Đến Đồng Nai, du khách có thể tham gia những chuyến du lịch sinh thái trong các khu rừng hoặc vườn cây ăn quả, du thuyền trên sông Đồng Nai, dã ngoại tại các thắng cảnh tươi đẹp hay tham quan các di tích chiến tranh, nghiên cứu các di chỉ khảo cổ như: mộ cổ Hàng Gòn, đàn đá Bình Đa... Đồng Nai còn nổi tiếng với nghề thủ công truyền thống như: làng gốm Tân Vạn ven sông Đồng Nai của người Việt, nghề đục đá truyền thống tinh xảo của người Hoa sống gần hồ Long Ẩn... Đây là những điều kiện thuận lợi để Đồng Nai phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Danh lam thắng cảnh
Đồng Nai hấp dẫn du khách bởi những đặc trưng của vùng sông nước Đông Nam Bộ. Nơi đây có sông Đồng Nai hiền hòa thơ mộng, có những hồ, thác đẹp đến say lòng, những khu du lịch sinh thái độc đáo… thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.
Vườn quốc gia Nam Cát Tiên
Vườn quốc gia Nam Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn 5 huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước) có đặc trưng là rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới, với tổng diện tích là 70.548ha, trong đó phần diện tích thuộc Đồng Nai là 39.108ha.
Vườn quốc gia Nam Cát Tiên có cảnh quan thiên nhiên đa dạng vừa có đồi, vừa có bãi ven sông, vừa có các trảng rộng lớn bằng phẳng lại có các dòng chảy dốc. Vào mùa mưa các dòng suối hiền lành trở thành các dòng thác, nước đổ trắng xóa trên các triền đá lớn. Nhiều đoạn thác quanh co, lượn khúc tạo ra những bãi cát vàng rộng như các bãi tắm tự nhiên. Đặc biệt, rừng quốc gia Nam Cát Tiên có hệ thực, động vật đa dạng, phong phú. Với những giá trị tiêu biểu về hệ sinh thái, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Thiên đường suối Mơ
Chỉ cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng hơn 100km, công viên suối Mơ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai là một trong những điểm du lịch lý tưởng, được nhiều gia đình và các bạn trẻ lựa chọn để nghỉ ngơi, tận hưởng không gian xanh mát vào dịp cuối tuần, lễ tết.
Công viên suối Mơ có tổng diện tích hơn 300.000m2, trong đó diện tích mặt hồ trên 150.000m2, mặt nước trong xanh quanh năm chảy ra từ các mạch nước ngầm tinh khiết tuôn trào hình thành những hồ nước tự nhiên trong veo tạo nên vẻ đẹp thuần khiết cho không gian nơi đây.
Núi Chứa Chan
Với độ cao 837m, diện tích trải dài 1.400ha, hình dáng hùng vĩ, thế núi cao chót vót, vách đá cheo leo và rừng rậm, cùng hàng ngàn loài cây và muông thú, có suối chảy quanh năm..., núi Chứa Chan (hay còn gọi là núi Gia Lào, núi Gia Ray) là một thắng cảnh hữu tình của huyện Xuân Lộc. Núi Chứa Chan là điểm đến của những người thích leo núi, khám phá cảnh quan của núi rừng cũng như đến tham quan, chiêm bái những ngôi chùa linh thiêng tại vùng đất sơn linh này. Núi Chứa Chan đã, đang và luôn là điểm du lịch lý tưởng, hấp dẫn đối với du khách gần xa. Với những giá trị cảnh quan tiêu biểu, núi Chứa Chan đã được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia.
Hồ Trị An
Trị An là một hồ nước nhân tạo nằm trên sông Đồng Nai, thuộc huyện Vĩnh Cửu, cách thành phố Biên Hòa khoảng 30km theo quốc lộ 24. Với diện tích rộng 323 km2, Trị An được xem là hồ nước lớn nhất Việt Nam. Lòng hồ rộng lớn và có khoảng 40 hòn đảo nhỏ trong hồ nên từ lâu Trị An đã trở thành điểm du lịch dã ngoại hấp dẫn du khách trong tỉnh và các khu vực lân cận. Đến với hồ Trị An, trải nghiệm tuyệt nhất là được lênh đênh trên lòng hồ khi mặt trời còn chưa ló rạng hay khi hoàng hôn về để cảm nhận sự mênh mông.
