Doanh nghiệp lữ hành outbound Ấn Độ “khóc thét” vì hàng không tung chiêu “vé lẻ rẻ hơn đoàn”…
Sau khi các hãng hàng không mở đường bay thẳng Việt Nam – Ấn Độ thì có một điều thấy rất rõ là trao đổi khách hai chiều có sự tăng trưởng đáng kể. Bên cạnh Vietnam Airlines và Vietjet là hãng hàng không Ấn Độ Indigo cũng đã mở đường bay thẳng từ Ấn Độ tới TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội (từ 2019). Sau 2 năm tạm ngừng vì dịch COVID-19, hiện Indigo đã mở lại đường bay đến Việt Nam, tuyến Kolkata – Hà Nội và Kolkata- TP. Hồ Chí Minh. Do chặng bay này không thuận tiện trong việc kết nối các điểm đến tại Ấn Độ, nên lượng khách đặt vé còn khá ít.
Không bỏ lỡ thời cơ, Vietjet đã rất nhanh chóng mở hàng loạt các đường bay thẳng kết nối các thành phố lớn của hai nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc đến New Delhi, Mumbai, Ahmedabad, Hyderabad, Bangalore; cùng với đó là chương trình ngày vàng khuyến mãi với hàng chục nghìn vé 0 đồng, mở ra nhiều cơ hội cho du khách về với đất Phật.
Dạo qua một số group du lịch Ấn Độ tự túc; du lịch bụi Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan… trên mạng xã hội, có thể thấy “chủ đề” săn vé rẻ được bàn thảo cực kỳ rôm rả. Từ làm thế nào để có được vé rẻ đi Ấn, đến đi ra sao tiết kiệm chi phí nhất và cả những “kinh nghiệm” giả làm khách đến các doanh nghiệp lữ hành chuyên tour Ấn Độ “tham khảo tour” để được tư vấn chu đáo, tận tình, và điểm mấu chốt là có luôn chương trình chi tiết cực kỳ cụ thể, “miễn phí hoàn toàn”…
Bà Bùi Chinh, Phó Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Lantours cho hay, gần đây, rất nhiều khách liên hệ với công ty hỏi về chương trình đi Ấn. “Công ty lữ hành không thể không tư vấn khi khách quan tâm tới các tour đang bán, việc này mất rất nhiều thời gian bởi phải giải đáp cặn kẽ mọi vấn đề điểm đến, visa, di chuyển, lưu trú, ăn uống…, thế nhưng sau đó khách ‘bặt vô âm tín’ và điều đáng nói là những thông tin này sau đó lại xuất hiện chễm trệ trên nhiều diễn đàn phượt, theo kiểu người đã từng trải nghiệm viết ra…”, bà Chinh cho hay.
Là đơn vị tiên phong tour Ấn Độ từ cách đây hơn 10 năm, bà Bùi Tuyết Lan, Giám đốc Lantours cho hay, chưa bao giờ việc tổ chức tour trọn gói cho khách đi Ấn Độ lại khó khăn như hiện tại.
Bà Lan cho biết, muốn lấy seri booking để tổ chức đoàn không hề đơn giản, mỗi tháng đơn vị phải đảm bảo ít nhất 2 đoàn; chẳng hạn với Vietjet, giá vé Hà Nội – Dehli rơi vào khoảng 5,6 triệu/khách, gồm 20kg hành lý ký gửi, không bao gồm ăn; trong khi đó khách lẻ mua online chỉ khoảng 3,5 - 4 triệu/vé, sự chênh lệch đáng kể về giá vé lẻ và vé đoàn khiến các công ty lữ hành hết sức khó khăn bởi không thể bán được.
“Có thời điểm giá vé khứ hồi Vietnam Airlines chặng Hà Nội – Dehli chỉ 7,5 triệu cho… 02 khách, trong khi vé đoàn là 6,2 triệu/khách; ngay cả các doanh nghiệp lữ hành cũng ngã ngửa vì giá vé”, bà Lan bày tỏ.
“Hàng không bán vé cho công ty du lịch thì yêu cầu các điều khoản rất chặt chẽ, phải đặt cọc, rồi mỗi một chuyến bay phải đảm bảo 20 vé, trong khi đó giá cao hơn hẳn so với bán lẻ, như vậy không một đơn vị lữ hành nào làm nổi”, bà Lan cho biết thêm.
Cũng theo CEO Lantours, tại một sự kiện rất lớn của Ấn Độ (diễn ra trong tháng 6/2022) đã thu hút khoảng gần 2.000 du khách Việt Nam tham dự, nhưng hoàn toàn du khách tự đi mà không qua bất cứ một doanh nghiệp lữ hành nào. Điều này đồng nghĩa với việc hãng bay bán vé giá rẻ thành công bao nhiêu thì các doanh nghiệp lữ hành khó khăn bấy nhiêu.
