
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại sân Rồng và thế miếu Lam Kinh
Đến xứ Thanh, ngoài bãi biển Sầm Sơn, đền Độc Cước, hòn Trống Mái – những điểm đến đã tạo nên “thương hiệu” của Thanh Hóa, đoàn chúng tôi đến thăm làng cổ Đông Sơn, nơi đã phát hiện nền văn hóa Đông Sơn cổ đại nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Hiện nay, làng còn lưu giữ hàng chục ngôi nhà cổ, cổng làng, đình làng, chùa cổ với tường đá rêu phong… Tiếp đó, đoàn đi thăm động Tiên Sơn nằm trên vách núi Hàm Rồng. Theo các bậc thang lên động có vườn 12 con giáp cùng nhiều cây hoa, cây cảnh cổ thụ rợp bóng. Động dài 600m, có nhiều nhũ đá, cột đá với nhiều hình thù kỳ thú, sống động như rồng bay, phượng múa, tiên đồng, tiên cô, cổng trời, giếng tiên… Động chính cao hàng chục mét, chứa được tới vài trăm người. Chúng tôi đã tham quan và chụp ảnh cầu Hàm Rồng, nơi nổi tiếng với chiến công tiêu diệt nhiều máy bay Mỹ, đặc biệt là trận đánh ngày 3 - 4/4/1965, quân dân Hàm Rồng đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ.
Buổi chiều, chúng tôi tới thăm khu du tích lịch sử Lam Kinh thuộc xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, cách TP. Thanh Hóa 51km về phía Tây Bắc. Đây là nơi người anh hùng dân tộc Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa chống giặc Minh. Sau khi lên ngôi vua, Lê Lợi đã cho xây dựng điện Lam Kinh (còn gọi là Tây Kinh), phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông, có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Rồng chắn phía Tây. Khu vực này có nhiều lăng mộ các đời vua triều Hậu Lê, đặc biệt là lăng Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng ghi công lao của Lê Lợi do Nguyễn Trãi biên soạn.

Thăm làng cổ Đông Sơn - Thanh Hóa
Do những biến cố thăng trầm của lịch sử, điện miếu Lam Kinh đã bị hư hại, tàn phá nhiều. Tuy được tu sửa nhiều lần nhưng đến nay, những di tích này vẫn trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1962, khu di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án tổng thể phục hồi, tu tạo khu du tích. Ngày nay, nhiều hạng mục di tích đã được bảo tồn, phục dựng, tu bổ, đã phần nào tái hiện được diện mạo trước đây của Lam Kinh. Chúng tôi đã tham quan Ngọ Môn, các tòa chính điện, sân rồng, thềm rồng, chính điện Lam Kinh, Thái Miếu, lăng mộ vua Lê Lợi, bia Vĩnh Lăng… Mọi người đều cảm động và tự hào trước công lao dựng nước, giữ nước của cha ông.
Ngày thứ ba, chúng tôi đi tham quan thành nhà Hồ, còn gọi là thành Tây Đô – công trình kiến trúc độc đáo do Hồ Quý Ly xây dựng năm 1397, trên khu đất rộng gần 1km2 thuộc ba xã huyện Vĩnh Lộc, cách TP. Thanh Hóa 50km về phía Tây Nam. Thành được xây dựng trên địa thế hiểm trở, có núi cao bao bọc, có sông nước ngăn cách, được chia thành hai khu: thành nội và thành ngoại vi, có bốn cổng cuốn vòm ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Thành được xây dựng trong 3 tháng, gồm những phiến đá xanh được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Thành có kiến trúc độc đáo về kỹ thuật, đồ sộ về quy mô, vừa có ý nghĩa là một kinh thành, vừa là một công trình quân sự, là kết tinh của sức lao động sáng tạo và sự hy sinh của nhân dân thời Hồ Quý Ly. Thành là hiện thân của một vương triều tuy ngắn ngủi nhưng đã có nhiều cách tân có giá trị trong lịch sử dân tộc. Ngày 27/6/2011, thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Buổi chiều, chúng tôi đến tham quan suối cá thần Cẩm Lương (xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy). Nơi đây gắn với truyền thuyết về loài cá lạ mà người dân coi là thần linh. Cá có thân màu vàng ánh đỏ, sống trong hang núi Bồ Um, hàng ngày vẫn ra bơi lội trước cửa hang. Du khách có thể ngắm nhìn hàng trăm ngàn chú cá lớn nhỏ bơi lội tự nhiên dưới lòng suối trong vắt. Người dân quanh vùng cho rằng loài cá này rất linh thiêng nên không đánh bắt. Trong quần thể suối cá còn có đền Ngọc thờ Tứ phủ Long vương, động Cây Đăng với nhiều nhũ đá có hình thù kỳ lạ, lấp lánh của núi Trường Sinh.
Ngoài những danh thắng trên, Thanh Hóa còn có nhiều điểm đến hấp dẫn khác như khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bến En với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với rất nhiều hang động kỳ vĩ… cùng rất nhiều đền, lăng, miếu thờ bà Triệu, chúa Nguyễn, chúa Trịnh và rất nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống hứa hẹn đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
Nguyễn Văn Tuyết