Khu du lịch Bửu Long
Khu du lịch Bửu Long thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, cách trung tâm thành phố 6km. Khu du lịch Bửu Long có diện tích 84ha, gồm hồ Long Ẩn (18,5ha), hồ Long Vân (5,4ha), núi Bửu Long cao 34m và núi Long Sơn cao 37m. Cạnh hồ là hai ngọn núi thấp, trên núi Bửu Long có ngôi chùa cổ Bửu Phong nổi tiếng nằm thấp thoáng sau cây bồ đề lớn; có hang đá Long Sơn Thạch Ðộng hình dạng giống hàm ếch với nhiều nhũ đá rủ xuống đầy vẻ huyền bí. Sau khi tham quan hồ, leo núi, vãn cảnh chùa, vui thú với các trò chơi trên mặt nước, du khách còn có thể kết hợp về thăm làng bưởi Tân Triều nổi tiếng, tham quan nghề đục đá truyền thống mang dấu ấn nghệ thuật điêu khắc cuối thế kỷ 17.
Di tích Lịch sử - Văn hóa
Là vùng đất cổ, Đồng Nai có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời như khu mộ cổ Hàng Gòn - cách đây hàng nghìn năm, các dấu tích của nền văn hóa Phù Nam cách đây hơn 1.300 năm cùng nhiều chùa chiền, đền, đình cổ… là điểm hẹn du lịch về nguồn ý nghĩa, thu hút khách du lịch.
Khu Văn miếu Trấn Biên
Văn miếu Trấn Biên tọa lạc tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa - giáo dục của vùng đất Biên Hòa. Đây là văn miếu được xây dựng đầu tiên ở xứ Đàng Trong (năm 1715) để tôn vinh Khổng Tử và các Danh nhân văn hóa nước Việt. Điểm nổi bật nhất trong lối kiến trúc của Văn miếu Trấn Biên là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc (gốm tráng men) vô cùng bắt mắt và thu hút. Sau khi tham quan Văn miếu môn, du khách sẽ lần lượt chiêm ngưỡng những công trình khác như nhà bia truyền thống Trấn Biên - Đồng Nai, hồ Tịnh Quang, cổng tam quan, Khuê Văn Các, nhà bia thứ hai thờ Khổng Tử và cuối cùng là nhà thờ chính rộng lớn. Bên cạnh những giá trị về văn hóa, lịch sử thì văn miếu còn là một công trình có lối kiến trúc đặc sắc về nghệ thuật, vừa cổ kính vừa trang nhã. Vì vậy, nơi đây thu hút hàng trăm ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh tới thăm.
Mộ cự thạch Hàng Gòn
Mộ cự thạch Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh) là một trong những di tích được xếp hạng cấp quốc gia sớm nhất vào năm 1982. Năm 2015, mộ cự thạch Hàng Gòn được Chính phủ công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đây cũng là một trong những điểm đến nổi bật ở cửa ngõ phía Đông của Đồng Nai. Di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn với hơn 2.000 năm tồn tại đã góp phần làm rõ hơn nhiều vấn đề về văn minh lưu vực cổ sông Đồng Nai. Qua năm tháng, kiến trúc mộ cự thạch, hình thức tín ngưỡng liên quan dân cư cổ vẫn là một sự bí ẩn hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu. Các nhà khoa học đánh giá đây là một di tích độc đáo về nghệ thuật, kỹ thuật của người cổ Nam Á nói chung và người Việt cổ nói riêng.
