
Chùa Một Cột
Theo quan niệm của đạo Phật, đức Phật trở thành người thầy muôn đời, chỉ dẫn cho mọi người con đường giải thoát và giác ngộ - con đường tiếp cận chân lý (con đường thoát khổ). Từ đó, Siddahartha được gọi là Thích Ca Mâu Ni. Suốt 49 năm hành pháp và giảng đạo, Ngài chỉ ra: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Người đã chỉ ra con đường tự giác ngộ và giúp cho người khác giác ngộ một cách toàn vẹn.
Đạo Phật từ Ấn Độ được truyền bá sang Việt Nam trước khi tiếp cận với Phật giáo Trung Hoa. Quá trình giao lưu buôn bán thì đồng thời văn hóa cũng được hội nhập và tiếp biến. Và, Phật giáo đã xuất hiện đầu tiên tại vùng Luy Lâu (Vùng Dâu, Thuận Thành, Hà Bắc) vào cuối thế kỷ thứ 2 (khoảng 168 - 189). Người truyền bá là hai nhà sư Ấn Độ có tên là Khâu Đà La (Maha Ksudra) và Kỳ Vực (Maha Jivaka). Cũng từ đây Phật giáo tiến sâu lên phương Bắc để truyền Đạo Phật sang Trung Hoa.
Do Phật giáo truyền sang nước ta đầu tiên nên trong ngôn ngữ có khái niệm là “Bụt” để phiên âm từ Buddha (Phật). Điều đó được minh chứng trong những chuyện dân gian của nước ta. Có một nghịch lý, là Phật giáo phát triển rất mạnh ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ 3 TCN, nhưng sau đó lại lu mờ để những chỗ cho sự phát triển của Ấn Độ giáo. Phật giáo đã được hoằng dương rộng khắp ở khu vực châu Á và mở rộng sang các nước châu Âu, có mặt ở khắp nơi trên thế giới.
Đạo Phật có ba tông phái khác nhau là Thiền Tông, Mật Tông và Tịnh Độ Tông, nhưng đồng quy về một mối đó là “Đạo giải thoát”. Trước hết phải kể đến là Thiền Tông, một trường phái lấy tu thiền làm gốc. Chữ “Thiền” ở đây được viết tắt từ chữ Thiền Na (tiếng Phạn là Dhyna), đó là phép “tĩnh tọa hướng tâm” để thanh trừ tạp niệm, thanh lọc tâm hồn đạt đến hạnh phúc. Có nhiều thiền phái khác nhau, Thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam, do ba Thiền phái sáp nhập lại đó là: Thiền phái Tỳ ni đa lưu chi, Thiền phái Vô Ngôn Thông và Thiền phái Thảo đường. Sự sáp nhập ba Thiền phái trên là do vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung thượng sỹ kết tập lại, đã đưa tới sự phát triển của Thiền phái Yên Tử trở thành Thiền phái Trúc Lâm.
Sau trường phái Thiền tông là đến trường phái Mật tông. Mật Tông được bắt nguồn từ tư tưởng Bát Nhã cùng với tín ngưỡng dân gian Ấn Độ và với các thuật bùa chú. Theo quan điểm của trường phái này là có những thế lực siêu nhiên bí ẩn trong vũ trụ biết khai thác và sử dụng nó để tạo duyên trên con đường giác ngộ để thành đạo.
Một trường phái khác đó là Tịnh Độ Tông, do nhà sư Kha Tăng Khải (Samghavarman) và Cựu Ma La Thập (Kumarijiva) đặt nền móng tại Ấn Độ. Trường phái này được truyền vào Việt Nam từ rất sớm (khoảng 420- 422). Khác với trường phái khác, Tịnh Độ Tông chủ trương tu chứng bằng con đường niệm danh hiệu Phật “A Di Đà” và cho rằng có sự tác động bằng năng lượng vũ trụ từ bên ngoài (tha lực) đến người tu hành. Quan điểm này trở thành biện pháp tương đối dễ dàng cho những ai một lòng tu tập và có niềm tin vào Phật pháp. Trường phái Tịnh Độ gần gũi với giới bình dân, cho nên khi ra đời đã được truyền bá một cách nhanh chóng ở khắp mọi nơi. Ba tông phái này đều được kết hợp trong việc tu tập của các chùa và nó được biểu hiện trong sự sắp xếp các tượng Phật – các biểu tượng văn hóa truyền thống.
Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam đã luôn luôn đồng hành cùng dân tộc, từ thời Phật giáo hưng thịnh (thời nhà Lý) cho đến nay đã hơn ngàn năm. Với chiều dài lịch sử, Phật giáo Việt Nam có những hưng thịnh hoặc suy vi qua các thời đại. Song, văn hóa Phật giáo vẫn xuyên suốt quá trình lịch sử một cách liên tục tạo nên một dòng chảy như “mạch ngầm” thấm sâu vào lòng dân tộc. Để từ đó, tạo ra một nền tảng về giá trị tinh thần và hình thành nên các “khuôn mẫu văn hóa” đạo đức giúp cho con người ứng xử với nhau một cách hòa đồng theo tinh thần “Lục hòa” của Phật giáo khiến cho xã hội bớt đi những mâu thuẫn, gây nên những đấu tranh không bao giờ chấm dứt. Ngoài ra, còn được xem như một ”nội lực” tự sinh của cộng đồng, kháng lại mọi nền văn hóa muốn “xâm thực” nền văn hóa bản địa. Đồng thời, nó tạo nên “bản sắc” riêng của nền văn hóa dân tộc. Như vậy, Phật giáo đã góp phần làm cho kho tàng văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú và có giá trị về mặt tư tưởng. Nó cùng với Khổng giáo, Đạo giáo làm nên một tinh thần “Tam giáo đồng nguyên” mà Phật giáo là chủ đạo. Phật giáo trở thành một trong những hệ tư tưởng chủ đạo trong Văn hóa Việt Nam. Nó được thấm đẫm trong các lĩnh vực văn hóa gian gian, văn học nghệ thuật, để tạo nên một sắc thái rất riêng trong nền văn hóa Việt Nam. Nhờ vậy, mà người Việt Nam luôn luôn hiếu hòa, yêu chuộng hòa bình và luôn có tư tưởng “vị tha”. Mọi hoạt động về phật sự của Phật giáo luôn luôn xuất phát từ lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc và cuộc sống nhân sinh. Vì sự tiến bộ của xã hội, Phật giáo luôn góp phần vào việc chấn hưng đất nước, an sinh và đấu tranh cho một dân tộc vì hòa bình và sự thịnh vượng, cho một đất nước thống nhất, độc lập và tự do.
Thăng Long – Hà Nội với truyền thống dũng cảm và anh hùng, biết phát huy toàn bộ sức mạnh của toàn dân để làm nên những kỳ tích hào hùng trong quá trình dựng nước và giữ nước và cả trong công cuộc đổi mới đất nước, cũng như trong những lĩnh vực ngoại giao và phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Chủ tịch nước trong bài phát biểu của mình nhân dịp Đại lễ 10/10/2010: “Cách đây tròn 1.000 năm, vào mùa thu năm 1010, tiếp nối sự nghiệp dựng nước của các vua Hùng, các bậc tiên liệt, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn với tầm nhìn chiến lược đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của kinh đô quốc gia Đại Việt. Từ mốc son lịch sử đó đến thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, trải qua 1.000 năm với biết bao thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội vẫn tư thế vững vàng, khí phách hiên ngang, xứng đáng là trái tim của cả nước, để hôm nay cả dân tộc trùng phùng. Việt Nam là một dân tộc anh hùng! Và Hà Nội là một thủ đô anh hùng của Việt Nam!”
Như vậy, đạo Phật và văn hóa Việt Nam đã hòa nhập với nhau là một. Trong Văn hóa Việt Nam có tinh thần Phật giáo, trong lòng Phật giáo đã có Văn hóa dân tộc. Sự kết hợp này mang tinh thần biện chứng của triết học Phương Đông và nó đã tạo nên một sức mạnh tinh thần cho cả cộng đồng dân tộc - Việt Nam. Đồng thời, nó còn làm nên một bản sắc riêng của một thủ đô Hà Nội nghìn năm Văn hiến. Hà Nội chính là biểu tượng của hòa bình, là tình yêu của tự do và là phẩm giá của con người. Hà Nội còn là tấm gương của sự đấu tranh giành độc lập dân tộc, yêu chuộng hòa bình, xóa bỏ đói nghèo và trở thành tấm gương tiêu biểu của một nước tuy triền miên chiến tranh nhưng đứng lên có được độc lập dân tộc và sánh vai với năm châu bốn biển.
ThS. Nguyễn Như Hảo