Đánh giá về công tác quảng bá xúc tiến du lịch thời gian qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Hà Văn Siêu cho rằng, các hoạt động xúc tiến quảng bá đã góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng của du lịch. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 7,25 triệu lượt, tăng 28,8% so với cùng kỳ 2016, tổng thu từ du lịch đạt gần 307.000 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm trước. Công tác xúc tiến quảng bá ngày càng được mở rộng trên phạm vi quốc tế để tăng cường giới thiệu hình ảnh Du lịch Việt Nam ở những sân chơi lớn trên thế giới, từng bước định vị thương hiệu “Vietnam – Timeless Charm” trên thị trường du lịch toàn cầu. Bên cạnh đó, các hội chợ du lịch trong nước được tổ chức định kỳ đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tăng cường quảng bá, kết nối, giao lưu, kích cầu du lịch… Sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp… đã góp phần vào việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch quốc gia, tích cực quảng bá “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” với thế giới. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong xúc tiến quảng bá tại các sự kiện du lịch quốc tế, như sự hiện diện của gian hàng du lịch quốc gia chưa ổn định, thông điệp truyền tải tới khách hàng chưa rõ, doanh nghiệp tham gia chưa ổn định. Sự thiếu chủ động trong việc chuẩn bị tham gia các hội chợ du lịch lớn khiến hiệu quả thấp. Sự hạn chế này có nguyên nhân từ việc kinh phí được cấp hàng năm thấp (2 triệu USD/năm), quy trình thủ tục rườm rà, phức tạp mất nhiều thời gian khiến công tác chủ động bị hạn chế nhiều. Thêm vào đó, ngành Du lịch chưa thành lập được văn phòng xúc tiến du lịch ở các thị trường trọng điểm nên rất khó nắm bắt thị trường, thụ động và triển khai kém hiệu quả.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. “Nếu không có nhân lực chuyên nghiệp, tổ chức, mục tiêu rõ ràng thì không bao giờ chúng ta chuyên nghiệp hóa được xúc tiến quảng bá. Về tổ chức, hiện TCDL không có cơ quan chuyên trách, quy mô quốc gia cũng không có, điều này thực sự rất khó khăn vì không nắm được thị trường, không nắm được thị hiếu nhu cầu của khách. Nguồn ngân sách đã ít trong khi việc giải ngân vô cùng phức tạp, khi được duyệt kinh phí thì cơ hội đã qua mất. Vì vậy, không thể áp dụng quy chế này cho hoạt động xúc tiến”, ông Bình nhấn mạnh.
Một câu chuyện được Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Võ Anh Tài kể tại hội nghị cũng gợi ra nhiều vấn đề về quảng bá du lịch. Đó là sự phối kết hợp giữa các ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển chung, nhất là trong bối cảnh du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn thì sự chung tay càng trở nên cần thiết. “Chúng tôi đi dự hội thảo quốc tế hoàn toàn không dính gì đến du lịch, nhưng trước giờ khai mạc ít phút, đích thân thị trưởng thành phố xin phép được giới thiệu vài hình ảnh về du lịch của địa phương. Sự kết hợp này rất chuyên nghiệp vì qua đó các đại biểu có thêm những kiến thức bổ ích về văn hóa, danh lam, thắng cảnh, ẩm thực… nổi bật tại điểm đến”.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), đối với Quỹ hỗ trợ quảng bá du lịch, nên giải ngân ngay quỹ 200 tỷ cho các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch năm 2017. Thành lập Hội đồng quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia để quản lý, vận hành quỹ trên nền tảng hợp tác công – tư.
Ông Chính cũng đề xuất công tác quảng bá nên tập trung có trọng tâm, hướng vào các thị trường chi trả cao, ổn định, đồng thời đẩy mạnh E-marketing để quảng bá du lịch.
Tại Hội nghị, 5 doanh nghiệp TAB gồm VietnamAirlines, Mường Thanh, HG Group, Thiên Minh Group, Vingroup đã cam kết đóng góp 70 tỷ vào Quỹ quảng bá xúc tiến du lịch từ nay đến năm 2020, đồng thời, tham dự vào Hội đồng Xúc tiến Du lịch quốc gia, tham gia tích cực vào quảng bá Du lịch Việt Nam tại các hội chợ, sự kiện quan trọng tại nước ngoài.
Đánh giá cao những ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, quảng bá xúc tiến là hoạt động trọng tâm, đòi hỏi sự nỗ lực của cơ quan quản lý, địa phương, hiệp hội và đặc biệt là các doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu đón 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao, nâng tỷ trọng hơn nữa vào GDP cả nước, phấn đấu đón 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đồng ý với đề xuất thành lập văn phòng đại diện Du lịch Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng yêu cầu TCDL nghiên cứu kỹ mô hình Cục Xúc tiến hay Văn phòng đại diện để phát huy hiệu quả cao nhất, góp phần thúc đẩy Du lịch Việt Nam phát triển.
Tin: Viễn Nguyệt
Ảnh: Tú Lê