Về công tác quản lý người sau cai, từ đầu năm 2015 đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã áp dụng biện pháp quản lý người sau cai nghiện ma túy có nguy cơ tái nghiện cao tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội tỉnh và quản lý sau cai tại nơi cư trú cho gần 90 người.
Thực hiện đổi mới công tác cai nghiện trên địa bàn, Thái Nguyên đã chuyển đổi 5 mô hình Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội cấp huyện và 1 trung tâm quản lý sau cai nghiện tỉnh sang cơ sở điều trị tự nguyện, lồng ghép điều trị thay thế bằng thuốc Methadone; chuyển đổi mô hình trung tâm Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội tỉnh sang cơ sở điều trị nghiện đa chức năng.
Đối với việc thực hiện Đề án thí điểm mở rộng mô hình thuốc Cedemex, trong 3 năm (2013 - 2015) toàn tỉnh Thái Nguyên đã có trên 500 người tham gia với các biện pháp hỗ trợ là điều trị hội chứng cai (cắt cơn) và điều trị duy trì. Qua kiểm tra, đánh giá 70/171 người uống đủ thuốc Cedemex âm tính chưa sử dụng lại ma túy (chiếm 40,9%), còn lại 50 bệnh nhân chưa được kiểm tra, đánh giá do không ở nơi cư trú. Nhìn chung, Đề án đã đạt được kết quả đáng ghi nhận bởi người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng không phải cách ly môi trường sống, không phải tái hòa nhập cộng đồng và trực tiếp được gia đình, cộng đồng trực tiếp theo dõi, quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ; tâm lý, tinh thần, sức khỏe hồi phục nhanh; người bệnh cơ bản thay đổi được nhận thức, lối sống, hành vi, tích cực lao động sản xuất, tự tin vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng...
Từ năm 2014 đến 2015 có 5/9 huyện, thành, thị triển khai chương trình điều trị Methadone tại 6 cơ sở điều trị, 3 cơ sở cấp phát thuốc với trên 1.950/3.300 số bệnh nhân được điều trị Methadone...
TH