Chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa
Các văn bản, tài liệu do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đây là tài liệu đã được công bố tại các cuộc triển lãm về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Lê Quý Đôn viết về Hoàng Sa dưới thời Chúa Nguyễn trong “Phủ biên tạp lục” biên soạn năm 1776, như sau: “Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi giáp liền với biển. Ở vùng biển xa về phía Đông Bắc có nhiều đảo núi, các núi lẻ tẻ kế tiếp nhau nhiều đến hơn 130 ngọn. Giữa các ngọn núi là biển, đảo núi xa cách nhau hoặc là đi một ngày đường hoặc là đi hết mấy canh giờ. Trên núi có suối nước ngọt, trong các đảo có bãi Cát Vàng dài khoảng hơn 30 dặm, rộng lớn bằng phẳng, nước trong vắt nhìn tận đáy…”.
Về hoạt động của Đội Hoàng Sa dưới thời Chúa Nguyễn cũng được Lê Quý Đôn ghi chép chi tiết trong Phủ biên tạp lục. “Trước đây, họ Nguyễn lập ra đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh sung vào. Mỗi năm luân phiên tổ chức đi ra biển, cứ vào tháng Ba nhận lệnh chịu sai dịch, mang theo sáu tháng lương thực đủ dùng”.
Dưới triều Nguyễn (1802 - 1945), sách “Đại Nam thực lục chính biên”, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn năm 1836 viết về Hoàng Sa và hoạt động khai phá, xác lập chủ quyền như sau: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hàng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chọn phái biền binh thủy quân và vệ Giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng Hai thì đến Quảng Ngãi, yêu cầu hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thuê bốn chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa”.
Sách “Đại Nam thực lục chính biên” cũng ghi rất rõ cách đo đạc, vẽ bản đồ tại quần đảo Hoàng Sa như sau: “Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xem xét xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ”…
Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý quốc tế khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo này; là quốc gia duy nhất đã chiếm hữu, quản lý 2 quần đảo một cách liên tục, hòa bình và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Các văn bản, tài liệu do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, đã khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
![](/FileManager//uploads/images/bieutinh1.jpg)
Hãng tin AP chụp hình người biểu tình phản đối trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh
Việt Nam lên án hành động gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông
Ngày 11/5/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn lên án hành động gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông tại phiên họp toàn thể của các nhà lãnh đạo ASEAN. Trong bài phát biểu, Thủ tướng thông báo về việc Trung Quốc từ ngày 1/5 đã “ngang nhiên” đưa giàn khoan vào thềm lục địa và “rất hung hăng” bắn vòi rồng có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Thủ tướng khẳng định “hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.”
Việt Nam đã dùng mọi kênh đối thoại để liên lạc với các cấp của Trung Quốc để “phản đối và yêu cầu” Trung Quốc rút giàn khoan và tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam nhưng đến nay “Trung Quốc không những không đáp ứng mà còn tiếp tục gia tăng các hành động vi phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, công ước liên hiệp quốc về luật biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe doạ trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra lời khẩn thiết kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.
Trong mấy ngày qua, cộng đồng người Việt tại nhiều nước trên thế giới đã tiến hành biểu tình phản đối Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 vào sâu trong lãnh hải Việt Nam. Các hãng truyền thông quốc tế cũng đồng loạt đưa tin về các cuộc tuần hành tại Việt Nam để phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
![](/FileManager//uploads/images/120514tau.jpg)
Rất nhiều tàu lớn của Trung Quốc tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981). (Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam)
Người Việt khắp nơi trên thế giới biểu tình chống Trung Quốc
Đài NHK của Nhật Bản đưa tin, ngày 11/5 tại Tokyo, khoảng 300 người Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc vì những căng thẳng gần đây giữa hai nước ở Biển Đông. Họ tập trung tại một công viên gần Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo. Trước khi bắt đầu biểu tình, đại diện nhóm đã đến trước cơ quan này để đọc Kháng nghị thư. Sau đó, những người biểu tình trong trang phục in hình quốc kỳ Việt Nam tuần hành trên đường phố. Họ giương biểu ngữ và hô khẩu hiệu bằng cả 3 thứ tiếng Việt - Nhật - Anh với các nội dung "Trung Quốc không được xâm phạm chủ quyền của Việt Nam", hay "Trung Quốc, hãy hành xử như một nước lớn".
