Ngày Nước thế giới hay Ngày Nước sạch thế giới được tổ chức vào ngày 22 tháng 3 hàng năm. Ngày lễ quốc tế này được Liên Hợp quốc chọn từ năm 1993 trong Nghị quyết A/RES/47/193 của Đại hội đồng.
Chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2017 là "nước thải" (Waste water) cùng với chiến dịch "Tại sao là nước thải?" nhằm kêu gọi cộng đồng tiết kiệm nước và tái sử dụng nước thải.
Hiện trên toàn cầu, hơn 80% nước thải xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý và không được tái sử dụng. Theo thống kê, hiện có 1,8 tỷ người sử dụng nguồn nước uống có chứa vi khuẩn gây ra các bệnh như tiêu chảy, kiết lị, thương hàn... Điều đó cũng khiến cho 842,000 người chết mỗi năm do ảnh hưởng của các căn bệnh này. Hiện có 663 triệu người chưa được tiếp cận với các nguồn nước uống hợp vệ sinh.
Đến năm 2050, sẽ có khoảng 70% dân số thế giới sống trong các đô thị. Con số này hiện nay là 50%. Hiện tại, hầu hết các thành phố ở các quốc gia đang phát triển không có đủ cơ sở hạ tầng và tài nguyên để giải quyết vấn đề nước thải một cách hiệu quả và bền vững.
Theo Liên Hợp quốc, có nhiều cơ hội để khai thác tài nguyên nước thải. Nước thải được quản lý hiệu quả sẽ là nguồn tài nguyên nước, năng lượng, dinh dưỡng có chi phí hợp lý và bền vững.
Chi phí cho quản lý nước thải không đáng kể so với các lợi ích về sức khoẻ, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đồng thời mang lại cơ hội nghề nghiệp và tạo ra nhiều việc làm "xanh" cho xã hội.
HN