Chiến khu Đ - Đồng Nai
Nhắc đến chiến khu Đ - Đồng Nai, người ta nghĩ ngay đến vùng đất lửa - một căn cứ địa cách mạng, nơi ghi dấu những chiến công cùng sự hy sinh to lớn của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Du khách về vùng đất chiến khu Đ - Đồng Nai sẽ có cơ hội tham quan các địa danh lịch sử gắn liền với một thời hào hùng của dân tộc như: sân bay Rang Rang, đồi Củ Chụp, căn cứ Trung ương cục miền Nam, căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ và viếng nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà…
Rừng sác Nhơn Trạch
Rừng sác Nhơn Trạch thuộc địa phận các huyện Nhơn Trạch, Long Thành là một vùng rừng ngập mặn rộng hàng nghìn km2 nằm ở phía Đông Nam tỉnh Đồng Nai. Với địa thế hiểm trở, vùng rừng sác đã trở thành căn cứ địa cách mạng ngay từ những năm đầu kháng Pháp. Nơi đây cũng từng là chứng tích cho các cuộc rải thảm bom B52, chất độc hóa học, các cuộc càn quét quy mô lớn với sự tham gia của nhiều binh chủng, tàu chiến và vũ khí hiện đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng cũng chính nơi đây đã khẳng định chân lý, niềm tin và ý chí con người có thể vượt lên tất cả. Để tưởng nhớ công ơn và chiến tích anh hùng của cha anh, đền thờ Liệt sĩ Nhơn Trạch được xây dựng tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, nơi cửa ngõ bước vào chiến khu rừng sác năm xưa.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều ngôi chùa, thiền viện nổi tiếng, hàng năm thu hút đông đảo du khách, phật tử về tham quan, chiêm bái như Bửu Phong cổ tự, chùa Ông, Thiền viện Thường Chiếu, đình thờ các danh nhân Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Tri Phương…
Lễ hội chùa Ông
Lễ hội được tổ chức hàng năm tại chùa Ông (xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) từ ngày 10 - 13 tháng giêng âm lịch với nhiều phần lễ và hội độc đáo, thu hút hàng trăm nghìn người dân và du khách tham quan chiêm bái. Lễ hội được mở đầu bằng Lễ nghinh thần nhằm tôn vinh các bậc tiền bối có công trong quá trình khai khẩn, phát triển vùng đất phương Nam nói chung, Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng. Lễ nghinh thần bằng đường bộ với Lễ rước Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh, Thần Thành hoàng đình Bình Quan, Quảng Trạch Vương (Phụng Sơn tự), Thiên Hậu Thánh Mẫu (Thiên Hậu Cung) và các vị Tổ nghề (Miếu Tổ Sư). Lễ nghinh thần bằng đường thủy rước Đức Ông Trần Thượng Xuyên và cung nghinh Đức Ông Quan Thánh Đế Quân tuần du. Lễ Nghinh thần có sự tham gia của các đội lân sư rồng, sử dụng trang phục truyền thống, các chiếc thuyền, phà được trang trí cờ hội. Bên cạnh các hoạt động của phần lễ thì các hoạt động của phần hội với các chương trình, tiết mục đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng văn hóa Việt - Hoa cũng thu hút hàng ngàn lượt du khách tham dự.
Lễ hội Kỳ Yên
Lễ Kỳ Yên (cầu an) là một trong những lễ hội chính ở các đình của Đồng Nai. Lễ thường diễn ra vào hai mùa xuân và thu hoặc gắn với những ngày liên quan đối với đối tượng được thờ tự. Dân làng đóng góp công của để cúng tế vị thành hoàng bổn cảnh với mục đích cầu xin mưa gió thuận hòa (phong điều vũ thuận), mùa màng tốt tươi (phong đăng hòa cốc), quê hương đất nước bình yên (quốc thái dân an). Lễ hội Kỳ Yên qua nhiều thế hệ đã trở thành tập quán tín ngưỡng, hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng người Việt. Lễ hội được tổ chức long trọng với những nghi thức cúng tế thể hiện lòng cung kính đối với thần linh (mà cụ thể là vị thành hoàng) được thờ nơi đình và các thế hệ có công mở mang, khai phá, phát triển làng xã (tiền hiền khai khẩn, hậu hiện khai cơ). Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, việc phục dựng các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được khôi phục như: Lễ hội Sa Yang Va của dân tộc Chơ Ro; Lễ cúng Yang đâm trâu của dân tộc Mạ, S’tiêng, K'ho; Lễ Chuôn Chnam Thmây, Sen Đôn Tal của người Khmer; Lễ Ramadan, Maji của người Chăm; Tả Tài Phán của người Hoa… Mỗi lễ hội mang đậm sắc thái truyền thống của từng dân tộc, tạo được không khí vui tươi, đoàn kết và thân ái.
