Khai thác giá trị văn hóa ẩm thực để phát triển du lịch
Ẩm thực Quảng Ninh phong phú, đa dạng với đủ các món ăn trên rừng, dưới biển. Sự sáng tạo, lối sống phù hợp với điều kiện tự nhiên đã tạo cho ẩm thực Quảng Ninh có nét đặc trưng và mang bản sắc vùng miền. Những người dân có cuộc sống gắn liền với biển thì phần lớn các món ăn sẽ được chế biến từ hải sản. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có cách chế biến khác nhau tuy cùng một nguyên vật liệu. Ví dụ ở Quan Lạn, sá sùng chủ yếu được phơi khô trước khi chế biến nhưng đến với Tp. Móng Cái, ai cũng biết món sá sùng tươi tẩm bột chiên xù… Nói đến mực khô, người ta nghĩ ngay đến mực đảo Quan Lạn, mực đảo Cô Tô nhưng đến Hạ Long, nhất định phải ăn xôi chả mực, bún hải sản, bún cù kỳ…
Khu vực Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên là những địa phương miền núi cao, đồng bào nơi đây đã tạo ra nét ẩm thực riêng gắn liền với thiên nhiên. Đó là các món ăn được chế biến từ sản vật của sông suối như: cá suối cuốn lá lốt, ốc khe nấu bỗng; những món ăn khai thác từ rừng như chả lá lốt trứng kiến, trứng kiến xào ăn với xôi, canh rau ngót rừng của người dân tộc Tày, Sán Chỉ... Ngoài ra, còn có rượu ngô, rượu khoai, rượu men lá, rượu sim, rượu ba kích tím (Ba Chẽ, Tiên Yên) làm ngất ngây du khách.
Nói đến ẩm thực Quảng Ninh, không thể không nhắc tới các món được chế biến từ ngũ cốc, đặc biệt là các món bánh của các dân tộc như bánh gio Quảng Yên; bánh lá ngải các vùng Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái; bánh tài lồng ệp của người Sán Dìu; bánh dày, bánh chưng gù dân tộc Tày, Sán Chỉ…
Trong những năm qua, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước đã tập trung chỉ đạo xây dựng các thương hiệu ẩm thực truyền thống, đặc trưng của địa phương gắn với chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Đề án này đã được hưởng ứng mạnh mẽ với sự tham gia của cộng đồng dân cư, các cơ quan quản lý, chính quyền, qua đó mang lại hiệu quả cao. Cho đến nay, Quảng Ninh có nhiều sản phẩm được du khách yêu thích, đặc biệt là các sản phẩm thuộc nhóm ẩm thực như nếp cái hoa vàng Đông Triều, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực ống Cô Tô, chả mực Hạ Long, miến dong Bình Liêu, rượu ba kích, trà hoa vàng Ba Chẽ… Quảng Ninh còn còn triển khai nhiều hoạt động, sự kiện để khai thác giá trị ẩm thực như Hội chợ ẩm thực Quảng Ninh mở rộng, Tuần lễ ẩm thực, Tọa đàm, hội thảo, Cuộc thi đầu bếp giỏi… nhằm quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa ẩm thực, thu hút sự tham gia của khách du lịch, giúp khách có nhiều thời gian trải nghiệm, tìm hiểu và chi tiêu nhiều hơn .