Cùng ngày tại Cộng hòa Séc, hàng trăm người Việt đã biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Praha hô to khẩu hiệu đả kích Trung Quốc xâm lấn Việt Nam.
Cũng trong ngày 11/5, người Việt tại CHLB Đức cũng xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc từ 14h đến 17h00 tại Quảng trường Potsdamerplatz, Berlin. Theo phản ánh của truyền thông địa phương, đã có khoảng 800 người Việt và thậm chí có cả những người địa phương có quan hệ với kiều bào ta ở Đức, đã tham gia vào cuộc biểu tình này với khẩu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam!”, “Trường Sa. Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Trước đó, trên website riêng của hội Liên hiệp người Việt tại Liên Bang Đức, Ban Điều hành biểu tình đã cho thông báo lời kêu gọi xuống đường với nội dung: “… Ban Điều hành biểu tình kêu gọi toàn thể bà con người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại CHLB Đức, các hội đồng hương, các đoàn thể xã hội, các tổ chức tôn giáo, không phân biệt hoàn cảnh xuất xứ, già trẻ, gái trai nếu có lòng yêu nước Việt Nam và tự nguyện cùng tham gia cuộc biểu tình”.
Trước đó ngày 8/5, sau khi báo chí Việt Nam thông tin về vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra thăm dò dầu khí tại lãnh hải Việt Nam và tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam, cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã vô cùng phẫn nộ. Một cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc gây hấn đã được tổ chức ngay tại Berlin ngày hôm đó. Ước tính khoảng 1.000 người đã tham dự sự kiện này.
Còn tại Mỹ, theo truyền thông Los Angeles, chỉ một ngày sau khi biết tin Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng biển Việt Nam, một số người Việt ở California, đã không quản ngại đường xá xa xôi lên tận Tổng lãnh sự Trung Quốc ở Los Angeles tổ chức một cuộc biểu tình phản đối rất quyết liệt, vào lúc 11 giờ trưa ngày 7/5. Người biểu tình cầm biểu ngữ khẳng định chủ quyền của Việt Nam, miệng hô to các khẩu hiệu “Đả đảo Trung Quốc”, “Trung Quốc hãy chấm dứt hành động xâm chiếm Việt Nam”.
Tại Pháp, khoảng 350 người Việt, chủ yếu là sinh viên du học trong đó nhiều trí thức trẻ mới thành tài, đã biểu tình tại quảng trường Trocadero, chống các hành động gây hấn ở biển Đông của Trung Quốc. Dưới một rừng cờ đỏ, người biểu tình xếp hàng ngang 3,4 lớp trên sân đá giữa hai chái của lâu đài Chaillot, với một băng-rôn lớn nhất mang hàng chữ "Solidarité contre l'Invasion chinoise" (Đoàn kết chống Trung Quốc xâm lược), một băng khác bằng hai thứ tiếng "China, stop invading" và "Non à l'Invasion chinoise" ("Trung Quốc, hãy ngừng xâm lăng")...
Trở lại với tình hình trong nước, các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng ngày 11/5 đã được các hãng truyền thông quốc tế phản ánh nhanh chóng và đồng loạt. Hãng thông tấn Mỹ, AP, từ đầu giờ trưa ngày 11/5 đã có bài viết phản ánh việc hàng trăm người dân ở Hà Nội xuống đường biểu tình ôn hòa để phản đối việc Trung Quốc gây căng thẳng trên biển và gây nguy cơ xung đột bằng việc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam. Thông tin này sau đó đã được nhiều tờ báo và kênh truyền hình khác của Mỹ như Washington Post, ABC News dẫn lại. Hãng thông tấn của Pháp, AFP, ngày hôm qua cũng có bài viết mô tả hoạt động biểu tình tại Việt Nam với tựa đề "Biểu tình lớn ở Việt Nam phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan dầu".
Ngoài ra, các hãng tin của Anh như Reuters, BBC News cũng có bài tường thuật trực tiếp các cuộc biểu tình của người Việt Nam phản đối hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Hãng tin Đức DPA, trang điện tử của báo Bangkok Post cũng đã có bài viết hoặc dẫn lại nguồn tin của các hãng thông tấn lớn đề cập về hoạt động phản đối Trung Quốc của người dân Việt Nam.
PV