Làng nghề truyền thống
Đồng Nai là vùng đất được khai phá sớm ở Đông Nam Bộ, trong đó, một số làng cổ là nơi chứng nhận cho công cuộc khẩn hoang lập nghiệp. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều ngành nghề được hình thành góp phần vào việc ổn định vùng đất mới. Trong dòng chảy của lịch sử, những làng cổ, nghề truyền thống đã đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa của vùng đất Đồng Nai.
Bưởi Tân Triều
Làng bưởi Tân Triều thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cách thành phố Biên Hòa khoảng 6km. Làng bưởi ngày nay vẫn giữ được nét thanh bình của làng quê yên ả với những vườn bưởi xanh xum xuê quả, vườn tiếp vườn. Bưởi nơi đây rất đa dạng về chủng loại, mỗi loại có mùi vị rất khác nhau: bưởi Thanh, bưởi đường lá cam, bưởi đường núm, bưởi đường hồng... Do được trồng trên đất phù sa, bưởi nơi đây có vị ngọt đậm, rất đặc trưng mà không có nơi nào có được. Đến với làng bưởi Tân Triều, ngoài việc được hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức các món ăn ngon, du khách còn có những trải nghiệm thú vị để hiểu hơn về đời sống, con người làng bưởi nói riêng và người dân miền quê nói chung. Cảnh đẹp thiên nhiên nên thơ, những món ăn ngon và người dân địa phương hiền hòa, mến khách chắc chắn sẽ để lại trong lòng du khách những kỷ niệm đẹp.
Làng nghề dệt thổ cẩm người Mạ
Dệt thổ cẩm là hoạt động không thể thiếu trong đời sống của người dân tộc Châu Mạ ở ấp 4, xã Tà Lài, Tân Phú. Nghề dệt thổ cẩm nơi đây đã trở thành biểu trưng cho các dân tộc ít người ở Đồng Nai. Tuy không còn thịnh hành như trước, nhưng khi đến đây, du khách vẫn được chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa bao đời của người dân bản địa. Sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Mạ là chăn, váy, khố, dây quấn đầu… Trên những sản phẩm đó, bàn tay khéo léo của người dệt đã tạo nên nhiều loại hoa văn trang trí đa dạng, không chỉ là sự kết hợp khéo léo của màu sắc mà còn thể hiện cảm nghĩ, cách nhìn nhận về thế giới vốn phong phú của cộng đồng người Mạ. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm, công dụng của nó mà người Mạ trang trí các loại hoa văn có ý nghĩa. Và hơn nữa, khi dệt những hoa văn họa tiết trên thổ cẩm, người Mạ không chỉ bỏ công sức ra mà còn gửi gắm tình cảm của mình vào đó.
Làng nghề điêu khắc đá Bửu Long
Với hơn 300 năm tồn tại, làng nghề điêu khắc đá Bửu Long (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) được coi là làng nghề thủ công lâu đời nhất của vùng đất Đồng Nai giàu truyền thống văn hóa lịch sử. Nguyên liệu để làm sản phẩm đá mỹ nghệ Bửu Long là đá tấm, đá phiến. Những người thợ tìm đá nguyên liệu được gọi là thợ làm “đá sống”, phải lên núi tìm những tảng đá đạt yêu cầu mang về. Từ đây, những người thợ điêu khắc đá bắt đầu công việc chế tác sản phẩm, gọi là thợ làm “đá chín”. Trải qua hơn 3 thế kỷ tồn tại với nhiều thăng trầm, làng nghề đá Bửu Long đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân tài hoa như: Hà Kiều, Dương Văn Hai, Ngụy Đức Mỹ, Phạm Thành Đẩu… góp phần tôn thêm vẻ đẹp của nhiều công trình kiến trúc trên đất Biên Hòa (miếu Tổ sư/ chùa Bà Thiên hậu, Thất phủ cổ miếu, Văn miếu Trấn Biên) và nhiều cụm tượng đài ở các địa phương trên cả nước bằng chất liệu đá.
