Tàu Trung Quốc phun vòi rồng, tàu Việt Nam đáp trả
Trung Quốc tăng số lượng tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981. Trong thế cài răng lược, tàu Trung Quốc liên tục bao vây và tấn công tàu Việt Nam.
Sáng 12/5/2014, Trung Quốc đã điều hàng chục tàu hải giám, hải cảnh và các tàu cá bán vũ trang bao vây tàu của Việt Nam khi phát hiện tàu kiểm ngư cùng các tàu khác tiến vào giàn khoan Hải Dương-981. Các tàu Trung Quốc đã lao thẳng vào tàu kiểm ngư của Việt Nam rồi bất ngờ dùng súng nước tấn công tàu 9226. Tiếp đó, 5 tàu hải giám và hải cảnh tiến về hai bên hông, áp sát hai mạn tàu 9226 để xịt vòi rồng áp lực mạnh vào các vị trí là ống khói, ca bin, cột ăngten nhằm cắt đứt hệ thống thông tin liên lạc của tàu Việt Nam.
Thuyền trưởng Cao Duy của tàu 9226 quyết định sử dụng súng bắn nước và xịt vòi rồng đáp trả hành động của tàu Trung Quốc. Cuộc đối đầu diễn ra hơn một tiếng từ 7h30, đến khoảng 9h45 thì tàu Trung Quốc rút. Tàu 9226 bị thiệt hại một phao bè, một ăngten Vinasat bị thổi xuống biển, một loa tuyên truyền bị hỏng.
Trước đó, phía Trung Quốc đã nhiều lần có hành vi hung hăng ngăn cản tàu Việt Nam làm nhiệm vụ; dùng vòi rồng tấn công các tàu kiểm ngư của Việt Nam, làm hư hỏng tàu và bị thương một số kiểm ngư viên của Việt Nam.
Những ngày qua, Trung Quốc thường xuyên tăng cường số lượng tàu và các máy bay để bảo vệ khu vực đặt giàn khoan.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam (Bộ Ngoại giao cung cấp)
TP. Hồ Chí Minh triệu Tổng lãnh sự Trung Quốc để phản đối vụ giàn khoan
Ngày 12/5/2014, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh đã triệu Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh Sài Văn Duệ để phản đối việc đặt giàn khoan trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại vào vùng biển Việt Nam là hành động bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế. Đồng thời, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc làm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, làm tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam, trong đó có nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp, cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo đúng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, không để vấn đề này tổn hại đến sự tin cậy chính trị và hợp tác giữa hai bên.
Nhiều tầng lớp nhân dân TP. Hồ Chí Minh rất bất bình và bày tỏ sự phản đối với việc Trung Quốc xâm phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan cùng các tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Nhân dân thành phố cũng ủng hộ chủ trương của Chính phủ giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông
Nhằm khích lệ và tiếp thêm sức mạnh cho các lực lượng đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên biển, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài đã tổ chức nhiều phong trào chung tay bảo vệ biển đảo. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ngày 12/5/2014, đã tổ chức trao tặng số tiền 1 tỷ đồng ủng hộ các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam và Kiểm ngư Việt Nam, mỗi đơn vị 500 triệu đồng. Cùng ngày, tại TP.Vũng Tàu, Cảnh sát Biển Việt Nam đã tổ chức nhận bàn giao xuồng cao tốc trị giá 12 tỷ đồng, do Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí tài trợ.
Công ty Vinamilk cũng đã tổ chức ủng hộ 1 tỷ đồng cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Số tiền này do cán bộ công nhân viên toàn Công ty Vinamilk đóng góp một ngày lương, sau khi nghe tin tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng.
Bên cạnh các doanh nghiệp, một số cơ quan báo đài cũng đã tổ chức nhận quyên góp tiền từ các độc giả gửi tới các cán bộ, chiến sỹ đang phục vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trưởng Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại miền Bắc mới đây đã thay mặt báo trao tặng 1,4 tỷ đồng là số tiền bạn đọc ủng hộ (đợt 1) cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Biểu thị lòng yêu nước một cách tỉnh táo
Sáng 13/5, hàng ngàn công nhân ở tỉnh Bình Dương đã tuần hành và hô khẩu hiệu phản đối việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Lúc đầu buổi diễu hành diễn ra trong ôn hòa, tuy nhiên nhiều người có dấu hiệu quá khích đã kích động, phá cổng các doanh nghiệp đột nhập vào bên trong, yêu cầu chủ doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc và lôi kéo số người này tham gia cổ vũ lực lượng.
Một số kẻ lợi dụng đám đông, kích động công nhân đập phá cổng, tường rào và tài sản của doanh nghiệp, gây hỗn loạn. Thậm chí có kẻ lợi dụng tình hình rối loạn để cướp tài sản, đốt nhà xưởng, hành hung các bảo vệ và chuyên gia.
Theo báo cáo sơ bộ của UBND tỉnh Bình Dương, đã có hàng trăm công ty bị đột nhập và phá hoại tài sản, đa số là các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó có 15 doanh nghiệp bị đốt nhà xưởng, thiệt hại nhiều tỷ đồng, dẫn đến nguy cơ hàng trăm công nhân mất việc làm.
Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kêu gọi người dân bày tỏ lòng yêu nước một cách sáng suốt, kiềm chế, tuyệt đối không nghe sự xúi giục, kích động của kẻ xấu dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo môi trường đầu tư ổn định tại địa phương.
Thêm bằng chứng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
Ngày 13/5/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ tiếp nhận và công bố bộ Atlas bản đồ thế giới của Philipe Vandemaelen xuất bản năm 1827, trong đó có tấm bản đồ Partie de la Cochinechine có giá trị quan trọng khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo tài liệu, năm 1827 Philipe Vandermaelen (1795 - 1869), nhà địa lý học kiệt xuất, thành viên Hội Địa lý Paris đã cho xuất bản bộ Atlas thế giới gồm 6 tập với 7 bản đồ chung của 5 châu lục, 381 bản đồ chi tiết, 40 trang thống kê và nhiều thông tin về địa lý, tự nhiên, chính trị, khoảng sản.
Bản đồ các nước châu Á gồm 111 tấm, được xếp chủ yếu trong tập 2 của bộ Atlas. Việt Nam khi đó được giới thiệu thông qua các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110. Tấm bản đồ mang tên Partie de la Cochinchine là tờ số 106, vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16. Phía ngoài khơi, quần đảo Paracels (Hoàng Sa) được vẽ khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng vĩ độ từ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111.
Nối tiếp tấm bản đồ Partie de la Conchinchine ở phía trên là tấm số 89 mang tên Parite de la Chine trong khoảng vĩ độ 18 đến 21 và kinh độ 106 đến 114 vẽ khu vực Quảng Đông và Hải Nam, cho biết biên giới cực Nam của Trung Quốc chưa đến vĩ độ 18. Tất cả các bản đồ của Trung Quốc từ thập kỷ đầu thế kỷ 20 trở về trước cũng hoàn toàn thống nhất với bản đồ phương Tây ở chỗ không hề vẽ lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc vượt xuống dưới vĩ độ 18.
|
PV