Hành trình du lịch xanh Xiêm Riệp - Phnôm Pênh
Từ cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh, theo đường bộ xe ô tô đưa chúng tôi đến thành phố Xiêm Riệp. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là đất nước Campuchia gìn giữ môi trường thiên nhiên rất tốt: cả một đoạn đường dài mấy trăm cây số là những cánh đồng, trên những cánh đồng đó, ngay cả trên những ruộng lúa vẫn có những cây xanh rất to, cao vút che phủ bóng mát. Những đàn bò ung dung gặm cỏ, rất ít khi nhìn thấy có người chăn thả. Nơi đây trâu bò chủ yếu được chăn thả bằng nguồn cỏ, không nuôi bằng thức ăn tăng trọng nên những món thịt bò, thịt trâu khô và những sản phẩm từ thịt bò, thịt trâu được khách du lịch ưa chuộng, trong đó có du khách Việt Nam.

Trở về thành phố Xiêm Riệp để đến với quần thể Angkor - một kỳ quan của thế giới, chị Soyannary hướng dẫn viên du lịch người Campuchia cho biết: Xiêm Riệp là thành phố đang thực hiện lối sống xanh một cách triệt để với 4 điều “không”: Hạn chế, không sử dụng lãng phí nguồn nước (khuyến nghị mọi người đều dùng nước sạch một cách tiết kiệm nhất); Không xây nhà cao tầng, độ cao tối đa chỉ 4 tầng; Không xây các nhà máy, công xưởng ở trong thành phố; Không để sân bay bên thành phố vì tiếng động của động cơ máy bay và tiếng ồn sẽ gây ảnh hưởng đến quần thể đền Angkor, vì thế sân bay đã được đặt cách thành phố 30km.
Quần thể Angkor cách trung tâm thành phố Xiêm Riệp 7km với những thảm cây xanh cổ thụ tuyệt đẹp chạy dọc hai bên đường. Angkor là một ngôi đền cổ rộng lớn được xây dựng trong 37 năm với lối kiến trúc, điêu khắc và hoa văn độc đáo, tinh xảo, mỗi hoa văn gắn liền với sự tích văn hóa về sự hình thành và phát triển của người Khmer. Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, Angkor bị lãng quên. Năm 1992, Angkor được một người Pháp phát hiện, sau đó được công nhận là một trong những kỳ quan thế giới nên ngày nay là điểm du lịch thu hút khách số một của Campuchia. Cũng tại Xiêm Riệp, du khách được chinh phục đỉnh đồi Bakheng cao 65m để ngắm nhìn cảnh đẹp khi hoàng hôn mặt trời xuống khuất dần sau ngôi đền Angkor vĩ đại.

Dừng chân tại Phnom Pênh, chúng tôi được tham quan Hoàng cung Campuchia với kiến trúc độc đáo văn hóa của người Khmer, nơi sinh sống và làm việc của Hoàng gia đương đại. Sân sau hoàng cung, từng đàn chim bồ câu sà xuống như đã quen thuộc với con người nơi đây và du khách. Sau khi tham quan hoàng cung, du khách còn được thưởng ngoạn cảnh đẹp của chùa Vàng, chùa Bạc vốn rực rỡ bởi Ngọc Lục Bảo nổi tiếng của Campuchia và tượng Phật Vàng có trên 2000 viên kim cương đính kèm.
Tượng đài Hữu nghị bộ đội Việt Nam - Campuchia nằm giữa thủ đô Phnôm Pênh, được đặt ở vị trí trang trọng cách hoàng cung một đoạn không xa, mỗi đoàn khách Việt Nam qua thăm đều dừng chân để ghi lại những bức hình kỷ niệm về tình đoàn kết giữa hai đất nước và con người Việt Nam - Campuchia.
Lối sống, phong tục và tình cảm người Campuchia
Giao thông của Campuchia cũng nhiều tiến bộ, giữa thủ đô Phnom Pênh vốn đông người, còn khó khăn trong tham gia giao thông, mặc dù vẫn có hiện tượng kẹt xe nhưng đã có những con phố để xe ôtô một cách trật tự. Ô tô của người đến trước để trước, người đến sau sẽ để vào những chỗ trống, mọi người không phải giữ chỗ, mặc dù không hề có cảnh sát và người trông giữ.
Campuchia là đất Phật, người Campuchia tôn trọng hôn nhân một vợ một chồng. Họ đặc biệt gần gũi, yêu quý và chú trọng bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống. Ở Campuchia đã hình thành “mùa cấm hạ”, nghĩa là từ tháng 6 đến tháng 8 họ kiêng không cưới gả, không xây nhà mới, không mua đồ quý giá đắt tiền. Vào thời điểm này, các nhà sư không đi khất thực, người dân tự mang thức ăn vào chùa để các sư dùng bữa. Từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa cá đẻ, Campuchia ban lệnh cấm đánh bắt, nếu bắt được người cố tình đánh bắt cá thì sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí là phạt tù. Campuchia không thực hiện xuất khẩu cát để hạn chế tối đa hoạt động khai thác cát gây tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường.
Chuyên nghiệp trong tiếp thị, quảng bá du lịch
Trên đường trở về thành phố Xiêm Riệp theo hướng tỉnh Kompong Thom với những cánh rừng cao su bát ngát, du khách được dừng chân tham quan tại cây cầu cổ được xây dựng cách đây hàng ngàn năm đã được UNESCO công nhận. Tại cây cầu cổ, khi chúng tôi đang từ trên xe bước xuống đã có người cầm máy chụp ảnh ghi hình của từng du khách, du khách dừng chân uống nước khoảng ít phút sau, người chụp ảnh đã mang tới những tấm ảnh của từng du khách được lồng trong khung có hình ảnh cây cầu cổ, nếu du khách nào ưng ý thì lấy và trả 50.000 ngàn đồng tiền Việt Nam hoặc trả bằng nia (tiền Campuchia) tương đương, nếu như bạn không lấy ảnh họ vẫn vui vẻ.
Khi vào thăm quần thể Angkor, từng đoàn du khách xếp hàng trật tự trước cửa phòng bán vé. Nhân viên phòng vé sẽ chụp ảnh ghi in hình của du khách, sau đó in vào vé giá vé là: 37USD/người/1ngày, 62USD/người/3ngày và 72USD/người/tuần. Sau ít phút, du khách đã có vé để đeo trên người vào thăm quần thể Angkor. Trong mệnh giá mỗi vé vào Angkor sẽ để lại 2USD dành cho bệnh viện nhân đạo.
Tại thủ đô Phnom Pênh đã hình thành khu phức hợp sòng bài 5 sao Naga World nhộn nhịp, tại đây du khách được thưởng thức những chương trình nghệ thuật độc đáo. Luôn xuất hiện những cô gái xinh đẹp, mặc những bộ trang phục lộng lẫy rất vui lòng nếu như du khách muốn chụp chung một bức hình, tất nhiên là trên bộ đồ thời trang ấy là dải băng có chữ ghi tên Naga World như một cách quảng bá tế nhị cho sòng bài…
TS. Trần Thị Tuyết Mai
Tạp chí Du lịch 6/2018