái nhìn “chiến lược” và biết phối hợp, phát huy thế mạnh của các yếu tố “vệ tinh” như phối hợp và khuyến khích các tổ chức, hội, ban, ngành tổ chức các cuộc thi và triển lãm các tác phẩm nghệ thuật về danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa của nhiều địa phương, của các nước trên thế giới, biến du lịch ảo thực sự trở thành một trong những nhân tố quan trọng kích thích cầu du lịch.
NGHĨA LÊ