Nhằm ưu tiên phát triển cho khu du lịch Côn Đảo, Chính phủ đang xây dựng cơ chế ưu đãi về thuế, phí sử dụng đất và cách thức phát triển dịch vụ cho địa phương này.
Theo cơ chế ưu đãi đang được lấy ý kiến các đơn vị có liên quan, Chính phủ dự kiến giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại Côn Đảo. Các chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, chi phí vật tư nguyên liệu đầu vào của các dự án tại Côn Đảo cũng được đề xuất miễn thuế VAT. Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất nâng phụ cấp đặc biệt và phụ cấp thu hút lên 70% so với mức lương hiện hưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang làm việc tại Côn Đảo; đồng thời nâng phụ cấp khu vực đối với huyện Côn Đảo lên mức 0,7.
Bên cạnh đó, tất cả các dự án đầu tư của tổ chức trong và ngoài nước vào Côn Đảo cũng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất. Chưa kể, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia các hoạt động kinh doanh tại đây còn được chuyển lỗ trong vòng 5 năm. Tức là sau mỗi kỳ quyết toán, cơ quan thuế xác định là lỗ, doanh nghiệp sẽ được quyền chuyển các khoản lỗ này sang năm sau và được trừ vào thu nhập chịu thuế.
Dự thảo này cũng cho phép nhà chức trách hàng không nghiên cứu nâng cấp cửa khẩu và sân bay Côn Đảo thành sân bay và cảng biển quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các du khách tới đây thăm quan, du lịch.
Cũng theo dự thảo này, khách du lịch tới Côn Đảo còn được ưu đãi mua hàng miễn thuế tối đa 2 triệu đồng mỗi lần thay cho mức 500.000 đồng hiện hành.
Hiện nay, có 2 hãng hàng không đang khai thác các chuyến bay đến Côn Đảo gồm, Công ty dịch vụ hàng không Vasco của và Hãng hàng không tư nhân Air Mekong.
Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm giữa đại dương cách Vũng Tàu 185km, cách TP. Hồ Chí Minh 230km. Côn Đảo có tiềm năng phát triển du lịch, khai thác chế biến hải sản, cảng biển, dịch vụ dầu khí và hàng hải.
(Nguồn: Vnexpress)