Làng gốm Biên Hòa
Có truyền thống từ thế kỷ 17 với đồ đất nung và sành nâu... nhưng phải đến cuối thế kỷ 19 và thế kỷ 20, gốm Biên Hòa với các sản phẩm đồ gốm sành xốp mới trở nên nổi tiếng. Đặc trưng của loại gốm này là sự kết hợp phong cách gốm Việt Nam, gốm Trung Quốc và gốm Limoge của Pháp. Điểm nổi bật của các sản phẩm gốm Biên Hòa là vừa có giá trị nghệ thuật lại vừa có giá trị sử dụng cao, chủ yếu là các loại đôn voi, đôn tròn, các loại chậu hoa, tượng, thú... với nét trang trí canh tân hiện đại, tinh tế, sử dụng men nhẹ lửa, màu men thanh thoát trắng sữa hay trắng ngà. Các đề tài trang trí trên gốm sứ thường mang phong cách Trung Quốc như hình ảnh tứ quý, tứ linh, những bài thơ vịnh bằng chữ Hán thường thấy trên các sản phẩm tráng men của Biên Hòa.
Ẩm thực
Đến Đồng Nai du lịch, du khách không chỉ được khám phá những cảnh đẹp thiên nhiên mà còn được thưởng thức những món ăn độc đáo, hấp dẫn.
Mít Tố Nữ
Mít Tố Nữ là một giống mít đặc biệt. Tương truyền xa xưa, có nàng Tố Nữ đem lòng yêu chàng trai nghèo tên gọi Tố Nam nhưng tình yêu của họ bị chia lìa đôi ngả. Vì quá đau buồn nàng Tố Nữ qua đời và nơi nàng trinh nữ nằm xuống mọc lên một loại trái cây lạ, quả có vị rất thơm ngon, ngọt khác thường, dân làng đem nhân giống và đặt tên là mít Tố Nữ. Giống mít được trồng nhiều nhất ở thị xã Long Khánh. Mít Tố Nữ trái nhỏ hơn rất nhiều so với mít thường, múi và hương vị của mít Tố Nữ cũng khác rất nhiều so với mít thường: xẻ một đường dọc để bổ đôi trái mít, lật cuống lên sẽ thấy múi tròn, nổi gân, kết như một chùm dâu chín vàng hương thơm ngào ngạt.
Nấm mối Đồng Nai
Nấm mối thường mọc vào khoảng mùng 5/5 âm lịch, khi cơn mưa đầu mùa làm cho không khí trở nên oi nồng, mặt đất hầm hập nóng là mùa nấm mối lại về. Nấm mối Đồng Nai có nhiều ở các huyện Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Long Thành... Dù là nấu canh, nấu cháo, xào, kho hay nướng, nấm mối vẫn đứng vào đầu bảng thực đơn. Trong đó hấp dẫn nhất là làm nhân bánh xèo hoặc ướp muối ớt rồi quấn lá cách, lá lớp hoặc lá chuối nướng, vừa giòn, vừa thơm ngon, đậm đà, không có một thứ nấm nào sánh kịp.
Với nhiều tiềm năng và lợi thế, những năm gần đây, Đồng Nai là điểm tham quan du lịch thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đánh giá được tiềm năng to lớn này, tỉnh Đồng Nai đang tập trung triển khai hàng loạt các giải pháp để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như: chủ động cung cấp thông tin cho du khách, quảng bá hình ảnh qua các cuộc thi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin…
T.T