Tại hội thảo xin ý kiến đối với dự thảo nội dung hướng dẫn về thực thi, giám sát, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá sáng 28/7/2022 của Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế Trần Thị Trang cho biết: ngay sau khi Luật PCTHTL có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cũng được đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức khác nhau như tổ chức tập huấn...
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật PCTHTL, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản chỉ đạo điều hành khác, đặc biệt là Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành, các hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên địa bàn cả nước về cơ bản đã được Nhà nước quản lý, kiểm soát phù hợp...
Tuy nhiên, hoạt động PCTHTL vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định như hoạt động của nhiều Ban chỉ đạo PCTHTL còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, nhiều địa phương chưa phát huy được vai trò của Ban chỉ đạo, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị là thành viên của Ban chỉ đạo nên hiệu quả chưa cao.
Một số Bộ, ban, ngành địa phương thiếu nguồn lực và điều kiện thực hiện, chưa có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đặc thù cho một số đối tượng dễ bị tác động, ảnh hưởng của thuốc lá.
Việc thực hiện các quy định của Luật PCTH thuốc lá và các văn bản hướng dẫn còn gặp nhiều hạn chế. Ý thức tuân thủ các quy định cấm hút thuốc lá của nhiều người dân còn hạn chế...
Tại hội thảo, ThS. Phạm Ngọc Thắng, Trưởng phòng Theo dõi thi hành pháp luật, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp nêu: Vụ pháp chế Bộ Y tế có vai trò là đầu mối, giúp Bộ Y tế thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật của Bộ, trong đó có lĩnh vực phòng chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy và đội ngủ công chức làm công tác pháp chế trong ngành y tế còn mỏng, các quy định tại Nghị định còn chậm triển khai.
Đồng thời, ông Thắng nhấn mạnh: “Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Y tế, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế gồm có 15 người, trong đó bố trí 1 chuyên viên kiêm nhiệm làm công tác theo dõi thi hành pháp luật. Nhiều Sở Y tế chưa thành lập Phòng pháp chế hoặc chỉ bố trí 1 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác pháp chế nói chung và công tác theo dõi thi hành pháp luật nói riêng, đa số là không học Luật dẫn dến việc triển khai, thực thi các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương còn chưa chính xác, thống nhất”.
PV