Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, để tưởng nhớ công ơn của những danh nhân họ Đào với lòng ham học, ý thức tận tụy vì dân vì nước, được sự đồng ý của UBND thành phố Hà Nội, vào sáng ngày 13/ 3/ 2010, lần đầu tiên dòng họ Đào tổ chức cuộc gặp mặt trên khắp cả nước tại Trung tâm Văn hóa Khoa học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám - biểu tượng của văn hóa Việt Nam và cũng là nơi ghi danh nhiều tiến sĩ mang họ Đào.
Đây là dòng họ được phát tích từ thời Hùng vương thứ 6, hiện nay thần phả, thần tích, bia đá tại đền Thượng khu di tích đền Hùng vẫn còn ghi công tổ tiên họ Đào đã từng là Đại tướng quân đánh giặc Ân. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dòng họ Đào sản sinh ra có hàng trăm danh nhân tướng sĩ có công lao với nước được ghi vào sử sách và được người dân tôn thờ là Thành hoàng trong các làng quê Việt Nam.
Một trong những vị tổ tiên họ Đào có công với Thăng Long là cụ Đào Cam Mộc - một đại thần nhà tiền Lê, người đã giúp vua Lý Công Uẩn thực hiện ý nguyện dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Đào Cam Lộc là người được sử sách ghi công trạng to lớn gây dựng vương triều Lý. Ông là người dự thảo “Chiếu dời đô”. Khi ông mất, để ghi nhận công lao người khai quốc triều Lý, vua Lý Thái Tổ đã truy phong cho ông chức vị cao nhất là Á Vương, trên tư dinh cho xây đền thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc và ban tặng câu đối: “Lý triều định đô vương tứ phúc/Đào trạng văn quan Quốc ân thân”.
Buổi họp mặt còn giúp con cháu trong dòng họ Đào thế hệ hôm nay hiểu hơn về tổ tiên dòng họ của mình cũng như tiếp nối những nghĩa cử, khí phách, nhân cách của tổ tiên mình – Một dòng họ đã có nhiều tiến sĩ được ghi danh trên bia Văn Miếu và nhiều danh nhân được đặt tên cho các con đường như đường Đào Cam Mộc ở Tp. Hồ Chí Minh, Đào Sư Tích, Đào Duy Từ, Đào Tấn, Đào Duy Anh, Đào Nguyên Phổ…ở Hà Nội.
Vũ Thị Huyền Trang