Đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ qua du lịch
Đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ qua du lịch
Thứ hai, 09/04/2007 | 14:04 GMT+7
Nhằm khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ qua du lịch, trong khuôn khổ Dự án Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch, Tổng cục Du lịch vừa tổ chức hội thảo “Chính sách khuyến khích xuất khẩu tại chỗ qua du lịch” với sự tham gia của đại diện các Bộ, Ngành, địa phương liên quan và một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Việc đánh giá hoạt động xuất khẩu tại chỗ qua du lịch được xác định thông qua một số chỉ tiêu cơ bản như: khách quốc tế đến Việt Nam, chi tiêu của khách du lịch quốc tế và kim ngạch xuất khẩu tại chỗ qua du lịch (doanh thu từ khách du lịch quốc tế). Trong giai đoạn 2001 – 2006, khách quốc tế đến Việt Nam tăng từ 2,33 triệu lượt khách lên 3,58 triệu lượt khách. Doanh thu từ khách du lịch quốc tế đã được xác định: số ngày lưu trú bình quân một lượt khách là 9,5 ngày, chi tiêu bình quân một ngày/khách là 72,5USD. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giai đoạn 2000 – 2003, tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ du lịch tăng trưởng với tốc độ cao nhất so với các ngành dịch vụ khác (trung bình 32,6%/năm), tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu du lịch trong xuất khẩu dịch vụ mới chỉ đứng thứ 4 sau các ngành Giao thông, Tài chính/Bảo hiểm và Viễn thông. Năm 2005 và 2006, tỷ trọng giá trị xuất khẩu của du lịch so với giá trị xuất khẩu dịch vụ nói chung đạt khá cao: 53,9% và 55,9%, cao nhất so với các ngành dịch vụ xuất khẩu khác… Theo đó, thu nhập xã hội từ du lịch không ngừng tăng cao, từ 20.500 tỷ đồng năm 2001 lên đến 51.000 tỷ đồng năm 2006.
Sở dĩ giá trị xuất khẩu du lịch tăng nhanh và tăng qua các năm (tăng trưởng dương) vì trong thời gian qua, ngành Du lịch đã gặp nhiều điều kiện thuận lợi: kinh tế toàn cầu về cơ bản không có những biến động lớn; xu thế hòa bình trên thế giới tiếp tục được khẳng định, nền chính trị – xã hội Việt Nam ổn định; dòng khách du lịch quốc tế có xu hướng chuyển dịch mạnh sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương; sự điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đạt được một số thành tựu đáng kể… Ngoài ra, còn phải kể đến những yếu tố quan trọng: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX xác định “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”, Luật Du lịch ra đời… đã bắt đầu đi vào cuộc sống; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010, Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… Đó thực sự là những tiền đề cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của Du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế hoạt động xuất khẩu du lịch giai đoạn 2001 – 2005 còn nhiều hạn chế như: sản phẩm dịch vụ du lịch xuất khẩu còn đơn giản, tính đa dạng chưa cao, chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch kém cạnh tranh so với các quốc gia lân cận trong khu vực. Tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ du lịch trong xuất khẩu dịch vụ nói chung giai đoạn 2001 – 2005 tuy đang có xu hướng tăng trưởng tốt nhưng chưa vững chắc, chưa khẳng định được vị trí “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”… Nguyên nhân dẫn đến hạn chế này không phải ít, trong đó phải kể đến một số vướng mắc cơ bản là: khuôn khổ luật pháp cho khu vực dịch vụ nói chung và du lịch nói riêng chưa thực sự hoàn thiện; thiếu một Chiến lược phát triển tổng thể cho khu vực dich vụ; hệ thống tiêu chuẩn dịch vụ du lịch còn yếu kém, chưa phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; đầu tư cho phát triển xuất khẩu dịch vụ du lịch còn hạn chế; công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều bất cập…
Tiếp tục phát huy những ưu điểm và thành quả đạt được, không ngừng khắc phục những tồn tại và hạn chế, thời gian tới, ngành Du lịch phấn đấu đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu qua du lịch để nâng cao vai trò, vị thế của mình trong sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
PV