Đại diện một doanh nghiệp lữ hành outbound khác cho biết, sắp tới sẽ tìm hướng đàm phán với hãng hàng không Indigo để có chính sách tốt hơn. “Chắc chắn giá của hãng này sẽ cạnh tranh, bởi bản thân Indigo là hàng không giá rẻ, thứ 2 nữa là hãng khai th��c lượng khách từ thị trường Ấn Độ tới Việt Nam rất mạnh, điểm nữa là tàu bay mới hơn, có hành lý ký gửi đồng thời bao gồm cả ăn cho hành khách”, vị này cho hay.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc tổ chức tour trọn gói cho du khách từ Việt Nam sang Ấn Độ bởi chính sách giá vé của hàng không, các doanh nghiệp còn chịu áp lực cạnh tranh rất mạnh từ các chùa, các đạo tràng. Vốn không hề có chức năng tổ chức tour du lịch, nhưng với danh nghĩa nhà chùa tổ chức đoàn cho các tăng ni, phật tử đi học tập, nên hầu hết các chương trình đi không gặp trở ngại gì từ phía cơ quan quản lý, bởi chẳng ai gây khó dễ cho những người đi “gieo duyên cho phật tử”. Hơn nữa, hiện Ấn Độ cấp e-visa, nên du khách thuận tiện hơn rất nhiều, ai cũng có thể đi được khi đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết. Một doanh nghiệp lữ hành outbound Ấn Độ cho hay, Hà Nội – Dehli khứ hồi là hành trình phổ biến của các chùa tự tổ chức đi, do không nắm được khoảng cách các điểm du lịch tại Ấn nên đây là hành trình cực kỳ vất vả, bởi từ Dehli đến sông Hằng khoảng 800km, di chuyển bằng ô tô hoặc tàu hỏa, mà tàu hỏa Ấn Độ là một sự khủng khiếp khó bút nào tả xiết… Để tiết kiệm chi phí, khách sạn các chùa chọn thường là những nơi xa xôi hẻo lánh, ở ghép 4-7 người/phòng, thậm chí 10 người/phòng, rồi tự đi chợ, tự nấu ăn, nhiều đệ tử mệt phờ, lả đi vì đói vì mệt. Theo CEO Lantours, khoảng cách giữa các thánh tích phật giáo ở Ấn Độ thường rất xa nhau, trung bình từ khoảng 300 – 500 km, thời gian di chuyển từ điểm nọ tới điểm kia mất cả ngày, nên nếu không có sự khảo sát, tính toán mà tự tổ chức đi thì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Với hành trình do Lantours tổ chức, bao giờ cũng hạ cánh ở Varanasi (Vườn Lộc Uyển - Đệ nhị trong tứ đại động tâm - nơi đức Phật chuyển pháp luân), 5h00 sáng hôm sau dậy đi chiêm ngưỡng bình minh sông Hằng, sau đó di chuyển sang Đệ nhất động tâm là Bồ Đề Đạo Tràng nơi đức Phật thành đạo Bohdgaya (400km), đi từ khoảng 7h30 sáng đến hơn 14h00 chiều mới đến nơi. Từ Bồ Đề Đạo Tràng đến đệ tam thánh tích Câu Thi Na (nơi đức Phật nhập niết bàn Kushinaga) là 500km, rồi từ Câu Thi Na đến đệ tam thánh tích Lâm Tỳ Ni - nơi đức Phật đản sinh – Lumbini (biên giới Ấn Độ - Nepal) khoảng 500km, từ Lâm Tỳ Ni đến Tỳ Viên tịnh xá (nơi đức Phật an cư kiết hạ) phải đi quãng đường 400km nữa, rồi từ đó mới bay về Dehli, rồi từ Dehli mới đi thăm kỳ quan TajMahal và bay về Việt Nam. “Lịch trình này được tính toán sau rất nhiều chuyến khảo sát thực tế và các chương trình Lantours tổ chức trong 10 năm qua, tiết kiệm thời gian nhất, giảm chi phí, bay chặng nội địa giảm đáng kể thời gian di chuyển bằng ô tô, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho du khách”, bà Lan chia sẻ. “Hành trình đi Ấn cực vất vả, nếu ăn uống, nghỉ ngơi không đảm bảo thì không thể nào đi được, thậm chí sau này hễ nghe đến Ấn Độ là sang chấn tâm lý bởi những ám ảnh kinh hoàng. Trong điều kiện đường sá tốt, sau quãng đường di chuyển 500km cũng đã rất mệt, cần được nghỉ ngơi dưỡng sức, chưa nói đến đường rất xấu, xe kém chất lượng…”, CEO Lantours chia sẻ thêm. |
Viễn Nguyệt