Đường lên thăm rừng pơmu ngàn tuổi phải đi bằng xe Uaz. Dẫn đầu đoàn là chiếc xe ủi đất, hỗ trợ san đường và dọn các đống đất đá trượt lở. Trên rừng còn hàng trăm "cụ" pơmu trên dưới ngàn năm tuổi. Rừng pơmu Tây Giang mới được huyện phát hiện năm 2011, là rừng pơmu nguyên sinh duy nhất còn lại ở Việt Nam, vẫn còn rất ít dấu chân người. Rừng ở độ cao 1500m, trong khi dưới đồng bằng đang nóng 390C thì ở đây gió lạnh như Tam Đảo, Bà Nà.
Người Tây Giang thường uống rượu tr'đin, làm từ nước chích ra từ thân cây tr'đin (giống như cây đoác, cây báng, cây móc), thêm chút men là vỏ cây apăng (còn có tên là cây chuồn) sấy trên gác bếp, ủ ngay trong ống lồ ô trên thân cây. Rượu tr’đin rất nhẹ, giống vị rượu vang, thường được nhâm nhi với thịt heo, gà nướng, cá nướng và một số món ăn đặc trưng Tây Giang khác. Người ta tin rằng, uống rượu tr'đin có thể leo rừng rất khỏe, ít bệnh tật. Những bữa ăn sang trọng của người Cơtu Tây Giang có nhiều món nhưng không thể thiếu cơm lam và xôi sắn. Những món truyền thống thường được bày trên lá chuối hoặc đựng vào bát đĩa hay mẹt. Cơm lam và xôi sắn gợi nhớ đến bà con Kinh, Mường, Thái, Tày,... miền núi phía Bắc, không thấy ở các cộng đồng dân tộc khác ở miền núi Trường Sơn - Tây Nguyên.
Vào những dịp lễ hội, phụ nữ Cơ-tu Tây Giang tham gia vào vũ điệu Ya - ya (người Tây Giang đọc là da'dă). Phụ nữ đứng thành vòng tròn quanh cây cột tế giữa làng, hai chân dạng ra, xòe rộng hai bàn tay giơ lên hứng trời (nhiều người gọi đó là vũ điệu hình con ếch) để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vũ điệu này thường được thêu trên thổ cẩm dệt váy của phụ nữ Cơ-tu.
Nhà gươl là nơi sinh hoạt văn hóa của làng, xương và tượng gỗ đầu trâu được bày ở bậu cửa ra vào. Đặc biệt, ở đây thường có các tượng gỗ rắn, rùa, cá... đặt trên các xà ngang, không thấy tượng hổ, báo, hươu, nai. Phải chăng tổ tiên người Cơ-tu là dân nông nghiệp đồng bằng chứ không phải người xứ rừng thẳm núi cao như bây giờ. Có đến 99,9% người Cơ-tu Tây Giang nói giọng Bắc. Người Cơ-tu da trắng trẻo, phụ nữ có mái tóc đen dài, khác hẳn nhiều cộng đồng dân tộc khác có da đen tóc xoăn trên Trường Sơn - Tây Nguyên.
Trong những năm 80 của thế kỷ trước, người dân Cơ-tu - Tây Giang liên tiếp phát hiện được trống đồng cổ trong lòng đất. Theo Bảo tàng Quảng Nam, đây là những chiếc trống đồng cổ loại II - Hê Gơ, có tuổi từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 6 sau công nguyên. Đặc biệt, có một chiếc còn 4 cụm tượng thú nhỏ, mỗi cụm 3 con vật cưỡi lên nhau. Khắp Trường Sơn - Tây nguyên chỉ có Tây Giang mới có trống đồng. Cơ-tu có nghĩa là "con người ở đầu suối ngọn sông". Quả thật, Tây Giang ở trên đỉnh Trường Sơn, đầu nguồn sông A Vương. Việc phát hiện nhiều trống đồng Hê Gơ II cho phép phán đoán thời điểm người Cơ-tu định cư ở Tây Giang là khoảng đầu công nguyên.
Các cụ ông Tây Giang thường hát lý để trao đổi với nhau hoặc để dạy dỗ con cháu tại nhà gươl. Lý có làn điệu định sẵn, lời là do người hát tự ứng tác tại chỗ. Những câu lý luôn xuất phát từ cái tâm người hát, là cái lý ở đời. Vì vậy, chỉ có các vị cao niên đức cao vọng trọng trong làng mới được quyền hát lý khai tiệc.
Vào những năm 1930, Le Pichon - một sỹ quan Pháp ở Đông Dương rất say mê nghiên cứu dân tộc học đã bỏ nhiều ngày leo đèo, vượt suối, xuyên rừng lên tận vùng đất hiểm trở Tây Giang. Năm 1938, ông công bố cuốn sách có tên "Những kẻ săn máu" (Les Chasseurs de Sang). Cho đến nay, đó vẫn là một tài liệu kinh điển về vùng đất này. Trong cuốn sách đó, Le Pichon bày tỏ sự ngưỡng mộ một dân tộc sống biệt lập với thế giới bên ngoài, nhưng hoàn toàn không phải một "bộ tộc dã man" mà là một tộc người văn minh nhưng đang suy thoái do bị cô lập.
Không nghi ngờ gì nữa, Cơ-tu là một cộng đồng dân cư Lạc Việt cổ, di cư về Tây Giang vào đầu công nguyên, trải qua hàng ngàn năm bị cô lập nên vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống cổ xưa của tổ tiên Lạc Việt.
Tây Giang nằm trên đỉnh Trường Sơn. Ngày xưa chưa có đường đi, người Cơ-tu theo vết chân con nai mà xuống dưới đồng bằng đổi muối gùi về, có khi đổi cả con heo to 5 gang tay lấy 1 ống muối, đi miết thành đường mòn có tên là “Con đường muối” nối với Hạ Lào. Bây giờ con đường này đã được nâng cấp thành đường nhựa.
|
PGS.TS.Nguyễn Đình Hòe
(Tạp chí Du lịch)