Nhiều nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp trong việc chuẩn bị đón khách
Giám đốc VietSense Travel Nguyễn Văn Tài cho biết, dấu mốc mở cửa du lịch từ ngày 15/3 được những người làm du lịch hết sức quan tâm, đây là một trong những quyết sách đúng và cần thiết. Cùng với nhiều doanh nghiệp du lịch, VietSense Travel đã chuẩn bị các điều kiện đón khách. Theo ông Tài, ngày 13/3 VietSense Mart chính thức khai trương cơ sở tại số 144 Lạc Trung, đây là cơ kinh doanh bán lẻ các mặt hàng thực phẩm tươi sạch, sản phẩm OCOP các vùng miền và hàng tiêu dùng nhập khẩu chính ngạch từ Nhật Bản. VietSense là dự án nằm trong hệ sinh thái kinh doanh tổng hợp của công ty CP du lịch VietSense, hiện nay đã gồm Lữ hành VietSense Travel, Nhà hàng Đặc sản Dê núi Ninh Bình, bán lẻ VietSense Mart. Mục tiêu trong năm nay mảng nhà hàng và bán lẻ sẽ đẩy mạnh phát triển thành chuỗi nhiều cơ sở tại các quận, huyện. Ông Tài chia sẻ, sau hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 làm tê liệt kinh doanh du lịch lữ hành, các doanh nghiệp du lịch lữ hành trên cả nước nói chung và VietSense Travel nói riêng đều rơi vào khủng hoảng, kiệt quệ về tài chính, cắt giảm nhân lực và thu nhỏ mặt bằng văn phòng. “Chúng tôi đang nỗ lực để triển khai kế hoạch phục hồi kinh doanh sau sự kiện mở cửa du lịch 15/3. Hiện tại, VietSense Travel đã kiện toàn đội ngũ nhân sự cốt cán và đang làm việc tích cực với các công tác rà soát lại toàn bộ hệ thống cung ứng dịch vụ gồm vận chuyển, lưu trú, nhà hàng, hướng dẫn viên, bảo hiểm… để phục vụ các chương trình du lịch từ ngay cuối tháng 3/2022 và hướng đến chiến dịch 30/4 – 1/5 và biển hè. Công tác truyền thông cũng được chú trọng đầu tư cho gian hàng hội chợ VITM, các kênh online như website, fanpage đã được chạy quảng cáo tiếp cận khách hàng và quảng bá các tour, dịch vụ du lịch.”, ông Tài cho biết.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết: Trong thời gian qua, do tác động bởi đại dịch COVID-19, tìm hiểu thực tế cho thấy nhu cầu, thói quen sở thích của khách hàng đã thay đổi hoàn toàn không còn đi theo đoàn đông, sử dụng dịch vụ trọn gói thì nay chuyển sang đi theo hình thức các nhóm gia đình hoặc bạn bè có cùng sở thích, mua dịch vụ đơn lẻ và gắn với những trải nghiệm cá nhân, tham gia một số hoạt động như vui chơi, khám phá ẩm thực và văn hóa. Hội Lữ hành Hà Nội và Câu lạc bộ du lịch bền vững Vgreen phối hợp với các địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, an toàn, phù hợp với tình hình mới. Hanoitourist cũng đã xây dựng một số tour khám phá Hà Nội, caravan khám phá cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Quảng Ninh, Hà Giang... Để chuẩn bị cho ngày 15/3, Hanoitourist đã sẵn sàng và bắt đầu nhận phục vụ khách tham gia tour “Bác Cổ - Mùa hoa gạo” từ 15/3/2022 với giá tour giảm 50% trong tháng 3.
Giám đốc Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho hay, để chuẩn bị cho ngày 15/3, Vietfoot Travel đã họp với các hãng hàng không và các đại sứ quán để chuẩn bị các tour cho khách inbound và outbound. Với thị trường outbound, thay vì làm du lịch kiểu chek-in tour, Vietfoot Travel hướng du khách tới du lịch trải nghiệm để du khách cảm nhận sâu sắc giá trị điểm đến, cả về văn hóa, ẩm thực, cảnh quan tự nhiên và dự định sẽ cho ra mắt sản phẩm du lịch khá mới mẻ là du lịch định cư và du lịch bất động sản định cư. Với thị trường inbound, Vietfoot Travel đã chuẩn bị kế hoạch phát triển inbound từ hệ thống phát triển thị trường Hàn Quốc và các chương trình chung để có thể phát triển dòng khách tiếng Anh từ châu Âu, khách Mỹ, Canada, Du bai… “Chúng tôi đang trao đổi với đối tác để hướng tới những dòng sản phẩm cao cấp phục vụ du khách. Mới đây chúng tôi đã làm việc với Bamboo Airway phục vụ khách châu Âu vào Việt Nam theo đường bay của hãng hàng không này và ở tại hệ thống khách sạn, chơi golf của FLC. Ngoài du khách châu Âu, hệ thống của FLC cũng sẽ phục vụ tốt những du khách thích chơi golf đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, kết hợp tham quan, trải nghiệm tại Việt Nam”, ông Nghĩa chia sẻ.
