Cẩm Giàng là vùng đất có truyền thống văn hóa - giáo dục lâu đời, nơi có Văn Miếu Mao Điền - trường học, trường thi xứ Đông. Đây cũng là quê hương của đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, người đặt nền móng cho nền y học dân tộc nước nhà với tư tưởng “Nam dược trị Nam nhân”. Cẩm Giàng còn là nơi hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, công nghiệp. Chính vì vậy, những năm qua đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Huyện Cẩm Giàng là địa phương đạt chuẩn nông thôn mới và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Theo bà Phạm Thị Kim Nhung - Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương, với 2.207 di tích lịch sử văn hóa, tâm linh, trong đó có 141 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 04 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt. Ngày 15/12 tới đây Hải Dương sẽ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu Mao Điền, đền Xưa - chùa Giám - đền Bia. Đây là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân Hải Dương nói chung và người dân Cẩm Giàng nói riêng.
Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Ninh Bình Đỗ Dương Tiến nhận xét, Cẩm Giàng có nhiều tiềm năng du lịch, được ngành VHTTDL Hải Dương cũng như lãnh đạo huyện hết sức quan tâm. Điều này cho thấy quyết tâm lớn trong việc thúc đẩy du lịch phát triển, tuy nhiên, theo ông Tiến, huyện nên chọn một sản phẩm du lịch nổi bật như du lịch văn hóa, tâm linh làm điểm nhấn. Các sản phẩm du lịch cần được thổi hồn và phải giới thiệu được sự nổi bật của sản phẩm đó. Hiện sản phẩm đã có, nhưng chưa tạo được sự lôi cuốn vì nguồn nhân lực còn hạn chế.
“Sở VHTTDL nên có sự tư vấn của các chuyên gia trong việc viết bài giới thiệu về sản phẩm và làm thêm các dịch vụ tại điểm, bổ sung bảng biển hướng dẫn vào các điểm di tích, tham quan”, ông Tiến nêu ý kiến.
Đại diện doanh nghiệp lữ hành Volunteer Education Hà Nội bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến loại hình du lịch giáo dục trên địa bàn huyện. Theo doanh nghiệp này, đây là loại hình rất phù hợp với lứa tuổi học sinh, giao thông từ Hà Nội đến Cẩm Giàng rất thuận lợi và có thể kết hợp với khám phá trải nghiệm một số loại hình du lịch khác ở các huyện lân cận. “Volunteer Education Hà Nội sẵn sàng đồng hành cùng huyện Cẩm Giàng để phát triển mảng du lịch giáo dục và tuyên truyền tới các trường học ở Hà Nội”, đại diện Volunteer Education Hà Nội nói.
Các đại biểu tham dự tọa đàm đánh giá cao quyết tâm của huyện Cẩm Giàng trong việc phát triển du lịch nhằm khai thác tiềm năng địa phương, đưa du lịch nâng cao đời sống nhân dân.
Về một số hạn chế được các doanh nghiệp lữ hành đưa ra như đội ngũ hướng dẫn viên chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác truyền thông quảng bá chưa sâu, các cơ sở lưu trú, sản phẩm lưu niệm còn ít, chưa được chú trọng… Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng Trịnh Ngọc Thành cho biết, sẽ từng bước khắc phục những tồn tại để từng bước đưa du lịch Cẩm Giàng đi lên. “Chúng tôi lắng nghe và ghi nhận tất cả các ý kiến của các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp lữ hành, từ đó báo cáo đề xuất với Sở VHTTDL, lãnh đạo tỉnh Hải Dương, từng bước tháo gỡ...”, ông Thành nói.
Trịnh Thảo