Tuy nhiên, ẩm thực Quảng Ninh chưa thực sự phát huy được giá trị để hấp dẫn du khách. Một số sản phẩm đã được các doanh nghiệp đưa vào phục vụ nhưng cách chế biến chưa mang đặc trưng, sắc thái riêng của Quảng Ninh. Các doanh nghiệp du lịch chưa thấy rõ được tầm quan trọng của giá trị văn hóa ẩm thực với tư cách là một loại hình du lịch để thiết kế tour ẩm thực riêng. Mặt khác, hầu hết các món ăn đều được chế biến và sản xuất theo quy mô nhỏ, hộ gia đình; việc khai thác hải sản phụ thuộc trực tiếp vào điều kiện tự nhiên như thời tiết, mùa vụ; nhận thức về việc xây dựng ẩm thực trở thành một sản phẩm du lịch còn hạn chế; chưa thực sự coi việc chế biến, trang trí, giới thiệu v�� ẩm thực là một nghệ thuật nên hình thức món ăn chưa thực sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
Những việc cần làm
Để bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa ẩm thực như một loại hình du lịch tại tỉnh Quảng Ninh, thiết nghĩ cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Tuyên truyền và thống nhất nhận thức nhận diện văn hóa ẩm thực giống như các loại hình du lịch tại Quảng Ninh để giúp cho tài nguyên văn hóa ẩm thực tại Quảng Ninh được đầu tư và triển khai một cách có hệ thống bài bản.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm ẩm thực Quảng Ninh thông qua việc thường xuyên tham dự các hội chợ triển lãm, liên hoan ẩm thực trong nước và quốc tế; xây dựng những trang website giới thiệu về ẩm thực các vùng, miền… trên địa bàn tỉnh để giới thiệu sâu rộng tới du khách.
Tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, chế biến, đảm bảo nguyên liệu đầu vào đạt mức độ tối ưu nhất về chất lượng, mẫu mã bao bì nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của các thị trường.
Quan tâm, bảo tồn những nét ẩm thực truyền thống gắn với nguồn nguyên liệu địa phương, gắn với các thông điệp, ý nghĩa, tác dụng của mỗi món ăn; nguồn gốc, phong tục tập quán; sự cầu kỳ, nét tinh tế thể hiện trong sự kết hợp các nguyên liệu; các câu chuyện lý thú về món ăn gắn với bản sắc văn hóa, đời sống sinh hoạt của cư dân địa phương.
Kết hợp khai thác ẩm thực địa phương trong xây dựng các chương trình tour, chú trọng nội dung giới thiệu các món ẩm thực trong các bài thuyết minh. Khuyến khích các khách sạn, nhà hàng bổ sung các món ăn, đồ uống đặc trưng của Quảng Ninh trong bảng thực đơn.
Nâng cao tay nghề để đội ngũ đầu bếp, đảm bảo đa dạng phương pháp chế biến món ăn; đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại điểm được tập huấn nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực hông qua việc giới thiệu nguồn gốc xuất xứ món ăn, nguyên liệu, cách chế biến, thưởng thức theo phong cách của người Quảng Ninh…
Xây dựng một số chương trình du lịch ẩm thực cho phép du khách tham gia trải nghiệm quá trình chế biến món ăn trong một không gian riêng biệt để du khách trực tiếp tự tay chế biến ra món ăn và thưởng thức ngay tại chỗ hoặc mang về làm quà cho người thân, bạn bè.
Tăng cường tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề về ẩm thực; tổ chức các hội thi tay nghề nghiệp vụ du lịch như hội thi đầu bếp, bartender; hội nghị kết nối thực phẩm an toàn phục vụ khách du lịch… để tăng cường kết nối thông tin, giới thiệu các địa chỉ cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP với các doanh nghiệp du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch ủng hộ sử dụng, quảng bá sản phẩm OCOP Quảng Ninh.
Việc khai thác giá trị văn hóa ẩm thực với tư cách là một loại hình du lịch sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm, loại hình du lịch, gia tăng giá trị của sản vật địa phương và nâng cao vị thế của Du lịch Quảng Ninh trong lương lai.
Tài liệu tham khảo
1. Phan Văn Hoàn (2006), Bước đầu tìm hiểu văn hoá ẩm thực Việt Nam, NXB KHXH Hà Nội.
2. Vũ Ngọc Khánh (2002), Văn hoá ẩm thực việt Nam, NXB Lao động.
3. Mạc Thị Mận (2012), Một số giải pháp phát huy văn hóa ẩm thực Quảng Ninh nhằm phát triển du lịch, luận văn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội…
TS. Vũ Văn Viện
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 8/2021)