Theo doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho biết: Mở cửa vào thời điểm này là hết sức đúng và cần thiết. Lux Group là tổ hợp thương hiệu về lữ hành, vận chuyển, nhà hàng, khách sạn, du thuyền, với gần 20 năm kinh nghiệm, Lux Group đi tiên phong trong thị trường sang trọng và siêu sang trọng, chỉ chiếm 5% lượng khách đến Việt Nam, bằng việc đầu tư, thiết kế, làm mới các sản phẩm trải nghiệm du lịch giàu cảm xúc, cho thân, tâm và tuệ. “Hiện nay, Công ty chuẩn bị chuẩn lại menu, quay về trải nghiệm trưa set menu, tối fine dining à là carte, sáng ăn nhẹ và luxury brunch. Chúng tôi xây dựng hành trình cho du khách đi xa hơn tới những nơi đẹp nhất như vịnh Lan Hạ, Ba Trái Đào. Các chương trình dài hơn 2-3 ngày thường được du khách quốc tế ưa thích, các trải nghiệm ăn trên bãi biển, cocktail party, sup stand, lặn biển hay lên rừng xuống biển rất được ưa thích, chúng tôi đưa vào trải nghiệm cho du khách. Hiện nay, chúng tôi đã chủ động tuyển người mới và đào tạo lại nguồn nhân lực để có thể đáp ứng cho việc đón và phục vụ khách”, ông Hà cho hay.
Cần những giải pháp, gỡ khó cho doanh nghiệp
Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng mở cửa đón khách quốc tế. Tuy nhiên, có không ít những bất cập, tồn tại. Qua tìm hiểu được biết, phương án đón khách vẫn chưa được phê duyệt, chính vì thế các công ty lữ hành chỉ tạm thời nghe ngóng. Thực tế khách quốc tế đón nhận khá tích cực thông tin Việt Nam mở cửa, thế nhưng họ cần thông tin rõ ràng. Có chủ trương cho mở cửa, nhưng cụ thể cần làm gì, văn bản hướng dẫn ra sao, điều kiện cách ly y tế hay xét nghiệm như thế nào phải rõ ràng, phải có kế hoạch. Cho đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trình phương án đón khách quốc tế theo hướng cởi mở hơn so với giai đoạn thí điểm. Bộ VHTTDL đề xuất điều kiện để khách du lịch đến được Việt Nam là có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, không giới hạn đối tượng. Du khách trong vòng 24 giờ đầu về thẳng nơi lưu trú thực hiện xét nghiệm SAR-CoV-2, những người âm tính được tham gia các hoạt động du lịch… Trong khi đó, Bộ Y tế lại kiến nghị thêm hàng loạt quy định được đánh giá là “trói chân” du khách như: bắt buộc có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong 72 giờ trước khi nhập cảnh; phải ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. Trường hợp cần di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày. Những người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh nền hạn chế đi du lịch… “Thực tế đó khó có thể mở cửa du lịch đón khách quốc tế và đang khác so với chủ trương của Chính phủ là mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch”, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái nhận định.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết: Người làm du lịch rất mong chờ chính sách thị thực và thủ tục nhập cảnh. Bộ VHTTDL rất quyết tâm mở cửa lại du lịch, nhưng Bộ Ngoại giao, Y tế, Công an… vẫn chưa thống nhất ý kiến. Chúng tôi mong chờ chính sách thị thực quay trở lại như thời kỳ trước dịch. Có như vậy mới cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực, bằng không chúng ta duy trì duyệt cấp visa từng người thì vừa mất thời gian, công sức, tăng chí phí sẽ mất ý nghĩa cạnh tranh.
Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho biết: Quá trình đưa du lịch trở lại vấp phải không ít khó khăn về nguồn nhân lực, vừa thiếu, vừa yếu, doanh nghiệp khó tuyển dụng nhân sự có chất lượng. Phần nhiều họ chuyển sang nghề khác sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19. Rất mong Nhà nước cần có định hướng trong việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực nếu muốn dịch vụ du lịch Việt Nam có chất lượng, cần có con người có năng lực và phục vụ tận tâm. Du lịch Việt Nam nên định vị lại thương hiệu du lịch quốc gia và nhắm tới khách cao cấp khi phục hồi trở lại.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho rằng, để đón khách quốc tế thuận lợi, cần thống nhất các quy định về y tế đối với du khách để các cơ quan liên quan, doanh nghiệp triển khai không bị lúng túng. Nhà nước cần quan tâm, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, về vốn, thuế, điện, nước, phí cấp phép lữ hành… các Bộ, ngành, địa phương cần có chính sách chung, mở cửa lại các hoạt động du lịch, dịch vụ, phòng chống dịch, tạo sự thông thoáng, thống nhất, đồng bộ, thuận lợi cho du khách nước ngoài khi đến Việt Nam. “Bên cạnh đó, công tác truyền thông đang đặt ra bức thiết. Bởi hiện tại, các doanh nghiệp gần như kiệt quệ về tài chính, nên cần sự đồng hành của Nhà nước, các địa phương hỗ trợ ngân sách quảng bá, xúc tiến, đồng thời tập hợp sức mạnh của doanh nghiệp, tạo động lực trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, điểm đến an toàn, hấp dẫn, sẵn sàng đón khách quốc tế”, ông Nghĩa kiến nghị.
Tuấn Hải