Theo đó, tỉnh Nam Định đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1.200 người nghiện được cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; tỷ lệ người được điều trị, cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng có việc làm đạt 70%; nhận thức về dự phòng và điều trị nghiện của cán bộ địa phương và các tầng lớp nhân dân được nâng lên thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và các hoạt động tuyên truyền; các cơ sở cai nghiện tập trung được tổ chức lại theo hướng đa dạng hóa các hình thức điều trị cai nghiện; tạo điều kiện cho người nghiện tiếp cận với nhiều hình thức cai nghiện phù hợp, chất lượng cai nghiện được nâng lên.
Mục đích của kế hoạch là phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác dự phòng và điều trị cai nghiện; giảm dần gia tăng số người nghiện mới hàng năm; nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ điều trị, cai nghiện, hỗ trợ người nghiện hòa nhập cộng đồng; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống kiểm soát ma túy trong tình hình mới.
Tỉnh Nam Định đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tiếp tục tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, nhân rộng mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện tại cộng đồng”, áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người tái nghiện, khi cần thiết sẽ đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc; chuyển đổi, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở điều trị nghiện ma túy; hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện; tăng cường giám sát các hoạt động trên.
Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kiện toàn Tổ công tác cai nghiện; tổ chức cai nghiện, phục hồi cho người nghiện tại gia đình và cộng đồng; Mặt trận tổ quốc các cấp trong tỉnh Nam Định và các tổ chức thành viên sẽ phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức các hoạt động tuyên truyền và giám sát việc thực hiện…
TH