Chúng tôi đến huyện cuối cùng của Nam Định (xã Hải Hậu) khi chiều đã chạng vạng. Đường còn dài nhưng tôi đã mường tượng tới dải đất vươn ra biển từ thành Nam đang đâu đó ở phía trước. Sương trắng nhòe sắc gạo đầu làng, tháp chuông nhà thờ đổ hồi lẩn trong sương như còn lạc mãi mới vọng đến tai du khách. Phóng tầm mắt sang bờ bên kia dòng Ninh Cơ, những làng quê yên ả ở vùng Nam Sơn Hạ này với nhà lợp ngói ri thấp, hài hòa cùng vườn tược. Thi thoảng, như để xóa đi vẻ xa cách, dòng sông lại trổ sang một cây cầu thanh mảnh.
Người bạn đang cầm lái chiếc xe Honda giờ mới lên tiếng. Thổ âm vùng biển tuy đã nhạt dần sau những tháng năm lặn lội nơi sơn cùng thủy tận nhưng vẫn gợi ký ức một thời ăn sóng nói gió. Anh kể những lần lũ từ sông đào, sông Đáy đổ về cuộn dòng Ninh Cơ ầm ầm ra biển như muốn chôn vùi làng mạc. Bằng chứng còn là những vết bùn ngấm trên kẽ tường những gian nhà hoang cổ ngoài bãi.
Thế là sớm hôm sau, chúng tôi quyết tìm ra cửa biển. Suốt đêm trước, tôi cứ nghĩ mãi về câu nói của người bạn; dòng Ninh Cơ có được là nhờ những giọt nước trong vắt của sông Đáy từ mạn Phủ Quốc mây trắng, Bương Cấn lúa vàng. Nhưng, đâu chỉ có vậy, Ninh Cơ còn nhận nước từ sông Bôi xứ Mường xưa. Bởi thế, cửa biển ở đây cũng là nơi những người con lớn lên bên những cánh đồng Hòa Bình như tôi muốn tìm về tiễn biệt dòng nước ngọt núi rừng về với biển mẹ bao dung.
Biển mùa xuân luôn lãng đãng sương mù. Cái ranh giới vốn đã thiếu một nét chì than ngăn cách lại càng mờ nhòe trong bức tranh trời nước. Trong thời tiết ấy, nhận ra cửa biển đâu dễ. Màu xanh của nước ngọt trong đất liền, màu lam bạc của vùng nước lợ nơi giáp ranh cũng không còn, chỉ còn nghe thấy tiếng sóng vỗ vào kè biển. Cửa biển mênh mang, nhấp nhô những chiếc thuyền thúng. Đứng ở đây ngẫm về những lúc dòng sông yên ả in bóng những tán cây, tảng đá dưới bóng nắng trưa hè trên mạn sông Đáy, sông Bôi, chợt thấy dọc dài một đời sông cũng tựa như một đời người. Có khúc quặn lòng đắng đót qua những khe đá, ghềnh thác. Có khi lại còm cõi len lỏi giữa những cánh đồng, phố thị sau khi đã san sẻ khúc ruột phù sa cho những ruộng vườn tốt tươi. Nhưng rồi, dòng sông nào cũng tìm ra tới biển, cho dù có phải đổi tên, gửi phận vào một dòng lớn hơn, đi xa hơn, để rồi khi về đến đây chẳng còn chút gì ngần ngại mà vỡ òa ra bằng sóng nước.
Người ta hay nói đến cuộc sống của những xóm làng vùng cửa sông với những mảng màu khác nhau đồng hiện. Ở đâu có biển, ở đó có nguồn sống nuôi những xóm chài bập bềnh thức ngủ cùng nhịp điệu của con sóng; ở đâu có sông, ở đó có những xóm làng quần cư vững vàng trên nền canh tác. Nhưng cửa biển của những con lạch lớn đến mức được định danh thành sông như Ninh Cơ này đã đặt hai cuộc sống ấy bên nhau để ứng chiếu, tương sinh tạo nên một mũi đất với bao điều thú vị. Tôi đã tản bộ từ con đường đê quai ngoài biển vào những làng ở Cồn Vinh, Nghĩa Phúc. Con người ở đây tuy vẫn mang làn da, âm sắc của vùng biển nhưng dường như chỉ biết chuyên tâm vào những cày cấy. Với họ, biển chỉ là những cơn mưa xuân với gió Đông mang sinh khí thổi xanh tươi những gì đang gieo trồng. Có lẽ, những biến thiên của tự nhiên khi sinh ra một mũi đất đã tình cờ sắp đặt để những nhịp sống khác nhau kề cận trên cùng mảnh đất này. Điều ấy vừa tựa như một bảo tàng sống vừa tự nhiên như lẽ đất lành chim đậu. Ninh Cơ, Thịnh Long là gì? Những biến âm đã tạo nên tên gọi ấy hay là những địa danh cổ? Chỉ biết rằng những âm hưởng của sự hưng thịnh cứ vang vọng trong tâm trí con người.
Bùi Việt
(Tạp chí Du lịch)