Ngày 12/12/2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hà Nội tiến hành khảo sát một số điểm du lịch của huyện Mê Linh – Vĩnh Phúc như đền Hai Bà Trưng, chùa Trung Hậu, khu du lịch sinh thái đồi 79 mùa xuân, làng hoa Mê Linh... và phối hợp với UBND huyện Mê Linh tổ chức hội nghị "Đánh giá thực trạng và giải pháp phát triển du lịch huyện Mê Linh".

Đoàn khảo sát tham quan chùa Trung Hậu – Mê Linh (Vĩnh Phúc)
Theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội, Mê Linh là vùng đồng bằng phì nhiêu màu mỡ, nổi tiếng với các sản phẩm hoa hồng và các di tích lịch sử văn hóa lâu đời. Nơi đây đã lưu giữ được 179 di tích, trong đó 27 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 42 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Huyện Mê Linh có tiềm năng để phát triển du lịch nhưng khả năng khai thác du lịch của Mê Linh còn nhiều hạn chế; sản phẩm du lịch nghèo nàn, chưa có sự đầu tư lớn. Huyện Mê Linh nên xác định rõ đối tượng, thị trường khách cần hướng tới, từ đó lựa chọn và ưu tiên đầu tư rõ trọng tâm, trọng điểm nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đoàn khảo sát tham quan làng hoa Mê Linh
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội Mai Tiến Dũng khẳng định, huyện Mê Linh có tiềm năng phát triển loại hình du lịch tâm linh. Tuy nhiên, Mê Linh cần liên kết vùng để tạo nên tính đa dạng của sản phẩm; cần xây dựng các bài thuyết minh chuẩn cho các khu điểm du lịch; đào tạo và hướng dẫn kỹ năng cho đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm du lịch; đảm bảo vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch; nâng cao ý thức cho cộng đồng dân cư để phát triển du lịch; cần đa dạng các hoạt động vui chơi giải trí và hàng lưu niệm...
Được biết, trong quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Mê Linh là một trong những vùng du lịch trọng điểm để phát triển du lịch.
Thanh Hiền