Du lịch tại cù lao Chàm còn nhiều hạn chế
Từ tháng 10/2006, hợp phần sinh kế bền vững bên trong và xung quanh khu bảo tồn biển đã được triển khai tại cù lao Chàm với mục tiêu chính là cải thiện sinh kế của người dân theo hướng phát triển bền vững. Đến nay, một số mô hình đã triển khai như: chế biến nước mắm nguyên chất, thủy sản khô, rau sạch, chăn nuôi, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng… Các hoạt động trên đã mang lại hiệu quả kinh tế quan trọng, góp phần cải thiện đáng kể cơ cấu kinh tế, xã hội của cộng đồng địa phương, đặc biệt là nhận thức và năng lực của người dân được nâng lên rõ rệt. Trong những mô hình đã và đang được triển khai, định hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng được xem là phù hợp với điều kiện của người dân địa phương.
Có thể nói, một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ bảo tồn biển tại cù lao Chàm là sự tham gia của cộng đồng và thực hiện cơ chế đồng quản lý. Vì vậy, điều kiện cơ bản thiết yếu nhất là phải xây dựng một cộng đồng vững mạnh về nhận thức, năng lực, phát triển sinh kế bền vững để có được nền tảng của sự đồng thuận, từ đó mới có thể dựa vào sự chia sẻ và đóng góp của cộng đồng tham gia hợp tác đồng quản lý. Trên thực tế, cộng đồng cù lao Chàm cũng đã được trang bị về kiến thức, công cụ, đã tham gia các hoạt động quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển sinh kế bền vững, các tổ chức hội nghề nghiệp thành lập và đi vào hoạt động để đạt được mục tiêu cộng đồng là hạt nhân trong cơ chế đồng quản lý nhằm phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, những năm qua, phát triển du lịch tại cù lao Chàm cũng đã đem lại cơ hội tăng thu nhập, việc làm cho cư dân địa phương. Trong những năm gần đây, đời sống của người dân trên đảo được nâng lên rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh những thuận lợi có được từ sự phát triển du lịch, điểm đến cù lao Chàm cũng phải đối mặt với một số khó khăn nhất định.
Thứ nhất, thiếu các điều kiện cơ sở hạ tầng tối thiểu như điện, nước ngọt. Hiện, cù lao Chàm được cấp nguồn điện từ nhà máy điện diesel, lưới điện trên đảo chỉ có lưới hạ áp 0,4kV, không đủ khả năng cung cấp liên tục cho nhu cầu điện sinh hoạt, cũng như sản xuất, phục vụ du lịch đang tăng nhanh. Do hạn chế công suất nên điện chỉ phát vào buổi sáng từ 11h30 đến 13h00, buổi chiều từ 17h30 đến 22h00, phục vụ chủ yếu nhu cầu thắp sáng, xem ti vi và quạt mát. Mặc dù để khắc phục phần nào nhu cầu nói trên, chính quyền địa phương trên đảo đã khuyến khích các doanh nghiệp và người dân địa phương sử dụng pin năng lượng mặt trời, tuy nhiên, số lượng vẫn rất khiêm tốn. Với hạn chế đó, rất khó để đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, chưa nói đến khả năng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Thứ hai, hạn chế về các dịch vụ phục vụ du khách, bao gồm cả các dịch vụ cơ bản và dịch vụ vui chơi giải trí. Dù đã có những phát triển nhất định, nhưng nhìn chung các dịch vụ và sản phẩm du lịch nơi đây vẫn nghèo nàn chưa tạo được bản sắc, vì thế lượng khách đến đảo chủ yếu là tham quan trong ngày, không lưu trú qua đêm tại địa phương, các nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ cho du khách cũng rất hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới việc khai thác tài nguyên địa phương nhằm phát triển du lịch tại điểm đến này.
Thứ ba, việc hình thành và phát triển các hoạt động du lịch tại đây chưa thực sự mang lại lợi ích cho người dân địa phương. Hoạt động du lịch mặc dù phát triển, tăng trưởng hàng năm nhưng thực tế chỉ một phần nhỏ người dân được hưởng lợi trực tiếp, lợi tức phần lớn là của doanh nghiệp và nhà nước. Theo khảo sát của Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, số tiền mà du khách chi trả trong một ngày cao điểm khoảng 1,575 tỷ đồng, tuy nhiên địa phương chỉ hưởng khoảng 12% số tiền này, hơn 88% còn lại thuộc về doanh nghiệp. Đã qua rồi sự “phát triển nóng” với những con số thống kê ấn tượng, dù số lượng khách tăng trưởng là cần thiết nhưng không vì thế bỏ qua những tác động tiêu cực từ du lịch mang lại. Có chuyên gia đã cho rằng đã đến lúc cần kìm hãm sự gia tăng khách đến cù lao Chàm bằng việc nâng cao dịch vụ tại đảo, biến nơi đây thành một điểm du lịch dành cho đối tượng khách cao cấp.
