Khó chồng khó
Giám đốc điều hành Vietrantour Nguyễn Thị Huyền cho biết: Dịch Covid-19 tái xuất hiện ngay trước dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5 và chuẩn bị vào mùa cao điểm hè 2021 khiến cho 2.500 lượt hành khách hoãn, hủy tour đối với Vietrantour, dẫn đến thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Để khắc phục, Vietrantour đàm phán với nhà cung cấp dịch vụ bảo lưu chi phí của khách sang những tour tiếp theo khi dịch được kiểm soát. Bà Huyền cho biết thêm: “Dịch Covid đã ��nh hưởng rất lớn đến Vietrantour. Khiến cho nhiều nhân sự nghỉ việc, chuyển nghề. Khi dịch bước đầu được kiểm soát thì trong thời gian ngắn doanh nghiệp không đủ thời gian để đào tạo thêm nhân sự hoặc nhân sự quay lại làm việc với tâm lý bất an. Ngoài ra, chi phí duy trì doanh nghiệp cao nên cho dù đã cắt giảm, thu hẹp về quy mô, mặt bằng, nhân sự; điều chỉnh mức lương, tiền thuê văn phòng hàng tháng, doanh nghiệp vẫn vô cùng khó khăn”.
Ông Phạm Tiến Dũng- Giám đốc Công ty du lịch GoldenTour, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Lữ hành UNESCO Hà Nội cho bi���t: Trong dịp lễ 30/4-1/5 tình trạng hủy tour ít xảy ra đối với các Công ty lữ hành có thương hiệu, các tour du lịch vẫn diễn ra bình thường. Phần lớn khách hủy, hoãn ở khu vực khách du lịch tự túc, du khách đi các tuyến gần. Tuy nhiên, sau nghỉ lễ 30/4-1/5, tình hình dịch diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát cao, các công ty du lịch lại đau đầu tìm giải pháp để xử lý hủy, hoãn các booking tourhè cũng như hướng dẫn cho các đoàn khách chuyển đổi tour. Hầu hết các tour khởi hành tháng 5,6 và giai đoạn hè yêu cầu hoãn hủy tour rất lớn. Thống kê chưa đầy đủ ước tính các doanh nghiệp thuộc CLB có từ 300-400 đoàn khách đề nghị hoãn hủy tour. “Rút kinh nghiệm các đợt dịch trước, các hãng hàng không cũng đã nhanh chóng có văn bản xử lý hoãn cho vé đoàn du lịch, bảo lưu số tiền đặt cọc. Tuy nhiên, một lượng lớn vé máy bay mà các công ty lữ hành đặt theo chương trình khuyến mại có nguy cơ mất trắng. Các chương trình khách du lịch incentive (khách mời) cũng ảnh hưởng do chính sách định danh khách của các hãng hàng không, một số khách sạn không cho bảo lưu. Do nguy cơ bùng phát của làn sóng Covid-19 ngay trước thềm mùa du lịch dịp hè 2021, các địa phương thực hiện dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, hạn chế tham quan du lịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Dũng chia sẻ.
Theo đánh giá của Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Công ty Du lịch Mở Sao Đất Việt thì: Thị trường du lịch nội địa mới được phục hồi, giá tour khách đi dịp lễ 30/4 - 1/5 cũng như hè 2021 đều là giá ưu đãi để kích cầu nội địa, các công ty du lịch, hàng không, khách sạn hầu như chưa có lợi nhuận. Vì vậy, các công ty du lịch khuyến khích khách hàng không hủy tour mà lùi thời gian đến thời điểm thích hợp, khi dịch bệnh được kiểm soát hoặc đổi tuyến đến các điểm an toàn. Để có giá tour ưu đãi, phía lữ hành thường phải đặt cọc, thanh toán tiền với đối tác: Khách sạn, nhà hàng, tàu thuyền... từ nhiều tháng. Việc hoàn hủy tour lâu nay vẫn thực hiện theo quy định, các đối tác hàng không, khách sạn hầu hết chỉ chấp nhận cho đổi ngày, bảo lưu tiền cọc chứ không hoàn tiền. “Dịch Covid-19 tái bùng phát chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, trả lương nhân viên, thuê văn phòng và lại thêm khó khăn việc xin hoãn, hủy dịch vụ để hoàn tiền lại cho khách. Hủy tour đột ngột làm khó cho công ty, khi đàm phán với khách sạn họ không đồng ý hoàn tiền hay giảm tiền cho đêm đã đặt, do vậy khách hàng là người thiệt nhất. Chúng tôi đã cố gắng hỗ trợ hoàn lại toàn bộ số tiền ăn tiền vé tham quan và các dịch vụ khách chưa sử dụng các ngày còn lại.” ông Bình cho hay.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nam Long (Nam Long tours) Nguyễn Thanh Nga cho hay: Từ khi dịch Covid-19 diễn ra, vấn đề khó khăn lớn nhất của các công ty du lịch là không có sự hợp tác, hỗ trợ của các Hãng hàng không, không hoàn tiền 100% mà chuyển ngày giờ khởi hành, chuyển thành voucher.. trong khi các công ty lữ hành vẫn phải bồi thường 100% khi hoãn, hủy tour vì bệnh dịch. Gần đây, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 kế hoạch đi lại của hành khách bị đảo lộn, các hãng hàng không như Vietnam Airlienes đưa ra chính sách khách đổi, hoàn vé mua tại thị trường Việt Nam, miễn phí cho hành khách lựa chọn hình thức mà chuyển ngày giờ khởi hành, chuyển thành voucher với 100% giá trị hoàn vé, áp dụng cho khách có chuyến bay bị hoãn, hủy do nguyên nhân bất khả kháng của dịch bệnh.
