SEA Games 31 với những kỷ lục
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số lượng vận động viên đăng ký thi đấu ở từng nội dung của một số môn thi đấu không nhiều, làm giảm phần nào sự quyết liệt, hấp dẫn trong cạnh tranh huy chương Vàng. Do đó, việc phá kỷ lục và thiết lập kỷ lục chính là thước đo rõ nhất về sự phát triển theo hướng nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn của các vận động viên thể thao thành tích cao.
Với 30 kỷ lục SEA Games được xác lập, SEA Games 31 đã cho thấy bước tiến rõ nét của các vận động viên xuất sắc. Trong đó, Thể thao Việt Nam tự hào góp tới 17/30 nội dung được xác lập kỷ lục SEA Games.
Môn bơi, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đã xuất sắc giành 5 huy chương Vàng, phá 2 kỷ lục SEA Games nội dung bơi 400m tự do và bơi tiếp sức 4x200m tự do nam. Trong khi đó, Phạm Thanh Bảo thiết lập kỷ lục nội dung bơi 100m ngửa, Trần Hưng Nguyên thiết lập kỷ lục bơi 400m hỗn hợp cá nhân nam…
Môn điền kinh, vận động viên Nguyễn Thị Oanh giành 3 huy chương Vàng, phá kỷ lục SEA Games ở nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật; Lò Thị Hoàng lập kỷ lục 56m37 nội dung ném lao nữ.
Hai môn thể thao Olympic cơ bản là điền kinh và bơi lội đã góp tới 33 huy chương Vàng cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Trong đó, điền kinh đạt 22 huy chương Vàng (đặt mục tiêu giành 17 huy chương Vàng); bơi lội giành 11 huy chương Vàng (đặt mục tiêu giành từ 6-8 huy chương Vàng).
Đáng chú ý, trong số 205 huy chương Vàng, 125 huy chương Bạc, 116 huy chương Đồng của Thể thao Việt Nam, số lượng huy chương Vàng do vận động viên các môn Olympic giành được chiếm đến hơn 30%. Trong đó, bắn súng 7 huy chương Vàng; thể dục dụng cụ 4 huy chương Vàng; cử tạ 3 huy chương Vàng, xác lập 6 kỷ lục Đại hội...
Bên cạnh đó, việc bóng đá Việt Nam, với rất nhiều gương mặt trẻ, vô địch cả bóng đá nam và bóng đá nữ, phần nào cho thấy sự bảo đảm về lực lượng kế cận cho bóng đá nước nhà, cho hành trình dài sắp tới, nhắm đích vươn đến các đấu trường thể thao quốc tế lớn hơn.
Các công trình thể thao được hoàn thiện
Để tổ chức thành công SEA Games 31, hàng loạt cơ sở vật chất, công trình thể thao tại các tỉnh, thành phố đăng cai tổ chức các môn thi đấu được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bao gồm những công trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý như: sân vận động và cung thể thao dưới nước thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia; trường bắn thuộc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội; nhà thi đấu tổng hợp và nhà tập tổng hợp Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh...
Từ việc đăng cai SEA Games, Nhà thi đấu Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định… đều lập dự án cải tạo, sửa chữa phục vụ tổ chức các môn trong chương trình thi đấu của Đại hội.
Thủ đô Hà Nội là địa điểm đăng cai chính, nơi tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và 18/40 môn trong chương trình thi đấu của SEA Games 31. Hà Nội đã triển khai 15 dự án nâng cấp, cải tạo các công trình thể thao phục vụ tổ chức đại hội, trong đó có 3 dự án do Sở Văn hóa - Thể thao quản lý, 12 dự án do UBND cấp quận, huyện quản lý.
Thành phố và các quận, huyện, thị xã đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình sẵn có của địa phương (không có công trình nào xây dựng mới). Các công trình thể thao được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa dịp này chính là địa điểm tập luyện rất tốt cho các đội tuyển thể thao cấp thành phố của Hà Nội. Đây cũng là tiền đề để tổ chức các hoạt động thể dục thể thao rộng khắp, tạo nguồn tìm kiếm hạt nhân năng khiếu kế cận cho các đàn anh, đàn chị ở đội tuyển quốc gia.
Anh Minh