Ông Từ Quý Thành - Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang (Liên Bang Travel): “Hộ chiếu vaccine sẽ là ‘cú hích’ đối với du lịch…”
Nhiều quốc gia đang kỳ vọng vào “hộ chiếu vaccine” nhằm tạo “cú hích” cho việc nối lại các hoạt động giao thương, kinh tế, trong đó có du lịch… đã ngưng trệ thời gian dài vì đại dịch Covid-19.
Đối với Việt Nam, tôi cho rằng “hộ chiếu vaccine” cần được triển khai càng sớm càng tốt để phá vỡ “tảng băng” Covid-19 đã “chắn đường” giao thương quốc tế suốt 16 tháng qua.
Chúng tôi - các DN lữ hành quốc tế inbound, outbound - đang rất trông đợi động thái mở cửa du lịch quốc tế của Chính phủ, của ngành Du lịch. Với bước đi thận trọng, việc xây dựng lộ trình cho mở cửa du lịch quốc tế cần chi tiết, rõ ràng nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, cộng đồng địa phương, cũng như các hãng vận chuyển, các doanh nghiệp lữ hành đón khách và đội ngũ những người phục vụ.
Vấn đề chúng tôi băn khoăn đối với “hộ chiếu vaccine” là, nếu du khách đã tiêm chủng vaccine và có hộ chiếu này thì khi vào Việt Nam có phải cách ly hay không? nếu vẫn áp dụng thời hạn cách ly 14 ngày như những trường hợp nhập cảnh trước đây (chưa được tiêm chủng vaccine) thì “hộ chiếu vaccine” sẽ không mấy ý nghĩa, và gây trở ngại trong việc đón khách.
Chúng ta có thể chọn vùng đáp ứng tiêu chí “cách ly mà như không cách ly”, đó là các khu nghỉ dưỡng, resort biệt lập, xa khu vực dân cư. Việt Nam có rất nhiều nơi, nhiều địa điểm thích hợp, chẳng hạn khu vực miền Bắc có các resort gần vịnh Lan Hạ (Cát Bà, Hải Phòng), nơi có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, gây ấn tượng mạnh với du khách và chắc chắn sẽ không gây tâm lý gò bó do sự giới hạn phạm vi di chuyển. Nếu sử dụng đón khách tại khu vực này, có thể áp dụng hạn chế ra vào đối với cư dân hoặc du khách nội địa để đảm bảo an toàn; trong trường hợp (có thể) phát sinh sự cố, cũng rất dễ dàng ngăn chặn, xử lý.
Đối với địa phương, những nơi được chọn thí điểm đón khách quốc tế bằng “hộ chiếu vaccine”, cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, thiết bị, phương tiện sẵn sàng trong mọi tình huống. Đối với người dân địa phương, bên cạnh công tác tập huấn các kiến thức cần thiết, nên tạo điều kiện để họ tham gia phục vụ khách, tạo nguồn thu nhập … cũng là việc cần tính toán cụ thể.
Về mô hình phục vụ khách trên du thuyền một số nước đang áp dụng, tôi cho rằng Việt Nam chưa có những du thuyền sức chứa lớn, mà chỉ có du thuyền cỡ nhỏ phục vụ khách và nghỉ đêm trên vịnh (Lan Hạ, Hạ Long), tuy nhiên vẫn có thể làm theo cách này với sự tham gia của nhiều du thuyền, ở những khu vực thích hợp...
Về việc lựa chọn các DN thí điểm đón khách cũng cần nghiên cứu kỹ để các DN lữ hành có thế mạnh ở những thị trường được chọn thí điểm có thể phát huy năng lực, sở trường, ví dụ như thị trường Hàn Quốc thì đơn vị lữ hành nào làm tốt, đơn vị nào chuyên charter… để đem lại kết quả tốt nhất, tạo hiệu ứng cho việc mở cửa tiếp theo…
Ông Đỗ Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch TYPIC Việt: “Nếu chần chừ, không tận dụng cơ hội sẽ mất tiếp một mùa du lịch nữa…”
“Hộ chiếu vaccine” là một ý tưởng tốt, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay triển khai được càng sớm càng tốt bởi lợi thế về nhiều mặt. Đặc biệt là nâng cao vị thế đất nước, hình ảnh quốc gia; với sự nỗ lực của nhà nước, ý thức của người dân, chúng ta đã làm rất tốt công tác kiểm soát, khống chế dịch. Nhiều người dân, du khách trên thế giới rất muốn trải nghiệm, tìm hiểu đất nước Việt Nam để khám phá “điều gì đã tạo cho Việt Nam một sự thần kỳ như thế trong bối cảnh dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp”…
Hiện nhiều quốc gia đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế đi bằng “hộ chiếu vaccine”, ngay gần Việt Nam là Thái Lan mở cửa vào tháng 7 tới. Quan điểm đảm bảo an toàn là số 1 là chủ trương rất đúng của Nhà nước, các DN lữ hành inbound, outbound mặc dù rất nóng lòng đối với động thái mở cửa du lịch quốc tế trở lại, nhưng cũng phải ghi nhận đây là bước đi rất cẩn trọng, nhằm thực hiện phòng chống dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế.
