Phong cảnh TP. Thiên Tân
Khách du lịch đến tham quan được xem một vở kịch kéo dài 1 tiếng bên cạnh tàu và trên cảng biển diễn ra cảnh tượng đánh nhau giữa cướp biển và những người giữ biển. Xem vở kịch này, khách du lịch có thể hình dung được những cuộc đấu tranh trên biển và trên cảng biển từ thưở xa xưa. Xem xong du khách lên tàu với 3 khoang rộng lớn để tham quan và chiêm ngưỡng. Trên boong tầu không chỉ có đại bác, súng các loại, máy bay trực thăng mà có cả một nhà hàng có thể tổ chức đám cưới cho trên 500 khách. Những người tham dự đám cưới có thể mặc quần áo hải quân để quay phim, chụp ảnh lưu niệm. Cô dâu, chủ rể có thể thưởng thức tuần trăng mặt trong buồng của thuyền trưởng trên tàu. Buồng này được trang bị như buồng khách sạn 5 sao. Sau tham quan, khách du lịch có thể đi xem và mua những đồ lưu niệm rất đa dạng, từ những món quà lưu niệm về vở kịch, về cảng biển cho tới những sản vật của Thiên Tân.
Về mặt lịch sử, cách đây trên 400 năm, Thiên Tân đã là một cảng biển giao lưu với các nước phương Tây như Italia, Pháp, Bồ Đào Nha, Anh… Đến khu phố cổ, du khách có cơ hội ngắm nhìn các công trình kiến trúc cổ cũng như thưởng thức các món ăn, đồ uống của các nước này (phục vụ tại chỗ). Du khách đi tham quan các khu phố bằng xe ngựa cổ trong lòng châu Âu thu nhỏ giữa TP. Thiên Tân.
Tại Thiên Tân, còn có một làng cổ Trung Quốc được quy hoạch thành một điểm tham quan du lịch. Ở đây trưng bày các công cụ làm ruộng của người nông dân thưở xưa từ cày, bừa, cối xay bột, nơi nấu ăn, chỗ ngủ và trang phục của người dân. Tham quan làng cổ, du khách không chỉ được nhìn, nghe mà còn được thưởng thức các món ăn xưa, được mua những món quà lưu niệm do làng này sản xuất.
Tháng 9/2013 Cục Du lịch thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) đã tổ chức Hội chợ công nghiệp xuất khẩu du lịch (4 năm tổ chức một lần).
Theo truyền thống, hội chợ du lịch thường chỉ có những công ty du lịch, những khách sạn, nhà hàng và một số doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động du lịch tham gia với các tư cách người mua và người bán(Buyers and sellers). Nhưng khi tham gia hoạt động của Hội chợ này mới thấy họ đã vận dụng rất tốt sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong phát triển du lịch. Ở đây họ trưng bày để bán từ máy bay trực thăng các loại, các loại tầu thủy, các loại thuyền hoặc dụng cụ thể thao trên biển, xe ô tô, tầu hỏa, xe máy điện, xe đạp, xích lô, xe ngựa kéo các loại phục vụ cho du lịch. Khu vực thứ hai là khu khách sạn, các khu nghỉ dưỡng và các loại trang thiết bị phục vụ trong khách sạn. Từ các loại máy hút bụi đến các hóa chất làm vệ sinh trong khách sạn. Khu vực thứ ba đó là khu vực ăn uống bao gồm các nhà hàng bán hoặc quảng cáo các món ăn, đồ uống, các doanh nghiệp cung ứng các đồ uống, các loại gia vị cho nấu ăn, các dụng cụ nấu ăn cũng như phục vụ chế biến món ăn. Khu vực thứ tư là khu vực về hàng thủ công mỹ nghệ, các doanh nghiệp trưng bày những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm quà lưu niệm cho khách từ những sản phẩm bằng vàng, bạc đến những sản phẩm đơn giản nhất như bằng vải, tre, gỗ… Khu vực thứ năm là khu vực hàng tiêu dùng phục vụ cho khách du lịch và khu vực thứ sáu đó là khu vực của các trường đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch. Hội chợ này đã tạo ra sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch, là cơ hội cho các nhà sản xuất, các nhà đầu tư gặp gỡ, trao đổi, hợp tác, mua sắm những trang thiết bị phục vụ du lịch với mục đích đưa Thiên Tân trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn và có chất lượng cao. Hội chợ đã mở cửa cho trên 10 triệu công dân Thiên Tân vào tham quan và thưởng thức các sản phẩm của doanh nghiệp du lịch.
TS. Trịnh Xuân Dũng