Ngoài ra, vấn đề Du lịch Quảng Nam nói chung và Du lịch cù lao Chàm nói riêng đối mặt hiện nay không chỉ là hạ tầng yếu kém, áp lực tăng trưởng nóng, sự mất cân đối trong phát triển hay sản phẩm đơn điệu kém cạnh tranh mà chính là nguy cơ chia rẽ cộng đồng dân cư giữa những người được hưởng lợi từ du lịch và những người không được hưởng lợi, về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến môi trường an ninh và xã hội địa phương. Chia sẻ lợi ích cộng đồng giữa các bên liên quan là cần thiết, để người dân bản địa thật sự là chủ thể hưởng lợi từ các nguồn thu do du lịch mang lại. Khi người dân được chia sẻ lợi ích từ du lịch họ sẽ có trách nhiệm hơn với việc gìn giữ bảo tồn các giá trị văn hóa, tự nhiên và môi trường xung quanh vì họ ý thức được làm như vậy cũng chính là bảo vệ sinh kế cho cuộc sống của họ.
Phát triển bền vững tại điểm đến du lịch cù lao Chàm
Phát triển du lịch cù lao Chàm không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà quan trọng nhất là nâng cao đời sống để người dân yên tâm gắn bó với đảo, làm hàng rào vững chắc bảo vệ an ninh quốc phòng phía Đông của tỉnh. Chính quyền thành phố luôn quan tâm đầu tư cho cù lao Chàm trong điều kiện cho phép như quy hoạch lại các tuyến điểm; phát triển sản phẩm du lịch theo hướng sinh thái; mô hình lưu trú theo kiểu homestay tại các Bãi Làng, Bãi Hương...; xây dựng các dịch vụ lưu trú có quy mô, chất lượng thông qua việc tiếp nhận những dự án đầu tư lớn với mục đích cuối cùng là đảm bảo an ninh quốc phòng và nâng cao đời sống người dân trên đảo.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch lại các làng nghề truyền thống trên đảo để người dân cùng tham gia và được hưởng lợi từ du lịch cần sớm được triển khai. Trước mắt sẽ giúp người dân thay đổi thói quen, nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, khai thác các nguồn lợi thủy sản cù lao Chàm thông qua những quy định cụ thể như khoanh vùng, hạn chế thời gian khai thác các loài thủy sản trong năm nhằm từng bước phục hồi môi trường sinh thái và hệ động thực vật.
Cần đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn nguyên vẹn môi trường sinh thái biển đảo. Việc quy hoạch tổng thể các khu vực tại đảo, phân bố lại dân cư theo vùng; có nên xây dựng các khu resort với những tiện nghi hiện đại phục vụ một bộ phận khách cao cấp tại một số nơi trên đảo hay giữ cù lao Chàm nguyên sơ vẫn là vấn đề cần cân nhắc. Mạng lưới điện phục vụ cho sinh hoạt của gần 3 ngàn hộ dân trên đảo dù đã được cải thiện bằng hệ thống pin mặt trời nhưng cũng chỉ ở mức tương đối. Những chính sách, cơ chế đặc biệt để người dân yên tâm gắn bó không bỏ đảo vào đất liền… cũng đang được các cấp ngành thành phố bàn bạc thảo luận.
Ngoài ra, chính quyền tỉnh Quảng Nam cần chú trọng các biện pháp để thu hút khách du lịch quốc tế và thúc đẩy nhu cầu du lịch nội địa nhân các ngày nghỉ, ngày lễ lớn của dân tộc, phát động chiến dịch bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại tỉnh Quảng Nam cũng cần chú trọng phát động chiến dịch quảng bá tại chỗ đối với khách quốc tế đã đến Việt Nam và nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương để phát triển du lịch bền vững, đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu về xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Dương Thị Hồng Nhung
(Tạp chí Du lịch)