Chỉ tính riêng 2 môn thể thao cơ bản, đội tuyển bơi và điền kinh đã mang về tổng số 33 huy chương Vàng, chiếm gần 20% trong tổng số huy chương Vàng mà đoàn Thể thao Việt Nam giành được tại SEA Games 31, cho thấy những nỗ lực rất lớn của các tuyển thủ trong phần thi đấu.
Bên cạnh 22 tấm huy chương Vàng, đội tuyển điền kinh Việt Nam còn thiết lập 2 kỷ lục Đại hội mới. Đó là, Nguyễn Thị Oanh đã phá kỷ lục cũ 10 phút 0 giây 02 của chính mình ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật bằng thành tích 9 phút 52 giây 44; và Lò Thị Hoàng cũng vượt qua kỷ lục 55m97 ở nội dung ném lao nữ đã tồn tại suốt 15 năm qua bằng kỷ lục mới 56m37 và giải tỏa cơn khát huy chương đã kéo dài nhiều năm ở nội dung này.
Bên cạnh đó, đội tuyển điền kinh quốc gia cho thấy sự thành công đáng khen ngợi khi lần đầu tiên giành được huy chương Vàng ở nội dung ném lao nam (Nguyễn Hoài Văn) và marathon nam (Hoàng Nguyên Thanh).
Trong khi đó ở môn bơi, mặc dù vắng mặt kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, đội tuyển bơi quốc gia vẫn có được kỳ SEA Games thành công, mang về 11 tấm huy chương Vàng (trong khi chỉ tiêu là giành 6 - 8 huy chương Vàng).
Kình ngư người Quảng Bình là một trong những vận động viên giành được nhiều huy chương Vàng nhất tại SEA Games 31 với 5 huy chương Vàng (trong đó có 4 huy chương Vàng cá nhân, 1 huy chương Vàng nội dung tiếp sức) và thiết lập kỷ lục mới ở nội dung 400m tự do nam.
Các kình ngư Việt Nam không chỉ vượt chỉ tiêu huy chương mà còn giành hai suất tham dự Giải vô địch thế giới 2022 (400m tự do, 1.500m nam) trong số 4 tấm vé mà các kình ngư Đông Nam Á giành được từ các cuộc thi đấu tại SEA Games.
Hàng loạt các môn thể thao có mặt trong chương trình Olympic cũng đã đóng góp nhiều thành tích rất ấn tượng cho Đoàn Thể thao Việt Nam trong các cuộc thi đấu tại SEA Games 31. Tiêu biểu như 7 huy chương Vàng môn bắn súng, 5 huy chương Vàng môn thể dục dụng cụ, 3 huy chương Vàng và 6 kỷ lục Đại hội môn cử tạ, 5 huy chương Vàng môn đấu kiếm, 8 huy chương Vàng canoe, 8 huy chương Vàng rowing, 1 huy chương Vàng 2 môn phối hợp, 3 huy chương Vàng môn boxing, 2 huy chương Vàng bóng ném, 4 huy chương Vàng môn xe đạp, 1 huy chương Vàng môn quần vợt, 17 huy chương Vàng ở môn vật...
Thống kê cho thấy, ngoại trừ điền kinh và bơi, số lượng huy chương Vàng đến từ các môn Olympic chiếm trên 30% tổng số huy chương Vàng mà Đoàn Thể thao Việt Nam giành được tại SEA Games 31.
Đây là điều nằm trong dự báo của giới chuyên môn trước khi đại hội khởi tranh và khẳng định thế mạnh ở nhiều nội dung, môn thể thao Olympic của Thể thao Việt Nam trong các cuộc thi đấu tại SEA Games 31.
Ở môn bóng bàn, Nguyễn Đức Tuân trở thành tâm điểm sự chú ý khi đem về tấm huy chương Vàng nội dung đơn nam sau 19 năm chờ đợi. Kể từ sau khi Trần Tuấn Quỳnh đăng quang tại SEA Games 22, phải đến thời điểm này, mới có một tay vợt Việt Nam lên ngôi. Chiến thắng của tay vợt 25 tuổi người Hải Dương không chỉ giải tỏa cơn khát cho bóng bàn Việt Nam tại SEA Games, còn đánh dấu cột mốc lịch sử trong sự nghiệp ngay trong lần thứ 2 dự Đại hội. Đồng thời, tấm huy chương Vàng cũng từng bước thắp lên hy vọng cho bóng bàn Việt Nam sau nhiều năm bị lấn lướt bởi các tay vợt Singapore.
Ngay sau Lễ khai mạc SEA Games 31, đoàn Thể thao Việt Nam đã tạo nên cú bứt phá ngoạn mục nhờ những cơn mưa "Vàng" đến từ các môn võ thuật. Bắt đầu từ chiến thắng vang dội của các võ sỹ ở môn kurash (giành 7 huy chương Vàng trong số 10 nội dung thi đấu), các võ sỹ còn lại đã thi đấu rất thành công và hầu hết đều vượt chỉ tiêu chuyên môn đề ra. Đó là, 10 huy chương Vàng wushu, 9 huy chương Vàng judo, 9 huy chương Vàng taekwondo, 7 huy chương Vàng karate, 6 huy chương Vàng pencak silat, 6 huy chương Vàng vovinam, 5 huy chương Vàng kickboxing, 5 huy chương Vàng muay, 2 huy chương Vàng jujitsu...
Thành công ở SEA Games là điểm tựa và mở ra hy vọng cho Thể thao Việt Nam trong thời gian tới.
Anh Minh