Do đó, tôi cho rằng việc mở cửa du lịch quốc tế không nên theo trào lưu, hay mô hình đón khách nào, mà phải phù hợp với điều kiện thực tế.
Về thí điểm đón khách “hộ chiếu vaccine”, theo tôi vẫn cần thời gian cách ly nhưng rút ngắn; chọn những nơi tương đối biệt lập, như những resort, khu nghỉ dưỡng đẹp, tiện nghi, đẳng cấp làm nơi cách ly đồng thời là khu nghỉ dưỡng của du khách; du khách sẽ không ra khỏi phạm vi quy định. Có thể thiết kế nhiều “sản phẩm” để du khách thư giãn, vui chơi giải trí… Chúng tôi tin rằng, DN với năng lực – kinh nghiệm của mình - sẽ làm tốt khâu này.
Chúng ta cần làm ngay vì nếu chần chừ sẽ mất tiếp một mùa du lịch nữa. Như vậy, sẽ đi sau các nước và không lan tỏa được hiệu ứng tốt. Qua trao đổi với các đối tác, chúng tôi thấy hiện du khách quốc tế đặc biệt ngưỡng mộ Việt Nam trong công tác phòng chống, kiểm soát, khống chế dịch bệnh và muốn “thực mục sở thị” để chứng kiến, trải nghiệm một Việt Nam thần kỳ như thế nào? Nếu chúng ta vẫn “đóng cửa” thì du khách sẽ chọn nước khác, do vậy hiệu ứng tích cực sẽ không được lan tỏa.
Trong bối cảnh dịch bệnh ở nhiều nơi trên thế giới diễn biến phức tạp, thì Việt Nam – với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, ý thức của người dân – không những khống chế tốt dịch bệnh, mà kinh tế cũng có sự tăng trưởng nhất định, du lịch nội địa chuyển động mạnh mẽ qua các đợt kích cầu, tạo bước đà quan trọng sẵn sàng cho du lịch quốc tế mở cửa trở lại. Cần tận dụng thời cơ này.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nói “trong nguy có cơ”, ở góc độ DN, chúng tôi cho rằng “cơ” chính là “cơ hội” - cần tận dụng để lan tỏa hơn hình ảnh Việt Nam trên toàn cầu. Đây là thời điểm “maketing” tạo hiệu ứng cực mạnh.
Ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Mr Linh’s Adventures: “hộ chiếu vaccine” thắp lên hy vọng mới cho du lịch…
Chúng tôi rất trông đợi việc Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế trở lại. Việc thí điểm đón khách cần ưu tiên những quốc gia an toàn, nhất là những nước đã triển khai tiêm vaccine, sử dụng “hộ chiếu vaccine” sẽ thắp lên hy vọng mới cho du lịch.
Hiện nay Việt Nam có hình ảnh rất sáng về công tác phòng chống dịch, việc Việt Nam giữ được an toàn trong bối cảnh dịch diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ và người dân. Có thể nói đây là lợi thế trong quảng bá, lan tỏa hình ảnh quốc gia…Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, theo sự nhìn nhận, quan sát của chúng tôi, dường như chúng ta hơi chậm một chút trong việc tận dụng cơ hội để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.
Tôi cho rằng, nhiều quốc gia an toàn như New Zealand, Úc…, hay Nhật Bản, tình hình kiểm soát dịch bệnh rất tốt, lượng khách có thể không đông, nhưng mức độ chi tiêu cao, lưu trú khá dài ngày, do đó nên tập trung vào thị trường này…
Viễn Nguyệt (thực hiện)