Cần có những giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp
Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng thông tin, các đơn vị trong CLB lữ hành Hà Nội cũng chung tình trạng về số lượng khách đoàn hủy tour. Theo ông Thắng: Khi các điểm đến không an toàn trong phòng, chống dịch thì việc hạn chế đi lại, du lịch đông người là cần thiết. Vì thế, các công ty hãy bình tĩnh, nỗ lực phối hợp với các doanh nghiệp hàng không, vận chuyển, lưu trú để giải quyết cho du khách. Trước mắt, chúng tôi thương lượng để khách hàng tạm lùi thời gian du lịch hoặc chuyển sang hình thức du lịch khác, phù hợp hơn.
Theo Giám đốc Công ty Du lịch Tiên phong Travel Phùng Xuân Khánh: Trước khi đặt tour, khách đều được giới thiệu rất kỹ chương trình, các điểm đến, các dịch vụ hỗ trợ, chi phí, điều kiện, chính sách hoãn, hủy tour cho các tour du lịch trong nước và quốc tế. Với các trường hợp khách muốn hủy tour tùy thuộc vào các hãng hàng không, các nhà cung cấp dịch vụ khách sạn, lưu trú vì doanh nghiệp du lịch cũng đã chuyển tiền cho các nhà cung cấp.
Khi khách đặt cọc rồi khó lấy lại được, nhưng khoản tiền ấy không phải mất đi mà mình được khấu trừ sang các hành trình tiếp theo, một hành trình tương tự hay là hành trình khác. Ông Khánh còn chia sẻ: Sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, chuẩn bị mùa du lịch hè 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, du khách có xu hướng hủy tour và chuyển đổi tour nhiều hơn vì bảo đảm an toàn mùa dịch. Bởi vậy để hỗ trợ khách, các công ty du lịch cần có kế hoạch, công văn làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ, hàng không, khách sạn, điểm đến ở các địa phương trong việc giải quyết, hỗ trợ khách. Sau đó các công ty lữ hành trực tiếp gặp gỡ, đàm phán để có hướng giải quyết tốt nhất.
Theo ông Nguyễn Văn Bình (Công ty Du lịch Mở Sao Đất Việt) cho hay: Trước tình hình dich bệnh diễn biến phức tạp, khách hủy tour sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều công ty đã đưa ra các giải pháp xử lý việc này (ưu tiên số một là phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách). Có 3 phương án để các công ty lữ hành thương lượng với khách: doanh nghiệp có thể chịu lỗ để hỗ trợ một phần kinh phí vé máy bay, chi phí phòng ốc bị khách hủy; dời lịch trình của khách đến một thời điểm khác, khi dịch bệnh được kiểm soát; thay đổi địa điểm du lịch, lựa chọn các điểm đến khác. Ngoài ra, doanh nghiệp lữ hành còn có thể tạo ra các gói combo khuyến mại, hỗ trợ cho khách chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh. Ông Bình cho hay: Trong thời gian qua, Tổng cục Du lịch cũng đã thường xuyên phối hợp với các địa phương để nắm bắt kịp thời hình hình để chỉ đạo, định hướng chuyển đổi tour đến những địa bàn không liên quan đến dịch bệnh. Một số hãng hàng không đều có kế hoạch hỗ trợ du khách trong trường hợp hoãn tour, tùy từng trường hợp cụ thể khi khách hủy tour sẽ được hoàn vé để chung tay phòng chống dịch. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng như Hiệp hội Du lịch các địa phương cũng đã có kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. “Ngoài sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp trong xử lý việc hủy, hoãn tour (tăng cường khảo sát, phối hợp cùng các đối tác xây dựng nội dung, chương trình các tour du lịch an toàn) thì cần sự tăng cường liên kết, hợp tác, hỗ trợ của các địa phương, doanh nghiệp cũng như sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt hơn của các ngành chức năng giúp doanh nghiệp du lịch vượt khó”, ông Bình đề nghị.
Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng- Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel: “Để chuẩn bị đón khách khi dịch được kiểm soát, Vietravel đang nghiên cứu xây dựng những gói sản phẩm mới lạ, độc đáo như: tour Trekking, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch bằng xe riêng, theo đoàn riêng cho nhóm khách gia đình, du lịch Caraval (tự lái xe)... hay tiêu biểu như dòng sản phẩm Luxury dành cho khách cao cấp. Doanh nghiệp cũng mong có chính sách giảm chi phí dịch vụ điện, nước, giảm các mức thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuế đất của doanh nghiệp lữ hành cũng như hỗ trợ giảm lãi suất vay vốn ngân hàng”.
Ông Phạm Tiến Dũng (Golden Tour) kiến nghị: “Bên cạnh việc tăng cường công tác phòng, chống dịch, rất mong các địa phương tiếp tục xây dựng nội dung, quảng bá và thông tin về điểm đến an toàn. Đại diện cho doanh nghiệp ông cũng đề nghị Chính phủ, tiếp tục các chính sách hỗ trợ ngành du lịch đã được đề xuất; tiếp sức cho các hãng hàng không và khách sạn, giao thông để tiếp tục kích cầu thời gian tới; tiếp tục có biện pháp chỉ đạo các hãng hàng không nước ngoài hoàn tiền lại cho các doanh nghiệp do không được cấp lịch bay ”
Tuấn Sơn