Mùa nước nổi
Anh Đồng, cán bộ nông nghiệp xã là người Tam Nông, Đồng Tháp nhưng sống ở cù lao này hơn chục năm rồi dẫn chúng tôi đi men theo con đường bê-tông nhỏ liên ấp. Hương thơm sầu riêng cuối vụ như mùi mật ong ngọt ngào khiến bước chân người lữ khách là tôi cứ ngập ngừng không muốn bước tiếp. Biết ý, anh Đồng dừng lại cười bảo: “Giờ là cuối vụ, sầu riêng ít đi trông thấy chứ cách đây chừng hai tháng, nếu đi qua vườn sầu riêng anh sẽ không thể bước nổi vì cái hương vị ngọt đậm đà”.
Không ai biết vì sao, đang yên bình hiền hòa cuộn chảy, hết địa phận tỉnh Vĩnh Long, dòng sông Tiền lại tách ra làm hai để tạo nên một trong những cù lao màu mỡ, trù phú phù sa bậc nhất của dải đất miền châu thổ rộng lớn này. Để từ đó, những người dân trên cù lao Tân Phong đã không phụ lòng thiên nhiên biệt đãi mà chăm chỉ làm ăn, trồng nên những mùa vụ hoa trái, dần hình thành một hòn đảo trái cây lớn và độc đáo nhất nơi đây. Rất nhiều trái cây ngon đã trở thành đặc sản làm nức lòng người có xuất xứ từ cù lao Tân Phong này. Đó là trái nhãn mòng to mọng như trái táo ngọt ngào, trái sầu riêng chuồng bò hạt lép mới nghe tên đã thèm đến xao lòng, chùm chôm chôm nhãn vỏ đỏ au hay những trái sơri đặc trưng của vùng châu thổ phù sa. Cùng với Ngũ Hiệp, cù lao Tân Phong từ bao đời nay được ví như một hòn đảo xanh màu ngọc bích giữa lòng sông Tiền rộng lớn.
Những năm gần đây, nhiều hãng du lịch ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Tân An, Biên Hòa, Cần Thơ… đã chọn cù lao Tân Phong là một trong những điểm đến cho khách hàng của mình. Thế nên, người dân Tân Phong ngày nay không chỉ biết trồng cây lấy quả mà còn biết làm du lịch. Nếu rong ruổi hàng giờ liền trên một chuyến đò dọc dòng sông Tiền êm ả, du khách sẽ cảm nhận được nét thật thà, cởi mở của người dân miền sông nước, và đó mới là thứ “đặc sản” đáng quý nhất mà du khách được tận hưởng. Trong cả tiếng đồng hồ lênh đênh cùng sông nước, du khách sẽ được hòa vào không khí chợ nổi, được người lái đò vừa cầm lái, vừa hướng dẫn tận tình về cái chợ nổi hình thành từ thời vua Tự Đức và vẫn đang thịnh hành tới tận ngày nay. Khắp mặt sông Tiền rộng chừng cả cây số vuông, hàng ngàn chiếc thuyền ghe chở đủ thứ hoa quả từ Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp Mười hay tứ giác Long Xuyên theo những sông ngòi kênh rạch tụ tập về đây để tạo nên một chợ nổi nổi tiếng nhất vùng sông nước Tây Nam Bộ, chợ nổi Cái Bè. Nhìn những “cây bẹo” treo những thơm, khoai mỡ, dưa hấu, bí đỏ, chanh dây hay bưởi, cam, táo, vú sữa…, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự trù phú, dồi dào sản vật của vùng sông nước này. Cuộc sống và cách mua hàng của người dân nơi đây cũng hết sức đơn giản và thật thà. Dường như, với họ, không phải của cải, mà tình người, nụ cười và những cái bắt tay siết chặt mới là thứ được người thương hồ quý trọng nhất.
Buổi trưa, bạn hãy dừng lại, cẩn thận leo lên chiếc cầu khỉ làm bằng thân gỗ mong manh, lắt lẻo để bước vào những ngôi nhà ven cù lao Tân Phong thưởng thức bữa cơm miệt vườn đầy hương vị đồng quê. Ngoài cua, tôm, cá lóc hay những sản vật thông thường khác như rắn, ếch, thì ốc gạo Tân Phong chính là món ăn được chú ý nhiều nhất. Ốc gạo ở cù lao này nổi tiếng từ nhiều đời nay, nghe đâu các bậc vua chúa nhà Nguyễn thời xưa cũng rất thích loại ốc gạo ở vùng này bởi thịt chúng ngon, giòn và thơm, vỏ lại mỏng hơn ốc vùng khác.
Đón trái sầu riêng trái mùa cùng nụ cười vô tư rạng ngời như gió châu thổ, tôi thầm cảm ơn thứ tình cảm nồng hậu của người dân cù lao. Mỗi lần về cù lao tôi lại đi một mình, để lòng cảm thấy thanh bình hơn sau những bon chen kiếm sống. Rồi chợt nhận ra, không gì tuyệt hơn việc nằm giữa vườn cây trái nức hương nghe tiếng sóng sông Tiền vỗ dập dồn như những ký ức xa xưa từ thuở cha ông xuôi thuyền đi mở cõi.
Đoàn Đại Trí