Hồ Na Hang – “nàng tiên xanh giữa đại ngàn”
Huyện Na Hang nằm trên vòng cung sông Gâm nên có địa hình đa dạng, núi đất và núi đá xen kẽ tạo thành nhiều thung lũng. Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, hồ Na Hang, ruộng bậc thang Hồng Thái… là những điểm đến nhiều sức hút đối với du khách.
Hồ Na Hang thuộc địa bàn hai huyện Na Hang và Lâm Bình. Nơi đây có cảnh quan sơn thủy hữu tình, lưu giữ vẻ hoang sơ tự nhiên và được ví như “nàng tiên xanh giữa đại ngàn”. Hồ có tổng diện tích mặt nước 8.000ha, mặt hồ như một tấm gương lớn phản chiếu cảnh đẹp kỳ vĩ. Na Hang (còn gọi là Nà Hang) trong tiếng người Tày bản địa có nghĩa là “ruộng cuối” là nơi hội tụ của hai dòng sông trong khu vực lòng hồ thủy điện là sông Gâm và sông Năng, xung quanh là 99 ngọn núi bao bọc. Hồ được hình thành do quá trình dâng nước làm Nhà máy thủy điện Tuyên Quang. Hồ Na Hang mùa nào cũng rất đẹp. Không gian hồ tĩnh lặng khiến lữ khách ngỡ như mình đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh với mặt hồ xanh ngọc bích mờ ảo trong sương, mây trắng vờn nhẹ trên đỉnh núi.
Đến hồ Na Hang, du khách được ngồi thuyền lướt nhẹ trên mặt hồ yên ả, thưởng ngoạn cảnh đẹp thơ mộng và khám phá những điểm đến trên hồ. Địa điểm đầu tiên là núi Pác Tạ, ngọn núi cao nhất trong 99 ngọn núi quanh hồ. Ngự trên đỉnh núi là hai ngôi đền Pác Tạ, Pác Vãng linh thiêng, được người dân nơi đây thờ kính trang nghiêm. Sau đó, du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp thác Mơ từ tầng cao đổ xuống. Thác Mơ từ lâu đã trở thành biểu tượng du lịch của huyện Na Hang - Tuyên Quang và là điểm dừng chân của nhiều du khách.
Khi đến với hồ Na Hang, du khách còn được tham gia chèo thuyền kayak thưởng ngoạn cảnh đẹp trên lòng hồ thủy điện, mỗi thuyền hai người. Trong quá trình khách trải nghiệm thuyền kayak, chủ thuyền sẽ chạy thuyền phía sau để quan sát, đảm bảo an toàn cho du khách, đề phòng mưa gió hay tránh những mỏm đá ngầm. Giá thuê thuyền kayak là 70.000 đồng/giờ đầu và giảm dần cho các giờ tiếp theo.
Tiếp đó, du khách được tham quan mô hình nuôi cá lồng bè tại đây. Vì nước hồ trong xanh tự nhiên nên cá lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, thịt cá chắc và ngọt. Các hộ nuôi cá đã tận dụng tối đa những lợi thế ở hồ Na Hang để nuôi các loại cá da trơn đặc sản như cá lăng, cá chiên, cá ngạnh, cá bỗng…, kết hợp nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống như trắm, chép, rô phi, diêu hồng... Những năm gần đây, sản phẩm cá lồng của bà con được đưa vào phục vụ phát triển du lịch sinh thái và tham gia Chương trình OCOP của Tuyên Quang.
Phát triển du lịch sinh thái hồ Na Hang
Hiện nay, du lịch sinh thái lòng hồ Na Hang đang trở thành một hướng đi mới đối với phát triển du lịch sinh thái tại Tuyên Quang. Tuy nhiên, hoạt động du lịch sinh thái tại đây vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Nguyên nhân là do nhận thức xã hội, đặc biệt là nhận thức của các cấp quản lý và cộng đồng về du lịch sinh thái còn chưa đầy đủ; năng lực quản lý hoạt động du lịch sinh thái chưa đáp ứng được yêu cầu; các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường đối với người dân địa phương và du khách còn ít; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng chưa đầy đủ; chưa có những tính toán hợp lý cho sức tải của điểm đến, gây khó khăn cho việc quy hoạch và phát triển du lịch sinh thái... Để du lịch sinh thái huyện Na Hang nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung phát triển một cách đúng hướng và bài bản, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Tăng cường sự kết hợp đồng bộ giữa các ban ngành có liên quan, đặc biệt là sự thống nhất quản lý ở cấp địa phương để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động du lịch sinh thái phát triển.
Có sự đầu tư và kết hợp hài hòa giữa các nguồn lực cho phát triển du lịch sinh thái. Trong đó xác định rõ tài nguyên thiên nhiên và tiềm lực con người là nguồn lực chủ đạo. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt nhu cầu du khách.
Theo BQL Khu du lịch sinh thái Na Hang, trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm đạt trên 97.000 lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khách quốc tế là 558 lượt; doanh thu từ dịch vụ lưu trú và vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy đạt hơn 4 tỷ đồng. |
Chú trọng nâng cao chất lượng môi trường bằng những hành động cụ thể như lập các điểm thu gom rác hợp lý; giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng về giữ gìn vệ sinh môi trường; tuyên truyền bảo vệ môi trường thông qua các ấn phẩm tờ rơi, áp phích, bản đồ…
Đào tạo cho người dân địa phương, những người trực tiếp tham gia phục vụ du khách các kỹ năng về giao tiếp, thuyết minh phục vụ khách du lịch. Trong đó đặc biệt lưu ý bồi dưỡng các kỹ năng thực hành du lịch sinh thái.
Tính toán số lượng khách du lịch đến tham quan để kiểm soát được những tác động về môi trường.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương để tạo ra sự khác biệt như các chương trình biểu diễn làn điệu then truyền thống của dân tộc Tày, trải nghiệm làm đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa hoặc tham vào chế biến các món ăn cổ truyền…
Ứng Xuân Tùng
(Tạp chí Du lịch tháng 8/2022)